MSB vào Top các thương hiệu tài chính dẫn đầu của Forbes

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 22:30, 27/10/2022

Ngày 27/10/2022, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HoSE: MSB) được vinh danh trong “Top 25 thương hiệu tài chính dẫn đầu” năm 2021 do Forbes Việt Nam công bố. Đây là bảng xếp hạng dựa trên tính toán chi tiết về giá trị các thương hiệu trong ngành tài chính bao gồm: ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm của Việt Nam.

Theo ước tính của Forbes Việt Nam, tổng giá trị của 25 thương hiệu tài chính dẫn đầu đạt khoảng 3,94 tỷ USD. Trong đó, ngành ngân hàng đóng góp tỷ trọng lớn nhất khi có đến 17 đại diện, kế đến là chứng khoán với 05 đại diện và bảo hiểm với 03 đại diện. Cũng theo công bố này, MSB vinh dự là một trong số ít các ngân hàng có mặt trong Top 25 với giá trị thương hiệu ước đạt 53,2 triệu USD và còn nhiều cơ hội phát triển. 

Bảng xếp hạng các thương hiệu giá trị nhất được Forbes Việt Nam thực hiện, công bố lần đầu vào năm 2016 và liên tục mở rộng đối tượng tính toán hàng năm. 2021 là năm đầu tiên đơn vị tính toán giá trị thương hiệu các công ty trong một lĩnh vực cụ thể thay vì thực hiện danh sách tổng hợp như các lần trước đây. Forbes Việt Nam cho biết, “Top 25 thương hiệu tài chính dẫn đầu” được đưa ra dựa trên phương pháp tính toán của Forbes (Mỹ), định lượng giá trị của một thương hiệu thông qua những số liệu tài chính và khả năng tạo ra lợi nhuận. 

20190424_msb13410.jpg

Việc MSB xuất hiện trong “Top 25 thương hiệu tài chính dẫn đầu” thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của Forbes dành cho ngân hàng khi có các chỉ số tài chính tích cực trong năm 2021. Theo đó, MSB đã có một năm thành công với việc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh doanh, lợi nhuận đề ra. Năm 2021, MSB đã đạt 5.088 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 55% so với chỉ tiêu được giao và hơn gấp 2 con số này của năm 2020. Tổng tài sản của Ngân hàng đạt trên 203 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cuối năm 2020 và vượt hơn 7% so với kế hoạch đề ra. CASA của ngân hàng nằm trong top 3 trên thị trường. MSB cũng đạt Top 10 Ngân hàng có lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối cao nhất trong năm 2021. Song hành cùng sự tăng trưởng của các chỉ tiêu kinh doanh, MSB cũng không ngừng cải thiện chất lượng tài sản dựa trên các yếu tố: Nâng cao quản trị rủi ro khi hoàn thành Basel II và triển khai Basel III; Tỷ lệ an toàn vốn tối thiếu (CAR) theo tiêu chuẩn Basel II đạt 11,52%. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN đã giảm xuống chỉ còn 1,15%.

Năm 2021 cũng là năm MSB đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số với hai dự án chiến lược là thay mới Core Banking và “Nhà máy số”. Đến nay, MSB đã hoàn thiện cho ra mắt các sản phẩm, dịch vụ số: mở thẻ tín dụng, mua sản phẩm bảo hiểm, vay tín chấp/ thế chấp dành cho cá nhân và doanh nghiệp,…Việc số hóa hành trình trải nghiệm của khách hàng không chỉ bước đầu tạo ra kết quả khả quan trong năm 2021 mà tiếp tục gia tăng sự đóng góp cho những năm tiếp theo. Theo đó, kết thúc quý 3/2022, lợi nhuận trước thuế đạt 1.489 tỷ đồng, tăng 47,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng cán mốc 4.824 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021, thực hiện hơn 70% kế hoạch năm đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Đồng thời, MSB ghi nhận biên lãi ròng (NIM) lũy kế đạt mức hiệu quả nhất trong các năm gần đây: 4,34%. Tỷ lệ CASA/tổng tiền gửi đạt 38,25%, tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường.

Bên cạnh “Top 25 thương hiệu tài chính dẫn đầu”, MSB cũng được tôn vinh dự được nhận nhiều giải thưởng khác từ các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế như: “Ngân hàng chuyển đổi số tiêu biểu năm 2021” từ Tập đoàn dữ liệu quốc tế (IDG); Giải thưởng đặc biệt về thanh toán quốc tế từ Wells Fargo; “Ngân hàng dẫn đầu về tài trợ thương mại cho doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2021” từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB); “Top 10 ngân hàng TMCP tư nhân uy tín nhất Việt Nam” từ Vietnam Report,…


Huyền Thu