Thống đốc NHNN Việt Nam: Phong tỏa tài sản nếu phát hiện khách hàng trong "danh sách đen"

Chính trị - Ngày đăng : 16:21, 01/11/2022

Sáng nay 1/11, sau phần Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi).

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã giải trình thêm một số nội dung liên quan.

011120221129-z3845662758811_cf96c3909bd3ae9bd671d4dabfa5f1b8.jpg

Trong phần thảo luận trước đó, các đại biểu đề cập đến một số nội dung như về tên gọi, khái niệm, phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giải thích từ ngữ, các hành vi bị cấm; đối tượng báo cáo về phòng, chống rửa tiền; nghĩa vụ, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Các bộ, ngành, các đối tượng báo cáo trong đánh giá rủi ro về rửa tiền; tiêu chí, cách thức, rủi ro quốc gia về rửa tiền; phân loại cách thức xử lý đối với các kết quả đánh giá rủi ro; nhận biết khách hàng, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng, đánh giá rủi ro, tiêu chí phân loại, mức độ rủi ro của từng loại khách hàng.

Các đại biểu đề cập đến các nội dung như: việc thu thập, xử lý, phân tích, chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền, báo cáo giao dịch đáng ngờ theo lĩnh vực cụ thể và áp dụng các biện pháp tạm thời trì hoãn giao dịch; thẩm quyền, trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền.

Một số đại biểu cho rằng, cần có quy định thích hợp về vấn đề tiền ảo, tiền kỹ thuật số, tiền điện tử, thanh toán trên nền tảng kỹ thuật số; cơ quan phòng, chống rửa tiền và tính độc lập của cơ quan này; sự phù hợp với các cam kết quốc tế, tính đồng bộ, thống nhất với Hiến pháp và các luật khác;…

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá: Các ý kiến rất xác đáng, tâm huyết, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các đại biểu Quốc hội đối với công tác phòng, chống rửa tiền nói chung cũng như việc xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi nói riêng.

Về một số nội dung cụ thể, đại biểu đề nghị bổ sung trong dự thảo luật này là các công ty cung cấp dịch vụ tài sản ảo hay kinh doanh tài chính tiền tệ trên nền tảng về công nghệ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong quá trình xây dựng, cơ quan soạn thảo đã đưa các hoạt động này vào trong dự thảo luật, nhưng trong quá trình tham vấn ý kiến qua nhiều vòng, các ý kiến cho rằng các hoạt động này chưa được quy định trong các văn bản quy định pháp luật hiện hành vì vậy chưa nên đưa vào dự thảo luật. Chính vì vậy, quy định này sẽ giao Chính phủ bổ sung đối tượng sau khi được sự Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận.

011120221139-thong-doc-nhnn-3-.jpg
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu giải trình thêm một số nội dung liên quan.

Nhóm vấn đề thứ ba, các đại biểu quan tâm  là liên quan đến "dấu hiệu đáng ngờ" và báo cáo "giao dịch đáng ngờ", Thống Đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, "dấu hiệu đáng ngờ" chủ yếu mang tính định tính, cơ quan soạn thảo tổng hợp từ kinh nghiệm mang tính phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới và có cân nhắc những đặc thù về các hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm của Việt Nam.

Do dấu hiệu giao dịch đáng ngờ là định tính và chỉ là bước khởi đầu phát hiện ra có dấu hiệu đáng ngờ, là dấu hiệu cảnh báo ban đầu, sau đó các đối tượng báo cáo, các chủ thể báo cáo sẽ gửi cho Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận thông tin để phân tích, xử lý… Nếu thấy thực sự nghi ngờ thì sẽ chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền để tiến hành điều tra, xác minh. Giao dịch này là giao dịch rửa tiền hay là không thì sẽ được xác định thông qua quá trình điều tra, truy tố, xét xử theo đúng quy định của pháp luật, bà Hồng cho biết.

Nhóm thứ tư đó là liên quan đến hình thức phong thỏa tạm thời tài sản của khách hàng, Thống đốc Ngân hàng cho biết, chỉ được áp dụng khi mà đối tượng báo cáo thấy có nghi ngờ hoặc phát hiện có cơ sở liên quan đến những “danh sách đen” (Danh sách đen là những danh sách của các tổ chức, cá nhân mà liên quan đến tài trợ khủng bố, hoặc là phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, đe dọa đến an ninh quốc gia). Đây là những quy định đã có trong Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, và Luật này bổ sung thêm "căn cứ nghi ngờ" để thực hiện trì hoãn giao dịch này. Nội dung này cũng sẽ giao Chính phủ quy định các trường hợp cụ thể.

Việc trì hoãn giao dịch để ưu tiên đảm bảo cho an ninh quốc gia, và để tránh lạm dụng về ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân, dự thảo Luật quy định thời hạn trì hoãn không quá 3 ngày kể từ ngày thực hiện. Đối tượng báo cáo được miễn trách nhiệm pháp lý nếu họ thực hiện theo đúng các quy định của Luật.

Nhóm nội dung tiếp theo là liên quan đến bảo mật thông tin khách hàng và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, Luật quy định rõ trách nhiệm các bên đều phải tuân thủ các quy định về bảo mật của Nhà nước cũng như bảo mật những thông tin xác minh của khách hàng; các đơn vị không thực hiện sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, bà Hồng khẳng định.

011120221153-z3845667011232_2290b47fa5ec9110a0f4a620842db31a.jpg

Nội dung liên quan đến việc thành lập cơ quan phòng, chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc cho hay: Hiện nay, trong Luật Ngân hàng Nhà nước có quy định chức năng về phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước. Luật này cũng quy định chức năng về phòng, chống rửa tiền trực thuộc cơ quan thanh tra giám sát.

Nhưng theo Khuyến nghị số 29 của FATF, khuyến nghị cơ quan phòng, chống rửa tiền  phải đảm bảo tính độc lập và trao thẩm quyền cho các cơ quan này. Chính vì vậy, trong dự thảo Luật, Ngân hàng Nhà nước chỉ bỏ chức năng nhiệm vụ của cơ quan thanh tra, giám sát về chức năng này. Còn Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng nghị định và trình các cấp có thẩm quyền để thành lập một cơ quan tách biệt riêng để đảm bảo tính độc lập và thực hiện theo khuyến nghị của FATF.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng cho biết: Các ý kiến đóng góp đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, hoàn chỉnh dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua.

Mai Thoa