Tàu ngầm hạt nhân Nga phóng thử thành công tên lửa đạn đạo Bulava

Chuyển động - Ngày đăng : 07:25, 04/11/2022

Bộ Quốc phòng Nga ngày 3/11 ra thông báo cho biết tàu ngầm hạt nhân của nước này Generalissimus Suvorov đã phóng thành công một tên lửa đạn đạo Bulava từ Biển Trắng.

Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ, "thủy thủ đoàn của tàu ngầm tên lửa chiến lược mới nhất Generalissimus Suvorov thuộc Dự án Borey-A đã bắn thành công tên lửa đạn đạo Bulava trong giai đoạn cuối của các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước.

“Việc bắn tên lửa được thực hiện từ vị trí dưới nước từ Biển Trắng và các đầu đạn đã đánh trúng mục tiêu ở bãi thử Kura trên bán đảo Kamchatka”, Sputnik dẫn thông báo Bộ Quốc phòng Nga.

tau-ngam-09563710.jpeg
Tàu ngầm hạt nhân Alexander Nevsky một trong các tàu thuộc Đề án 955 đang được Hải quân Nga xây dựng. Ảnh: RT

Tàu ngầm tên lửa chiến lược Generalissimus được đóng tại xí nghiệp Sevmash. Đây là cơ sở đóng tàu lớn nhất của Nga ở thành phố Severodvinsk, miền Bắc nước này.

Tên của tàu được đặt theo tên của vị Đại tướng thế kỷ 18 của Nga là Alexander Suvorov. Ông Alexander Suvorov được coi là một trong những chỉ huy quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử nước Nga.

Generalissimo Suvorov là tàu thứ sáu trong số các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo thế hệ 4 của Nga và được trang bị các hệ thống vũ khí tên lửa, ngư lôi, dẫn đường, kỹ thuật vô tuyến và sonar hiện đại.

Đây là tàu sản xuất hàng loạt thứ hai thuộc lớp Borey-A nâng cấp. Mỗi tàu lớp Borey-A có thể mang theo 16 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm lớp Bulava, mang theo đầu đạn hạt nhân.

Tàu này có khả năng cơ động cao và tàng hình âm thanh. Tàu sẽ sớm được phiên chế vào Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa R-30 Bulava là loại tên lửa động cơ đẩy chất rắn 3 tầng, mang 6 đầu đạn dẫn đường riêng lẻ. Các đặc tính kỹ chiến thuật của nó vẫn chưa được tiết lộ chính thức. Theo thông tin ban đầu, tầm bay của tên lửa là 10.000 km, trọng tải 1,1 tấn, độ lệch mục tiêu có thể xảy ra là từ 120 - 350 m.

Các chuyên gia cho rằng, một trong những ưu thế chính của tên lửa Bulava là khả năng phóng “khô”, tức là trước khi phóng, bệ tên lửa cất cánh không chứa đầy nước. Điều này giúp giảm khả năng tàu ngầm bị phát hiện bằng thiết bị thủy âm của đối phương.

Một ưu điểm quan trọng khác của R-30 Bulava là khả năng phóng từ dưới lớp băng ở Bắc Cực. Để so sánh, các tàu ngầm Dự án 667 được trang bị tên lửa đẩy chất lỏng R-29RMU2 Sineva và R-29RMU2.1 Liner chỉ có thể bắn sau khi phá băng.

Theo chuyên gia tờ “Nezavisimoye Voennoye Obozreniye” Dmitry Litovkin, tên lửa Bulava phóng nhanh hơn nhiều so với tất cả các tên lửa tiền nhiệm.

Nhật Minh