Thành lập thanh tra cấp Tổng cục thuộc Bộ phải có đủ các tiêu chí
Chính trị - Ngày đăng : 16:00, 25/10/2022
Quốc hội tập trung thảo luận về một số vấn đề như: Về hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra; Về hoạt động thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra; trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra và Đoàn thanh tra; Về xử lý chồng chéo, trùng lặp và phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước…
Liên quan đến Thanh tra cấp huyện, Báo cáo giải trình tiếp thu của UBTVQH nêu rõ : Đa số ý kiến trong UBTVQH tán thành với dự thảo Luật tiếp tục giữ Thanh tra huyện như hiện hành. Một số ý kiến đề nghị không tổ chức Thanh tra huyện, hoặc không thành lập Thanh tra huyện tại một số đơn vị hành chính cấp huyện có quy mô nhỏ, dân số ít, không có nhiều yêu cầu về thanh tra.
UBTVQH cho rằng, những bất cập trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện thời gian qua không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà vì chưa được bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Do đó, đề nghị Quốc hội cho quy định về Thanh tra huyện như trong dự thảo Luật.
Về việc thành lập thanh tra cấp Tổng cục/Cục thuộc Bộ, UBTVQH cho rằng cần quy định rõ trong luật các tiêu chí, nguyên tắc thành lập theo hướng Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập trong 03 trường hợp: Theo quy định của luật; Tại các Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quy định; Theo yêu cầu của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời bổ sung quy định về thành lập cơ quan thanh tra tại Cục thuộc Tổng cục được tổ chức theo hệ thống ngành dọc đặt tại địa phương, có phạm vi đối tượng quản lý lớn, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và được luật giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra.
Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với kiểm toán, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát dự thảo Luật để chỉnh lý, bổ sung, làm rõ các quy định về tránh sự chồng chéo, trùng lặp ngay trong nguyên tắc hoạt động thanh tra, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan thanh tra, về xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa- Đồng Tháp cho rằng, luật hiện hành thì không có quy định thành lập thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ nhưng cho phép Chính phủ xem xét, quyết định giao cho Tổng cục, Cục trực thuộc bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Theo đại biểu, việc thành lập thanh tra chuyên ngành là rất cần thiết, tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho công tác thanh tra, không phát sinh biên chế, tổ chức bộ máy, vì biên chế và tổ chức đã hiện hữu rồi. Tuy nhiên, không nhất thiết cục thuộc bộ, ngành nào cũng có tổ chức thanh tra mà phải có các tiêu chí, nguyên tắc cụ thể và giao cho Chính phủ quy định. Cùng với đó là rạch ròi nhiệm vụ, quyền hạn để tránh sự trùng lắp.
Việc xử lý vi phạm trong quá trình thanh tra, tại khoản 3 Điều 66 dự thảo luật quy định "trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo người ra quyết định thanh tra, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định và thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp biết.
ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi - Bến Tre cho rằng, thực tế hiện nay đang có sự lấn cấn trong việc khi nào sẽ chuyển hồ sơ khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm, chuyển ngay hay sau khi đã kết thúc việc thanh tra. Vì vậy đề nghị điều chỉnh quy định này theo hướng "trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo ngay cho người ra quyết định thanh tra để nhanh chóng chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định và thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp biết".
Về quyền của đối tượng thanh tra, tại điểm c khoản 1 Điều 90 dự thảo luật quy định "đối tượng thanh tra có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật". Đại biểu Yến Nhi cho rằng quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại là đúng nhưng chưa đầy đủ. Bởi vì, trong trường hợp đối tượng thanh tra bị xử lý oan sai từ hoạt động thanh tra dẫn đến hậu quả như bị mất việc, bị cách chức, hạ bậc lương, bị thay đổi vị trí việc làm, bị mất uy tín,… Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung điểm c theo hướng "đối tượng thanh tra có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật và yêu cầu khôi phục các quyền lợi khác mà đối tượng thanh tra bị mất hoặc bị giảm sút do bị xử lý oan sai từ các hoạt động thanh tra".
Phát biểu giải trình thêm một số nội dung, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc giữ nguyên hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện nay gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện để đảm bảo nguyên tắc “ở đâu có quản lý nhà nước, ở đó có thanh tra”. Sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý sai phạm từ sớm, từ xa ngay từ cơ sở, nhất là đối với Thanh tra cấp huyện.
Do đó, sau khi Luật Thanh tra (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ quy định cụ thể việc kiện toàn, tổ chức nâng cao năng lực cho cơ quan thanh tra huyện đáp ứng các yêu cầu quản lý nhà nước hiện nay.
Về xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với Kiểm toán Nhà nước; tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định cụ thể việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra Dự thảo Luật quy định rõ, mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có 1 kế hoạch thanh tra hàng năm. Dự thảo Luật quy định cụ thể trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước hàng năm phải đánh giá, tổng kết công tác thanh tra, kiểm toán để làm căn cứ xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo.
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục phối với cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi trình Quốc hội xem xét thông qua với chất lượng tốt nhất.