Chính sách đặc thù cho TP Hồ Chí Minh đang có nhiều bất cập

Chính trị - Ngày đăng : 15:25, 21/10/2022

Sáng 21/10, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo  kết quả tổng kết Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế đặc thù đối với TP Hồ Chí Minh.

Kết quả thực hiện nghị quyết

Nghị quyết 54/NQ/QH2014 được Quốc hội ban hành năm 2017, cho phép TP Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm các việc liên quan đến quản lý đất đai, đầu tư và quản lý tài chính, ngân sách nhà nước.

Báo cáo kết quả thực hiện hiện nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Kết quả thực hiện về việc quản lý đất đai, HĐND Thành phố đã quyết định thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10ha đất trồng lúa với tổng diện tích 1.843,79ha.

Theo đánh giá của Thành phố, cơ chế này cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, đảm bảo việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt có hiệu quả. Thành phố kiến nghị tiếp tục thực hiện cơ chế này trong thời gian tới và sẽ nghiên cứu đề xuất khi xây dựng sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai.

Về quản lý đầu tư, HĐND Thành phố quyết định chủ trương đầu tư 05 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách Thành phố, với tổng mức vốn đầu tư là 12.954,3 tỷ đồng. Điều chỉnh chủ trương đầu tư 01 dự án từ nhóm B lên nhóm A sử dụng vốn ngân sách Thành phố: Xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, tổng mức đầu tư tăng từ 1.402,8 tỷ đồng lên thành 4.849,3 tỷ đồng.

Thành phố cho rằng, cơ chế này đạt được mục tiêu đề ra, giúp rút ngắn thời gian trình các dự án đầu tư công thuộc nhóm A, chủ động, linh hoạt được nguồn vốn để bố trí cho các dự án đầu tư công, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, giúp sử dụng vốn hiệu quả và sớm đưa công trình dự án vào vận hành, tạo hiệu quả kinh tế xã hội chung và cơ chế này đã được quy định tại Điều 17 Luật Đầu tư công năm 2019.

Về quản lý tài chính – NSNN, TP thực hiện thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường; tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí và ban hành ngoài danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí.

Việc thực hiện thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường, đến nay, Thành phố chưa thực hiện tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Về ban hành các loại phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. UBND Thành phố chỉ đạo các Sở, ngành thường xuyên theo dõi để kịp thời báo cáo, đề xuất UBND Thành phố trình HĐND Thành phố ban hành các khoản phí, lệ phí chưa có trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí; điều chỉnh tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định...Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên Thành phố đã dừng việc xem xét các đề xuất này.

Theo đánh giá của Thành phố, cơ chế này chưa đạt được mục tiêu đề ra, nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng của dịch Covid-19; đồng thời, việc tăng mức, thuế suất, phí, lệ phí cần phải tính toán, đánh giá các tác động đến thu nhập người dân, doanh nghiệp và chính sách thu hút đầu tư của thành phố. Để tăng nguồn lực cho ngân sách Thành phố và định hướng tiêu dùng của người dân, Thành phố vẫn kiến nghị tiếp tục được cho thí điểm nội dung này trong thời gian tới.

Về HĐND Thành phố quyết định dự toán, phân bổ ngân sách Thành phố bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ. Thành phố cho rằng, cơ chế này đạt được mục tiêu đề ra, đã tạo chủ động cho Thành phố nhằm phù hợp với thực tế của địa phương.

Đánh giá chung về kết quả thực hiện Nghị quyết 54/2017/NQ14 của TP, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Trong bối cảnh việc tuân thủ thể chế chung áp dụng cho các địa phương đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, không phù hợp với yêu cầu phát triển của Thành phố. Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, Thành phố đã đạt được nhiều kết quả nổi bật:

Ngoại trừ vào các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19, kinh tế Thành phố liên tục tăng trưởng cao, bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016 - 2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011 - 2015.

Theo đánh giá của Thành phố, với việc thực hiện các quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14, tiến độ triển khai các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn so với việc phải trình các cơ quan Trung ương thẩm định. Việc nâng hạn mức huy động vốn cho phép Thành phố chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài để bổ sung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. 

Việc điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đã có tác động đáng kể đến nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Chính sách chi thu nhập tăng thêm được thực hiện công khai, minh bạch, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực.

Tiếp dụng áp dụng Nghị quyết 54 đến 32/12/2023

Tuy nhiên, bên cạnh đó có một số hạn chế như: Nhiều nội dung triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 còn chậm so với kế hoạch, như các cơ chế điều chỉnh chính sách thu, thực hiện cổ phần hóa, thu từ sắp xếp nhà đất của các cơ quan Trung ương, chi ứng vốn cho các dự án Trung ương trên địa bàn,...

Một số cơ chế tuy đã được thực hiện, nhưng hiệu quả còn thấp, như chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt chưa áp dụng được nhiều; cơ chế tài chính đặc thù nhằm giúp Thành phố có điều kiện huy động thêm nguồn lực để giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, cải thiện môi trường đầu tư,...  Một số cơ chế chính sách chưa được quy định cụ thể hoặc đang phải chờ văn bản hướng dẫn nên triển khai chậm. 

Báo cáo thẩm tra, Uỷ ban TCNS cho rằng, việc tổng kết Nghị quyết số 54 có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với thành phố Hồ Chí Minh mà còn tạo cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý để xây dựng, hoàn thiện chính sách đối với nhiều địa phương trên cả nước.

Tuy nhiên, đánh giá tổng quan việc tổng kết Nghị quyết, Ủy ban TCNS cho rằng, nội dung tổng kết cần sâu sắc, toàn diện hơn, theo đó cần lưu ý, nội dung tổng kết cần khẳng định rõ: Việc thực hiện thí điểm nghị quyết có được coi là thành công hay không. Sức lan tỏa đến đâu. Hiệu quả mang lại trên các mặt: kinh tế, xã hội, đối với đời sống người dân...

Việc tổng kết cần đánh giá được tính hợp lý, tính khả thi của cơ chế, chính sách thí điểm, theo đó cần làm rõ, qua thực hiện 5 năm cho thấy các chính sách có phù hợp với đặc thù của thành phố Hồ Chí Minh hay không, đã đủ sức nặng để tạo đà tăng trưởng như kỳ vọng hay còn quá mỏng, chưa đủ sức bật cho Thành phố.

Cần đánh giá khách quan việc tổ chức thực hiện, chỉ rõ những vướng mắc, nguyên nhân từ đâu, để từ đó có hướng khắc phục. Bên cạnh đó, cần nhận diện thẳng thắn những khó khăn, hạn chế do tổ chức thực hiện, trong đó chỉ rõ những vướng mắc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Thành phố phải xử lý.

Về đề nghị được tiếp tục áp dụng Nghị quyết số 54, Ủy ban TCNS đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết đến hết 31/12/2023; Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc đánh giá, tổng kết toàn diện, đầy đủ kết quả thí điểm và việc: “hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm và báo cáo Quốc hội” theo đúng quy định tại Nghị quyết số 54. Đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 15.

Mai Thoa