Những vấn đề "nóng" sẽ được Bộ trưởng Bộ Xây dựng trả lời chiều nay (3/11)

Chính trị - Ngày đăng : 12:16, 03/11/2022

Bắt đầu từ chiều nay (3/11), Quốc hội sẽ tiến hành chất và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị là người đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đóng góp trung bình của ngành xây dựng và bất động sản trong GDP các năm gần đây chiếm khoảng 11% tổng thu ngân sách (trong đó ngành BĐS trực tiếp chiếm khoảng 4,5%, đóng góp trung bình khoảng 0,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP). Thu hút nguồn vốn FDI lĩnh vực bất động sản năm 2021 khoảng 2,6 tỷ USD (chiếm 8,6% tổng vốn FDI, đứng thứ 3 trong các lĩnh vực FDI). Đến tháng 9/2022, giá trị vốn hóa ngành BĐS ước tính khoảng 1,7 – 1,8 triệu tỷ đồng.

Hiện có hơn 1.100 sàn giao dịch bất động sản, hơn 44 cơ sở đào tạo về bất động sản (khoảng 32.900 đã cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản).

Tuy nhiên, thị trường bất động sản là thị trường phức tạp, liên thông, gắn trực tiếp với thị trường tài chính, tiền tệ và các thị trường khác. Theo kinh nghiệm quốc tế, các cuộc khủng hoảng kinh tế thường bắt nguồn từ khủng hoảng thị trường tài chính, tiền tệ và thị trường bất động sản.

Thị trường bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2022 tiếp tục gặp khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn và khan hiếm về nguồn cung. Nguồn cung về nhà ở từ các dự án mới được bổ sung không nhiều, nguồn cung nhà ở mới trong 9 tháng chủ yếu vẫn đến từ những dự án đã được triển khai và đang được mở bán.

Hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn còn một số bất cập; Cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa phù hợp: Phổ biến là bất động sản ở các phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch có biểu hiện dư thừa; Giao dịch bất động sản chưa được minh bạch, hiện tượng "hai giá", kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế trong giao dịch kinh doanh bất động sản còn khá phổ biến.

Theo Bộ trưởng, giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân. Điều này khiến cho người lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp càng khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở. Các sàn giao dịch bất động sản hoạt động thiếu ổn định; hoạt động môi giới bất động sản chưa được kiểm soát tốt.

Về việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản, Bộ trưởng cho hay, từ năm 2019 đến nay, Thanh tra Bộ Xây dựng và Thanh tra Sở Xây dựng các địa phương đã triển khai thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, trong đó có hoạt động kinh doanh bất động sản.

202210312045574469_cqh_0398.jpg

Cụ thể, Thanh tra Bộ Xây dựng đã triển khai 15 đoàn thanh tra về hoạt động kinh doanh bất động sản. Các kết luận thanh tra đã chỉ ra các vi phạm, đã kiến nghị xử lý về hành chính đối với 28 tổ chức và ban hành 28 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 5,4 tỷ đồng.

Trong năm 2021, 2022, Thanh tra Bộ đã và đang thanh tra chuyên đề diện rộng về dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An.

Theo báo cáo của Thanh tra Sở Xây dựng tại 3 thành phố lớn (Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng), giai đoạn 2020 đến tháng 9/2022, đã triển khai 441 lượt kiểm tra về hoạt động kinh doanh bất động sản, ban hành 77 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt là 29,2 tỷ đồng.

Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện một số sai phạm chính như kinh doanh không đủ điều kiện năng lực về tài chính; bán và cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai chưa được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư với khách hàng.

Tổng số tiền thu các đợt của khách hàng mua nhà trước khi bàn giao nhà vượt tỷ lệ quy định mà không có thoả thuận với khách hàng; tính diện tích căn hộ không theo kích thước thông thủy; chậm thực hiện các thủ tục với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho khách hàng theo thời hạn quy định.

Theo Báo cáo, về nguồn vật liệu cho đường cao tốc Bắc - Nam thì khó khăn lớn nhất là các dự án đường cao tốc qua khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, do nguồn nguyên liệu khoáng sản ở khu vực này hạn chế. Trữ lượng của các mỏ cát được cấp phép trong khu vực (An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, ...) sẽ không đáp ứng được nhu cầu và còn thiếu khoảng 20 triệu m3 vật liệu đất đắp.

Nguồn vật liệu cho Dự án sân bay Long Thành thì các địa phương lân cận Dự án đã cân đối được khoảng 40 mỏ đá đang khai thác với tổng trữ lượng các mỏ khoảng 381 triệu m3, công suất khai thác hàng năm đạt khoảng 20 triệu m3, cơ bản đáp ứng đủ phục vụ dự án. Tuy nhiên sẽ khó khăn trong việc cung cấp sản lượng khai thác lớn trong thời gian ngắn.

10_26_-bo-truong-nguyen-thanh-nghi.jpg
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

 Bộ Xây dựng đã giải quyết kịp thời kiến nghị của Bộ, ngành và các địa phương liên quan, hoàn thiện trình Chính phủ cơ chế đặc thù cấp phép các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng phục vụ công trình trọng điểm quốc gia; kịp thời, trách nhiệm trong việc tham gia ý kiến đối với việc điều chỉnh, bổ sung các mỏ khoáng sản để địa phương có cơ sở cấp phép sớm các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng phục vụ công trình trọng điểm quốc gia.

Bộ cũng xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, các chủng loại vật liệu xây dựng, vật liệu thay thế góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng để phục vụ các công trình trọng điểm quốc gia.

Mai Thoa