Thu nhập không đủ sống có nhiều hệ lụy, dễ nảy sinh tham nhũng
Chính trị - Ngày đăng : 13:46, 24/10/2022
Một trong những nguyên nhân được đề cập đến là do mức thu nhập không đủ sống, khiến họ phải rời bỏ công việc đang làm để đi tìm công việc khác. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đã có những nhận định xác đáng về vấn đề này và đưa ra những giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới.
PV: Thời gian qua, tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc/chuyển việc nhiều, rất đáng lo ngại. Theo ông nguyên nhân tình trạng này do đâu?
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Tôi cho rằng, nguyên nhân cơ bản sâu xa là hiện nay mức thu nhập để đảm bảo đời sống cán bộ, công chức, viên chức không tương xứng, thu nhập quá thấp. Trong nhiều triệu cán bộ công chức, có thể đối với một bộ phận nào đó tiền lương không có ý nghĩa lớn, nhưng tuyệt đại đa số đang sống nhờ vào thu nhập chính thức của mình và họ cũng có nguyện vọng để tập trung vào công vụ và có được mức thu nhập chính thức nuôi sống được bản thân họ.
Cá nhân tôi đánh giá, tuy rằng nhà nước cũng có những chính sách đãi ngộ, các cơ quan cũng nỗ lực tìm cách tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, nhưng vẫn thấp hơn thu nhập cần phải có để đảm bảo mức sống tối thiểu của họ.
Nguyên nhân nữa phải kể đến là gần đây nhà nước tăng cường xử lý trách nhiệm, chống tham nhũng, tiêu cực nên có phát sinh việc trước làm cán bộ công chức thu nhập thấp, chịu nhiều sự ràng buộc, có những sai phạm, sai sót do không cố ý, không tham nhũng nhưng vì trách nhiệm mà phải bị xử lý… nên có những người xin nghỉ việc.
PV: Vậy theo ông, một trong những giải pháp hiện nay nhà nước tiến hành là tăng lương cơ sở lên 20,8% có giải quyết được vấn đề hay không?
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Mục đích của chúng ta là tăng thu nhập cho cán bộ, công chức để họ có thể sống được bằng lương và chăm lo gia đình bằng chính tiền lương, thu nhập chính thức của cơ quan đó.
Hiện nay mức sống xã hội tăng cao, song tiền lương lại không theo kịp, nhiều cán bộ công chức, viên chức mới vào hệ thống công vài năm, thậm chí 5-7 năm, thì tiền lương vẫn thấp hơn nhiều so với mức sống tối thiểu.
Để đạt được mục đích công chức viên chức có thể sống được từ thu nhập chính thức, toàn tâm toàn ý lo cho công vụ, không cần làm thêm, "kiếm thêm" chỗ này chỗ kia thì tăng lương cơ bản là một trong những việc cần làm ngay, làm tức thời, nhưng chưa đủ.
Nếu tình trạng cán bộ, công chức, viên chức không sống được bằng đồng lương sẽ gây ra nhiều hệ lụy; hiệu quả công việc không cao và cũng là một trong những nguyên nhân phát sinh tình trạng tham nhũng.
PV: Có ý kiến cho rằng, cũng chính vì mức thu nhập thấp mà phải chân trong chân ngoài và có tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong”, ông nghĩ sao về vấn đề này?
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Câu chuyện cán bộ, công chức làm thêm bên ngoài tùy người, với người có trách nhiệm, năng lực thì chân ngoài sẽ không dài hơn chân trong; ví dụ như đi dạy thêm ngoài giờ. Nhưng nếu việc này kéo dài thì một số người không giữ được đạo đức, thành ra chân ngoài sẽ dài hơn chân trong (tức chỉ chăm chăm vào thu nhập mà xem nhẹ nhiệm vụ chính của mình), sẽ ảnh hưởng đến công việc, trách nhiệm công vụ của công chức, viên chức.
Điểm nữa tôi đề xuất thêm đó là: Hiện nay chúng ta có giải pháp tăng tiền lương cơ bản, nhưng tình trạng thu nhập thấp của những người hưởng lương và cả những người về hưu, khó khăn của họ là giống nhau. Một bộ phận do quá trình công tác, cấp bậc, chức vụ, thâm niên của họ không cao, nên lương hưu thấp. Còn bộ phận khác, cán bộ hưu trí nhưng lương vẫn rất cao. Do đó, không nên áp dụng việc tăng lương, tăng thu nhập bình quân mà theo hướng những đang ở mức thu nhập rất thấp, rất khó khăn thì có thể tăng nhiều hơn, còn những người đang ở mức cao so với những người kia thì mức tăng thấp hơn.
Nếu tăng cào bằng như hiện nay, tôi e rằng rất nhiều cán bộ, công chức, cán bộ hưu trí thu nhập không đáp ứng được nhu cầu cơ bản của cuộc sống.
PV: Theo thống kê thì TP Hồ Chí Minh cũng là một trong những cái địa phương có làn sóng dịch chuyển nhân sự từ công sang tư nhiều nhất, trong khi TP đang thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội. Vậy cơ chế đó hiện nay ra sao, thưa ông?
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Đối với TP Hồ Chí Minh, vấn đề mà lâu nay chúng ta không lưu tâm đó là mức sống và chi phí, cao hơn các vùng miền khác rất nhiều. Điều kiện để có thêm thu nhập bổ sung ở TP cũng không bằng các vùng miền khác, trong khi giá cả sinh hoạt tăng cao.
Vừa rồi, TP Hồ Chí Minh thực hiện chế đặc thù, có sự sắp xếp linh hoạt và hợp lý, để TP có thể chủ động tăng thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức, thu hút nhân tài và giữ cán bộ ở lại bộ máy. Việc này đã có những thành tựu nhất định đối với TP Hồ Chí Minh, tuy nhiên, theo báo cáo của lãnh đạo TP, một số cơ chế đặc thù đó hiện nay chưa đủ sức thu hút nhân tài, giữ chân người có năng lực.
Nên tới đây, đề nghị TP Hồ Chí Minh có kiến nghị thêm một số biện pháp khác để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức.
Tôi thấy rằng, không chỉ TP. Hồ Chí Minh mà Hà Nội cũng vậy, công chức không có thu nhập tăng thêm nhưng khối lượng công việc lại nhiều. Nên đòi hỏi phải có đặc thù là như vậy.
Chừng nào chúng ta chưa giải quyết được, chưa đạt mục địch việc cán bộ bộ công chức, viên chức đủ sống với mức sống trung bình của xã hội thì tình trạng cán bộ công chức bỏ việc ra khu vực tư còn diễn ra.
Tôi cũng xin nói thêm rằng, việc chuyển dịch từ khu vực công sang tư là việc bình thường, nhưng khi xuất phát từ nguyên nhân là do thu nhập thì nhà nước cần phải quan tâm.