Nguyên nhân khiến tin xấu, độc tràn lan trên mạng từ đâu?
Đời sống - Ngày đăng : 11:09, 04/11/2022
Thông tin được Bộ trưởng Bộ TT-TT gửi đến các đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn sáng 4/11.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Nội dung thông tin trên các trang mạng, trang thông tin điện tử, nền tảng trực tuyến hiện nay được cung cấp bởi hai nguồn: Từ tổ chức, cá nhân trong nước cung cấp, có nguồn gốc rõ ràng, được Bộ TT&TT cấp phép/hoặc không phải cấp phép hoạt động. Các trang này phần lớn đều tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam;
Và từ các trang tin không rõ nguồn gốc, có tên miền quốc tế, đặt máy chủ tại nước ngoài cung cấp thông tin bằng tiếng Việt; từ các mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, trong đó Facebook (70 triệu tài khoản), Youtube (có 60 triệu tài khoản), Tiktok (45 triệu tài khoản) là các mạng xã hội có nhiều người Việt Nam sử dụng nhất.
Các trang mạng nước ngoài, các nền tảng xuyên biên giới hoạt động như một kênh sản xuất, phân phối nội dung, chủ sở hữu các nền tảng lớn như Facebook, Youtube, TikTok, Netflix… thường đưa ra các quy định riêng của mình để quản lý nội dung (gọi tên là tiêu chuẩn cộng đồng) và áp dụng chung trên toàn cầu, rất hạn chế tuân theo luật pháp quốc gia sở tại.
Chính vì vậy, tin giả, thông tin xấu độc chủ yếu xuất hiện và lan truyền mạnh mẽ trên các nền tảng xuyên biên giới. Việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn do các quy định, chế tài xử lý còn bất cập, chưa đầy đủ, đồng bộ, Bộ trưởng cho biết.
Trước thực trạng đó, thời gian qua, Bộ TT&TT đã quán triệt, chỉ đạo thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 134/2020/QH14 của Quốc hội, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet.
Bộ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan; xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động của các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, các nền tảng trực tuyến trong và ngoài nước;..
Bộ TT&TT đã rất chủ động chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ kiên quyết, kiên trì triển khai đấu tranh quyết liệt, buộc các nền tảng xuyên biên giới, điển hình là Facebook, Google, Tiktok, Apple, Netflix phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung xấu độc, tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo sai, phản cảm. Cùng với đó đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai nhiệm vụ này.
Chủ động rà quét, theo dõi, đo lường, đánh giá xu hướng thông tin trên mạng nhằm xác định, phát hiện các nguồn thông tin xấu độc, các vấn đề nóng dư luận quan tâm để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc, với khả năng rà quét 300 triệu thông tin/ngày; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ phát triển công cụ rà quét, nắm bắt dư luận xã hội trên mạng để cung cấp cho các Bộ, ngành, địa phương sử dụng.
Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành chủ yếu tập trung quản lý rất chặt các mạng xã hội trong nước, và một số quy định đã trở nên lạc hậu, bất cập trước sự phát triển rất nhanh của Internet và công nghệ , khiến cho các mạng xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút người dùng, phát triển kinh doanh.
Trong khi đó, các dịch vụ mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam đang phát triển rất nhanh chóng những năm gần đây, thu hút rất đông người dùng trong nước và chi phối lên đến gần 70% thị phần doanh thu quảng cáo trực tuyến do các quy định quản lý hoạt động của nhóm đối tượng này cả về nội dung, về quảng cáo và thuế còn nhiều bất cập, lỏng lẻo. Thêm vào đó một số mạng xã hội nước ngoài lớn Facebook, Youtube… còn lấy lý do không có văn phòng đại diện tại Việt Nam, tự do ngôn luận, tự do Internet để tìm cách tránh việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Những bất cập này đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không bình đẳng giữa mạng xã hội trong nước với các mạng xã hội xuyên biên giới với lợi thế lớn nghiêng về các doanh nghiệp nước ngoài.
Ý thức tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội kém, thậm chí cố tình vi phạm nhiều lần, cơ quan quản lý Nhà nước khó xử lý, rút giấy phép ngay vì vướng quy trình xử lý theo quy định; các quy định chưa đủ chặt chẽ, chế tài xử phạt còn thiếu, mức phạt thấp chưa đủ sức răn đe…
Chính vì vậy, thời gian tới Bộ TT-TT sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý hiệu quả các nền tảng xuyên biên giới, nhất là nền tảng mạng xã hội, quảng cáo; Tăng cường đổi mới công nghệ trong công tác rà quét, phân tích dữ liệu, nhằm phát hiện kịp thời nguồn phát tán thông tin vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.