Ai chịu trách nhiệm về những tổn thất, lãng phí tài sản công?
Chính trị - Ngày đăng : 20:11, 31/10/2022
Chiều nay 31/10, dưới sự điều hành Phiên họp của Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Chỉ rõ trách nhiệm từng ngành, lĩnh vực; khắc phục triệt để tồn tại
Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã làm rõ nhiều nội dung thông qua những số liệu cụ thể liên quan đến hàng trăm dự án, hecta đất, hàng chục ngàn tỷ đồng bị lãng phí… Theo đại biểu, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do yếu tố chủ quan là chính, trách nhiệm quản lý, điều hành và trách nhiệm con người đã được chỉ rõ trong Báo cáo của Đoàn giám sát.
Tuy nhiên, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, nội dung Báo cáo vẫn nên nêu rõ hơn nữa trách nhiệm của chủ thể, của tổ chức, cá nhân nào để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí để tăng thêm chất lượng của Báo cáo giám sát.
Cùng quan tâm tới trách nhiệm của tập thể, cá nhân gây lãng phí song ở góc độ cụ thể hơn, đại biểu Hồ Thị Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đánh giá báo cáo đã khái quát được tất cả các nội dung về chống lãng phí ở khu vực công với 05 nội dung; chỉ ra được những ưu điểm, nhược điểm về vấn đề này. Vậy trong thời gian tới việc khắc phục, sửa đổi những tồn tại hạn chế này sẽ được thực hiện ra sao? Đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến lĩnh vực đất đai, còn nhiều bất cập khiến cử tri rất quan tâm.
Đại biểu Hồ Thị Minh cho biết, báo cáo giám sát đã khái quát tất cả các lĩnh vực trong chi tiêu khu vực công. Đại biểu đặt vấn đề, trong thời gian tới, chúng ta có quyết liệt triển khai các biện pháp phù hợp để tháo gỡ các vướng mắc trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hay không?
Đối với vấn đề đất đai, đại biểu chỉ ra rằng, ở rất nhiều địa phương chứ không chỉ riêng địa phương nào còn rất nhiều dự án không đáp ứng yêu cầu; hàng loạt các lô đất vàng vẫn đang còn có những bất cập trong quản lý và sử dụng. Vậy tới đây sửa đổi Luật Đất đai có khắc phục được tình trạng này không? Các Bộ, ngành có phối hợp để phân tích thấu đáo và giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở lĩnh vực quản lý đất đai hay không?
Với việc đầu tư xây dựng, sử dụng quản lý các trụ sở cơ quan nhà nước, đại biểu cho rằng, có một số công trình tuy vẫn sử dụng tốt nhưng cơ quan, địa phương vẫn bỏ hoang hoặc đập bỏ để xây mới, hoặc có những trường hợp không cộng tác trong việc chuyển giao cho chính quyền địa phương.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ, ngành cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để nhìn nhận rõ những bất cập, chồng chéo, qua đó sửa đổi để đảm bảo việc sử dụng hợp lý trụ sở, chuyển giao theo đúng quy định phải thực hiện thường xuyên, liên tục, chứ không phải chỉ làm tốt sau những kỳ giám sát.
Đại biểu đề nghị Chính phủ cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát để thấy trách nhiệm của mình trong từng ngành, lĩnh vực, để những báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong những năm sau không còn nhắc lại những tồn tại, hạn chế đã nhiều lần nhắc đến, góp phần thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm không chỉ ở khu vực công, mà cả ở khu vực tư.
Có chế tài mạnh đối với các hành vi gây lãng phí, thất thoát
Đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa khẳng định kết quả giám sát chuyên đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 cho thấy tình hình lãng phí, thất thoát các nguồn lực của đất nước về tài chính, ngân sách, tài sản công, đất đai, tài nguyên khoáng sản, thời gian lao động về nguồn lực rất lớn và nghiêm trọng.
Đại biểu Lê Hữu Trí nêu con số trong báo cáo về thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn ngân sách nhà nước, quản lý đất đai tại các lâm trường, các dự án chậm tiến độ, dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, dự án dang dở, gây thất thoát, lãng phí. Bên cạnh đó, quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục chưa được tiết kiệm, chưa có hiệu quả, còn thất thoát, lãng phí…
Đại biểu Lê Hữu Trí nhấn mạnh, thất thoát, lãng phí nêu trong báo cáo giám sát cũng chưa phản ánh đầy đủ bức tranh về thực trạng lãng phí, thất thoát trong xã hội của đất nước ta hiện nay. Đại biểu đề nghị cần có sự đánh giá nghiêm túc về các giải pháp khắc phục hiệu quả từ công tác giáo dục, nâng cao ý thức đến công tác xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật.
Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát đã chỉ ra rất cụ thể, các mặt còn tồn tại, gây thất thoát, lãng phí cũng chỉ rõ nguyên nhân của các tồn tại đó. Điều đó cho thấy Quốc hội đã chọn trúng và đúng vấn đề giám sát. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đặt ra tiếp theo là ai sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại, tổn thất, lãng phí đó; giải pháp để xử lý tiếp theo các tồn tại đó như thế nào?
Đại biểu mong muốn Quốc hội, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo làm rõ các vi phạm, thất thoát, lãng phí, trong đó cần thiết phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các phương án khắc phục, xử lý đối với trên 3.000 dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí; trên 79.000 hecta đất nông, lâm nghiệp đã quyết định thu hồi nhưng có phương án sử dụng… Tập trung xử lý các dự án không hiệu quả, chậm tiến độ, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, các dự án BT, BOT đang triển khai dở dang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; các dự án đã hoàn thành nhưng không đưa vào sử dụng, không phát huy hiệu quả, chất lượng không bảo đảm.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Đoàn giám sát Quốc hội bổ sung nội dung lãng phí chưa được đề cập trong báo cáo đó là vấn đề sách giáo khoa các cấp học phổ thông đã gây ra sự lãng phí lớn của xã hội cần được xem xét sửa đổi một cách nghiêm túc. Vấn đề này có nhiều bức xúc cho xã hội từ nhiều năm nhưng càng đổi mới chương trình giảng dạy thì lãng phí cho xã hội nhiều hơn và gây ra càng nhiều hơn sự bức xúc của xã hội.
Đại biểu Lê Hữu Trí cũng nêu việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật trong thực hành tiết kiệm chưa nghiêm, sự lãng phí trên nhiều lĩnh vực ngày càng nghiêm trọng hơn. Điều đó cho thấy hệ thống pháp luật, chính sách, biện pháp tổ chức thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí chưa bảo đảm tính pháp chế, tính kỷ luật, kỷ cương và chưa đạt hiệu quả. Vì vậy, Chính phủ cần sớm rà soát các hệ thống pháp luật hiện hành, các chính sách quản lý nhà nước trên các lĩnh vực gây ra sự lãng phí lớn tài sản của Nhà nước và xã hội. Tiếp tục hoàn thiện luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn để kịp thời điều chỉnh các bất cập, mâu thuẫn nhằm soát, hạn chế sự lãng phí nguồn lực quốc gia và xã hội….
Theo đại biểu, điều quan trọng cốt lõi hơn là Đảng và Nhà nước cần có chiến lược xây dựng cho được trong nhận thức và hành động của mỗi cá nhân, mỗi cơ quan, mỗi tổ chức và toàn xã hội văn hóa tiết kiệm, ý thức tiết kiệm, tư duy làm việc hiệu quả dù là việc nhỏ nhất, gắn với việc thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật và có chế tài mạnh đối với các hành vi gây lãng phí, thất thoát mới tạo được sự chuyển biến tích cực về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới.