Vĩnh Phúc: Khơi thông các nguồn lực nhằm phục hồi và phát triển kinh tế xã hội

Đời sống - Ngày đăng : 10:19, 07/11/2022

Những kết quả nổi bật đã đạt được trong 10 tháng đầu năm 2022, đã thể hiện sự đoàn kết, quyết tâm cao độ của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.

Những con số ấn tượng

Theo số liệu Kho bạc Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc, đến ngày 15/10/2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 26.446 tỷ đồng, tăng 3,63% so với cùng kỳ, bằng 82,92% so với dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 21.190 tỷ đồng; thu hải quan đạt 5.234 tỷ đồng, tăng 30,92% so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng chi ngân sách nhà nước đạt 17.227 tỷ đồng, tăng 5,98% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển (bao gồm cả chi tạm ứng) đạt 9.477 tỷ đồng, tăng 11,34%; chi thường xuyên đạt 7.714 tỷ đồng, tăng 0,11% so với cùng kỳ. Nhìn chung, công tác quản lý thu, chi ngân sách được tăng cường, kiểm soát chi chặt chẽ, quản lý chi theo dự toán, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng vẫn bảo đảm các nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế,  đảm bảo an sinh, xã hội của địa phương.

Từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng của tỉnh nỗ lực triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các công trình, dự án, đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh nền kinh tế đang hồi phục và phát triển nhanh chóng. Song 10 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt mức thấp, ước đạt 59,53% kế hoạch năm. Công tác giải phóng mặt bằng một số dự án chậm, chi phí phát sinh do giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao là những nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh. 

vinh.jpg
Chỉ số IIP các tháng năm 2022 (%)

Tháng 10/2022, dự kiến tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 911,4 tỷ đồng, tăng 10,27% so với tháng trước, tăng 13,56% so với tháng cùng kỳ năm trước. Chia ra: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 597,1 tỷ đồng, giảm 0,25%; vốn ngân sách cấp huyện đạt 264,73 tỷ đồng, tăng 36,96%, vốn ngân sách cấp xã đạt 49,50 tỷ đồng, tăng 366,05% so với cùng kỳ.

vp4.jpg
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn Vĩnh Phúc phục hồi mạnh mẽ sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19)

 Tổng số vốn đầu tư thực hiện 10 tháng năm 2022 đạt 5.809,13 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2021. Chia ra: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 3.302,25 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 2.107,07 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 399,81 tỷ đồng, tăng 105,71% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo số liệu Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, đến ngày 15/10/2022, toàn tỉnh đã thu hút được 23 dự án DDI (16 dự án cấp mới, 07 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 9.876,17 tỷ đồng; 57 dự án FDI (25 dự án cấp mới, 32 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 312,5 triệu USD. Điểm sáng tập trung tại 32 dự án điều chỉnh quy mô với 136,45 triệu USD, tăng 11,23% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy cho các nhà đầu tư gắn bó lâu dài.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng

Tháng 10/2022, ước tính chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 6,41% so với tháng trước và tăng 16,77% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ, ngành khai khoáng giảm 60,45%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,90%; sản xuất và phân phối điện tăng 13,22%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,40%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tháng 10/2022 đều có sản lượng sản xuất tăng so cùng kỳ năm trước; trong đó, một số sản phẩm chủ lực của tỉnh ghi nhận mức tăng khá, đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp: Giày thể thao ước đạt 1.279,2 nghìn đôi, tăng 23,37%; gạch ốp lát đạt 9.523,6 nghìn m2, tăng 23,22%; ô tô các loại đạt 3.350 xe, tăng 7,48%; xe máy các loại đạt 136.276 chiếc, tăng 11,90%; doanh thu sản xuất linh kiện điện tử ước đạt 22.439,2 tỷ đồng, tăng 22,34% so với tháng 10/2021. 

Tính chung 10 tháng năm 2022, IIP ước tính tăng 15,42% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 11,06% của cùng kỳ năm 2021 và mức tăng 13,89% của cùng kỳ năm 2019 (năm trước khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện). Một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo trọng điểm tăng trưởng cao so với cùng kỳ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp như: Sản xuất linh kiện điện tử tăng 20,54%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 19,22%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 14,18%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 11,71%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 11,24%; sản xuất ô tô tăng 6,24%…Tính chung 10 tháng đầu năm nay, sản lượng sản xuất của 05 sản phẩm công nghiệp chủ yếu trên của tỉnh đều tăng so với 10 tháng đầu năm 2021.

Để phấn đấu đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội năm 2022, Vĩnh Phúc tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, xử lý các vướng mắc trong từng lĩnh vực cụ thể, để khơi thông các nguồn lực nhằm phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.


Anh Đức