Hàng chục ngàn viên chức xin nghỉ việc- dấu hiệu bất bình thường

Chính trị - Ngày đăng : 16:24, 23/10/2022

Công chức, viên chức xin nghỉ việc gia tăng, đặc biệt trong lĩnh vực Giáo dục và Y tế; tình trạng thừa-thiếu giáo viên ở các địa phương… đang là vấn đề rất “nóng” và đáng lo ngại hiện nay.

Nhiều đại biểu đã bày tỏ lo lắng trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế-xã hội ngày 22/10.

221020221152-dsc_1281.jpg
Phiên thảo luận tổ của Quốc hội sáng 22/10.

Nghỉ việc hàng loạt- vấn đề đáng lo ngại

Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Siu Hương- Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho rằng, tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc hoặc chuyển sang khu vực tư nhân gia tăng, trong đó lưu ý tới ngành y tế và giáo dục. Đây là vấn đề hết sức lo ngại hiện nay. Chỉ tính riêng tỉnh Gia Lai, đến tháng 6/2022 đã có gần 400 cán bộ công chức, viên chức xin nghỉ việc; con số này ở ngành giáo dục là 125 viên chức và ngành y tế là 115 viên chức xin nghỉ việc. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là chế độ tiền lương, phụ cấp không đáp ứng được yêu cầu cuộc sống; môi trường làm việc nhiều áp lực nhưng lại không phát huy được năng lực của người có trình độ cao.

Với thực trạng này, đại biểu đề nghị các Bộ ngành có lượng công chức, viên chức nghỉ việc nhiều cần có đánh giá về thực trạng này, để từ đó đưa ra giải pháp khắc phục, nếu không tương lai không xa, các ngành không chỉ thiếu nhân sự làm việc, mà còn thiếu nhân lực “chất xám” trầm trọng.

Dẫn số liệu thống kê từ Bộ Nội vụ, trong 2,5 năm qua, trên phạm vi cả nước có gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển sang khu vực tư nhân. Trong đó, khối Giáo dục là 16.000 người, khối Y tế là hơn 12.000 người, đại biểu Nguyễn Thị Thủy- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn nhận định: Đây là vấn đề rất đáng lo ngại. Chỉ trong một thời gian ngắn, chuyện nghỉ việc, chuyển dịch lao động từ khu vực công lập sang tư nhân với số lượng lớn, ồ ạt và chưa có dấu hiệu dừng lại là điều rất bất thường. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục phải đánh giá lại thực trạng này và có giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

Với tư cách là một cán bộ lâu năm trong ngành y, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh cho rằng, Chính phủ cần bổ sung trong báo cáo về tình trạng an sinh, xã hội trong đó có lĩnh vực y tế. Hiện có 2 tình trạng: Nhân viên y tế xin nghỉ việc hàng loạt, và chưa giải quyết triệt để vấn đề thiếu thuốc và trang thiết bị vật tư y tế. Báo cáo cần có sự đào sâu hơn, phải thật sự thấy những vấn đề đang xảy ra hiện nay của hệ thống y tế.

Đại biểu cho rằng cần có đề nghị phải có những phân tích, nhìn nhận về cơ chế, về quan điểm BHYT, về xã hội hóa y tế. “Xã hội hóa y tế không có nghĩa chỉ tính giá dịch vụ, tính đúng tính đủ, mà chúng ta vẫn cần một hệ thống song song là hệ thống công lập hoàn toàn, phải được đầu tư, chi trả một cách đúng theo giá thị trường, phản ánh chất lượng để cho người dân được khám chữa bệnh.

221020220150-1022to2-11-.jpg
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh phát biểu thảo luận tại tổ.

Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thì không có doanh nghiệp y tế. Trong khi đó, việc thiếu thuốc, là do cơ chế, thủ tục, giấy tờ không gia hạn số đăng ký, không cấp mới kịp. Chính phủ cần đưa ra được cơ chế rút gọn, tránh tình trạng thiếu thuốc. Đồng thời đề nghị phải có giải pháp căn cơ, các bộ ngành liên quan cùng Bộ Y tế xây dựng giải pháp về chính sách đãi ngộ nhân viên y tế, đại biểu nhấn mạnh.

Tăng lương là một trong những giải pháp

Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thống kê của Bộ Nội vụ tổng hợp từ các bộ ngành và 63 tỉnh thành, tính từ 1/1/2020 đến 30/6/2022 số cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc và thôi việc là 39.552, chiếm tỉ lệ 1,94%, trong đó chủ yếu là viên chức, còn công chức chỉ chiếm 1,63 %. Trong tổng số này, công chức có hơn 4.000 người, chiếm 1,98%; còn viên chức là 35.523 người chủ yếu rơi vào hai đối tượng chính là giáo dục và y tế.

Con số thôi việc trong 2,5 năm chủ yếu rơi vào 6 tháng cuối năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022. Số cán bộ, công chức, viên chức thôi việc rơi chủ yếu vào những cái địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội phát triển như TP.HCM, Đồng Nai, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ. Đây là những địa phương có số lượng doanh nghiệp rất lớn và có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Các vùng như Tây Bắc hay vùng Tây Nguyên, tỷ lệ này rất là nhỏ, Bộ trưởng cho biết.

Nguyên nhân tình trạng này, theo Bộ trưởng là do yếu tố khách quan, đại dịch Covid-19 tác động trên mọi mặt của đời sống xã hội, chi phối tất cả và đương nhiên đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, nhất là viên chức đã chịu áp lực rất lớn trong công việc. Áp lực này rất nặng nề, đặc biệt đối với nhân viên y tế, trong một bối cảnh cực kỳ nguy hiểm và vô cùng rủi ro của dịch bệnh. Thêm vào đó, đời sống chế độ, các chính sách hỗ trợ cho lực lượng nhân viên y tế chưa đáp ứng được yêu cầu.

221020221143-cqh_3046-1-.jpg
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu thảo luận tại tổ.

Còn đối với ngành giáo dục, nguyên nhân do thay đổi phương thức làm việc. Trước đây giáo viên lên lớp, giảng dạy theo một phương thức truyền thống nhưng trong quá trình xảy ra đại dịch Covid-19, họ phải dạy online, phải thay đổi phương thức làm việc. Chính vì vậy, áp lực lên đội ngũ giáo viên rất nặng nề. Đó cũng là lý do vì sao số người nghỉ việc tập trung vào hai đối tượng này là chính, Bộ trưởng cho hay.

Trước thực trạng đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, việc điều chỉnh mức lương cơ sở thời gian tới cũng là một trong những giải pháp giảm bớt khó khăn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay. Tiếp đến là phải xem xét lại một cách tổng thể và toàn diện về công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ công chức, viên chức. Phải nhìn nhận một cách rất khách quan, công tâm về vấn đề này để chúng ta có ứng xử, phải thay đổi toàn diện từ vấn đề quản lý, sử dụng và đặc biệt là tuyển dụng công chức, nhất là đối với hệ thống viên chức đang thực hiện nhiệm vụ dịch vụ công trong bối cảnh cơ chế thị trường hiện nay.

Một yếu tố không kém phần quan trọng nữa, theo Bộ trưởng là cần phải xây dựng môi trường làm việc văn hóa, thân thiện để làm sao cán bộ, công chức, viên chức cảm thấy yên tâm công tác. Tới đây cần xây dựng và hoàn thiện thể chế liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức phải tính đến vấn đề đảm bảo được sự cạnh tranh, công bằng giữa khu vực công với khu vực tư để chúng ta giữ chân được cái đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những đội ngũ chất lượng cao, Bộ trưởng Phạm Thanh Trà nhấn mạnh.

Mai Thoa