Thay đổi giờ học ảnh hưởng sức khỏe học sinh, gây khó phụ huynh, Bộ GD&ĐT nói gì?
Đời sống - Ngày đăng : 19:39, 29/10/2022
Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều tối 29/10, phóng viên phản ánh có một số ý kiến cho rằng, việc thay đổi giờ vào học và tan học của học sinh hiện nay là chưa phù hợp, ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh và gây khó khăn cho cha mẹ khi đưa đón các con đến trường.
Từ đó phóng viên đặt câu hỏi đối với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết ý kiến về vấn đề trên như thế nào?
Liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trao đổi: Chúng ta đã thấy việc tưởng chừng là nhỏ khi điều chỉnh giờ học của học sinh nhưng nó có tác động rất lớn.
Thứ nhất, chúng ta biết số giờ ngủ của học sinh là rất quan trọng đối với việc học tập và việc này phải nghiên cứu rất kỹ, bởi nó không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả học tập của học sinh.
Hiện nay, theo nhiều nghiên cứu, không chỉ học sinh ở Việt Nam mà học sinh trên thế giới có xu hướng đi ngủ muộn. Vì vậy nếu như đi học sớm thì sẽ rất ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập. Tất nhiên điều này còn tùy theo từng địa phương, thời tiết theo mùa. Ví dụ như ở châu Âu, học sinh và sinh viên thường bắt đầu giờ học rất là muộn. Và cũng giống như ở Việt Nam, thời tiết mùa đông cũng khác thời tiết mùa hè nên có nơi điều chỉnh giờ học cho phù hợp.
Thứ hai, việc này là còn liên quan đến giờ làm việc của cha mẹ, giờ hành chính ở các địa phương.
Theo quy định về phân cấp quản lý nhà nước thì việc quyết định giờ học ở các địa phương thời gian qua nhìn chung là tương đối phù hợp.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, vừa rồi cũng có nhiều ý kiến của các phụ huynh, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh, phản ánh việc thay đổi giờ học, và Sở Giáo dục và Đào tạo của Thành phố đã có quyết định điều chỉnh khung thời gian học của học sinh.
"Theo chúng tôi, những gì chưa hợp lý về giờ vào học, ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến kết quả kỳ học của học sinh và gây khó khăn cho việc đi lại của cha mẹ thì nhất thiết phải điều chỉnh. Cách làm của Thành phố Hồ Chí Minh là khảo sát ý kiến, quyết định theo đa số ý kiến 93% người được hỏi để điều chỉnh lại giờ học cho học sinh là hợp lý. Tất nhiên là tùy từng địa phương, tùy tình hình giao thông, như ở Hà Nội hay các vùng nông thôn thì lại khác. Vì vậy, ở các địa phương cần có khảo sát, đánh giá kĩ.
Trong việc liên quan đến giao thông như ở Hà Nội này thì theo chúng tôi, ưu tiên giờ học của học sinh trước, từ đó tính toán, điều chỉnh giờ làm việc của viên chức, công chức", Thứ trưởng Sơn nói.
Trước đó, chiều 27/10, tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cung cấp thông tin về việc thay đổi giờ vào lớp của học sinh trên địa bàn thành phố.
Theo ông Hồ Tấn Minh, trước đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố đã xây dựng phương án thực hiện ca lệch giờ. Trong đó, có chương trình tiểu học là chương trình 1 buổi nên tất cả các trường bắt đầu vào học lúc 7 giờ, trung học cơ sở là 7 giờ 30 phút, trung học phổ thông là 7 giờ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do áp lực về cơ sở vật chất, vị trí của trường và sĩ số lớp cho nên một số trường đã thực hiện chưa đúng, khiến học sinh phải tới trường học sớm.
Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố đã tiếp nhận thông tin và chấn chỉnh, rà soát và yêu cầu các đơn vị thực hiện theo đúng nội dung. Theo đó, đối với học sinh cấp mầm non, tiểu học sẽ bắt đầu giờ học đầu tiên vào lúc 7 giờ 30 phút; học sinh trung học cơ sở giờ học sớm nhất là 7 giờ 15 phút; học sinh trung học phổ thông sẽ bắt đầu ca học vào lúc 7 giờ.
Giờ học còn tùy thuộc vào vị trí các trường học. Nếu trên cùng một cung đường có nhiều trường học thì việc sắp xếp, bố trí giờ học sẽ được địa phương thực hiện để bảo đảm giao thông.
Cũng theo ông Hồ Tấn Minh, Sở đã yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch đón học sinh từ 6 giờ 30 phút vì có nhiều phụ huynh vào ca làm sớm nên phải đưa con đến trường sớm, nhưng giờ bắt đầu vào học tiết đầu tiên sẽ phải tuân thủ theo hướng dẫn của Sở.
Tùy vào các cấp học, khối học khác nhau để bảo đảm ca lệch giờ ra không cùng lúc để trước cổng trường không xảy ra tình trạng tập trung đông người, ùn tắc giao thông. Nhà trường phải tự sắp xếp phương án dạy và học cho phù hợp tình hình thực tế để bảo đảm sức khỏe cho học sinh và các yếu tố thực hiện đúng quy định về giờ học của các cấp.