Thống đốc nói về lựa chọn giữa lãi suất và tỷ giá
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 22:08, 28/10/2022
Thảo luận về kinh tế xã hội chiều 28/10, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại sau động thái nâng trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 9 và 10, cùng việc nới biên độ tỷ giá ngoại hối... khiến lãi suất vay của doanh nghiệp ngày càng tăng, trong khi họ đang khát vốn cho sản xuất, kinh doanh.
Giải trình vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận năm nay có những biến động lớn và "khó khăn hơn nhiều so với đánh giá vào cuối năm ngoái".
Bên cạnh yếu tố tác động từ lạm phát tăng cao trên toàn cầu, diễn biến bất ổn thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp trong nước, theo bà cũng tác động mạnh tới thị trường tiền tệ, ngân hàng.
Thống đốc khẳng định Ngân hàng Nhà nước điều hành tiền tệ linh hoạt ở mức độ phù hợp, cùng các công cụ khác để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. 9 tháng đầu năm nay, thanh khoản ngân hàng tốt, thậm chí dư thừa. Mặt bằng lãi suất không giảm nhưng tăng với biên độ thấp 0,3-0,4% so với cuối năm 2021. Diễn biến này phù hợp bối cảnh chung quốc tế.
Nhưng sang tháng 10, thị trường tiền tệ, ngoại hối biến động mạnh, chủ yếu do tác động tâm lý kỳ vọng. Đặc biệt, tin đồn thất thiệt đã tác động mạnh tới hoạt động tổ chức tín dụng, ngoại tệ, tỷ giá tăng rất cao. "Ngân hàng Nhà nước đánh giá trọng tâm thời gian này là đảm bảo hoạt động hệ thống ngân hàng, sẵn sàng cung ứng thanh khoản, đáp ứng chi trả của các tổ chức tín dụng", bà Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Với thị trường ngoại hối, bà Hồng nói, "lúc này phải tăng lãi suất điều hành để kiểm soát tỷ giá". Bà phân tích, nếu giữ lãi suất thì không thể kiểm soát được thị trường ngoại hối, trong khi ổn định thị trường này vô cùng quan trọng với niềm tin nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói thêm, trong ngắn hạn phải đánh đổi mục tiêu ổn định thị trường ngoại hối, đành chấp nhận tỷ giá tăng cao. "Với doanh nghiệp lãi suất cao có thể ảnh hưởng tới sản xuất nhưng tăng trưởng kinh tế chậm lại một chút, thị trường ngoại hối, ngân hàng ổn định, sau này có điều kiện tăng tốc, phát triển trở lại", bà Hồng bình luận.
Hoặc tín dụng, nếu nới room sẽ gây áp lực lên tỷ giá, ngoại hối. "Rất may, thời gian trước đây, Ngân hàng Nhà nước chưa điều chỉnh tăng room tín dụng, nếu tăng thì biến động của tháng 10 vừa rồi, thanh khoản "rất khó khăn", ảnh hưởng tới khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng", bà nêu.
Thực tế, áp lực điều hành đang đè nặng lên Ngân hàng Nhà nước khi phải đánh đổi giữa việc kiểm soát lạm phát, giữ giá tiền đồng và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
Trong một tháng, Ngân hàng nhà nước đã hai lần quyết định tăng trần lãi suất điều hành, do áp lực lạm phát toàn cầu ở mức cao và USD lên giá mạnh.
Hiện lãi suất tối đa với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 1% một năm, lãi suất với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 6% một năm - mức tương đương năm 2014. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn do ngân hàng ấn định trên cơ sở cung cầu vốn thị trường. Sau quyết định này, các ngân hàng gồm khối quốc doanh, cổ phần đều bước vào cuộc đua tăng lãi suất huy động, kéo mặt bằng lãi vay đi lên.
Trước đó, từ giữa tháng 10, cơ quan quản lý tiền tệ cũng nới biên độ tỷ giá thêm 2%, tức từ 3% lên 5%.
Theo SSI, tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục chịu nhiều áp lực khi tâm lý gom giữ USD vẫn ở mức cao. Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại gần như đã ở mức kịch trần biên độ mới 5% so với tỷ giá trung tâm, quanh mốc 24.870 đồng (tương đương mất giá 8,5% so với cuối năm ngoái).
Tỷ giá liên ngân hàng cũng nhanh chóng tăng vượt mốc giá bán tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (24.380 đồng) và nhà điều hành đã phải tiếp tục can thiệp thông qua việc bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối.
Bối cảnh "room" tăng lãi suất không còn nhiều, theo giới chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa từ quỹ dự trữ ngoại hối và các công cụ khác để can thiệp, bình ổn thị trường ngoại tệ khi cần thiết.
Việt Nam có độ mở nền kinh tế lớn nên những tác động kinh tế thế giới sẽ tất yếu ảnh hưởng tới thị trường ngoại hối, tiền tệ trong nước, nên Thống đốc Hồng khẳng định, "sẵn sàng chuẩn bị tâm thế ứng phó những biến động này, xác định mục tiêu trọng tâm ở từng giai đoạn, thời điểm để có quyết sách".