Giải pháp khắc phục khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản
Bất động sản - Ngày đăng : 09:24, 04/11/2022
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV chiều 3/11, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị: Với tư cách là cơ quan có chức năng quản lý bất động sản, dự báo xu thế phát triển BĐS ở Việt Nam thời gian tới thế nào? Bộ trưởng dự kiến có giải pháp phương hướng thế nào để khắc phục khó khăn, thúc đẩy thị trường?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết có những hạn chế như hệ thống pháp luật liên quan đất đai, xây dựng vẫn tồn tại.
Việc triển khai xây dựng các dự án hầu hết địa phương khó nên nguồn cung giảm, số dự án chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở thương mại giá rẻ cho người thu nhập thấp trung bình.
Cơ cấu sản phẩm tiếp tục bất hợp lý, thiếu nhà ở giá thấp, giá BĐS cao hơn nhiều so thu nhập người dân, công tác quản lý còn bất cập ở các địa phương, kiểm soát dòng vốn vào BĐS chưa chặt chẽ còn có rủi ro, cơ cấu nguồn vốn cho BĐS còn bất hợp lý khi chủ yếu là dựa vào tín dụng, trái phiếu, chưa có nguồn vốn trung và dài hạn.
Quý III, doanh nghiệp khó khăn về vốn. Chính sách thuế còn chưa phân biệt sử dụng và đầu tư, kinh doanh, mua đi bán lại dẫn tới đầu cơ, găm hàng. Hệ thống thông tin chưa hoàn thiện.
Về khó khăn và dự báo, ông cho biết theo kinh nghiệm thì thị trường BĐS có biến động khi chịu tác động bởi tình hình kinh tế vĩ mô, hai là các kênh đầu tư khác không ổn định so với kênh BĐS, ba là nguồn cung quá thiếu hoặc quá thừa, chính sách tín dụng bị thắt chặt, thiếu sự can thiệp hợp lý kịp thời của Nhà nước.
Qua kinh nghiệm đó và diễn biến thị trường thì Bộ Xây dựng đánh giá dự báo thị trường BĐS thời gian tới tiếp tục khó khăn. Nguồn cung hạn chế, trong khi nhu cầu người dân với nhà giá rẻ còn lớn.
Thị trường khó khăn nhưng nếu thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp như hoàn thiện hệ thống pháp luật, các giải pháp kiểm soát cơ cấu tín dụng BĐS, tạo điều kiện cho vay đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tốt, ưu tiên cho vay dự án nhà công nhân, nhà ở xã hội, nhà có giá phù hợp; hướng dẫn phát hành trái phiếu, huy động vốn trên TTCK, không cản trở việc huy động vốn của doanh nghiệp lành mạnh; tháo gỡ khó khăn trong thủ tục đầu tư; rà soát quản lý quy hoạch tại địa phương cũng như tăng kiểm tra; tháo gỡ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân...
Các giải pháp này cùng với sự phối hợp đồng bộ hiệu quả của bộ ngành địa phương thì thị trường BĐS sẽ dần cải thiện, đi vào ổn định hướng tới mục tiêu phát triển ổn định bền vững...