Tội phạm vị thành niên những con số đáng lo ngại
An ninh trật tự - Ngày đăng : 11:17, 12/03/2014
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Đề án IV “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên” của Bộ Công an, trong vòng 6 năm (2007 - 2013), trên cả nước đã xảy ra 63.600 vụ án hình sự do trẻ vị thành niên gây ra, với 94.300 đối tượng là trẻ vị thành niên phạm tội, tăng gần 4.300 vụ án so với 6 năm trước đó.
Như vậy, trong 6 năm qua, bình quân mỗi năm có trên 10.000 vụ án, với hơn 15.000 đối tượng là trẻ vị thành niên phạm tội. Bình quân mỗi ngày xảy ra trên 30 vụ án với gần 40 đối tượng. Con số này cũng tương đương với số vụ tai nạn giao thông và số người chết vì tai nạn giao thông hàng năm và hàng ngày.
Theo số liệu Tại Hội thảo “Chính sách hình sự và thực tiễn công tác thi hành án hình sự, thi hành biện pháp tư pháp dối với người chưa thành niên phạm tội” do Ủy ban tư pháp của Quốc hội tổ chức mới đây, trung bình hàng năm xảy ra gần 10.000 vụ vi phạm pháp luật hình sự với gần 15.000 đối tượng. Hầu hết các vụ phạm pháp hình sự liên quan tới người chưa thành niên xảy ra ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Khánh Hòa, Đắc Lắc, Hà Nội…
Số liệu thống kê cho thấy, tội phạm do trẻ vị thành niên gây ra chủ yếu là các tội: Trộm tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, cướp tài sản, cướp giật tài sản, đánh bạc, hiếp dâm, cưỡng đoạt tài sản, giết người… Với mỗi vụ án, hầu hết những tội phạm vị thành niên đều phạm cùng một lúc nhiều tội danh. Trong đó có những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, với những đối tượng vị thành niên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Lê Văn Luyện phạm nhiều tội đặc biệt nghiêm trọng khi chưa đủ 18 tuổi
Một vấn đề đáng lo ngại là càng ngày, số tội phạm vị thành niên càng trẻ hóa. Theo thống kê, trong tổng số 94.300 tội phạm vị thành niên nói trên, số trẻ dưới 14 tuổi phạm tội chiếm tới 13%, trẻ từ 14 đến 16 tuổi phạm tội chiếm tới 34,7%. Thống kê trên cũng cho biết thêm, có đến trên 70% số đối tượng trong tổng số 94.300 đối tượng vị thành niên phạm tội là ở các thành phố, thị xã. Số đối tượng ở nông thôn chỉ chiếm 24%. Điều cần quan tâm nữa là những đối tượng vị thành niên phạm tội dù ở thành thị hay nông thôn hầu hết đều thiếu sự quan tâm của gia đình, đa số đã bỏ học, hoặc có học lực yếu. Về nhân thân, rất nhiều đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt như cha mẹ bỏ nhau hay mồ côi… thiếu sự quan tâm quản lý, giáo dục của gia đình.
Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an), từ năm 2002 đến tháng 6/2013, 4 trường giáo dưỡng gồm Trường giáo dưỡng số 2 - Ninh Bình; số 3 - Đà Nẵng; số 4 - Đồng Nai và số 5 - Long An đã tiếp nhận 21.836 người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Trong đó có 21.335 nam, chiếm 97,93%; nữ có 501 em, chiếm 2,07%. Tính đến hết tháng 6/2013, 4 trường giáo dưỡng nói trên đang quản lý 2.834 học sinh, trong đó có 70 em là nữ. Và cũng không có gì là lạ khi có tới 40,7% các em đã từng bị nhà trường thi hành kỷ luật cảnh cáo hoặc đuổi học, hơn 85% số em nghiện thuốc lá, thuốc lào, gần 60% thích xem phim đồi trụy, phim đen, 33% em thích uống rượu, bia.
Trong thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ án chấn động dư luận xã hội mà hung thủ là những người chưa thành niên. Thậm chí, không ít trong số đó phạm một lúc 2-3 hành vi đặc biệt nguy hiểm như cướp của, giết người… Do tại thời điểm phạm tội, các em chưa đủ 18 tuổi nên không phải chịu khung hình phạt cao nhất dành cho tội danh đã phạm, tuy nhiên, cái giá phải trả cho những nông nỗi cũng không hề nhỏ.
Theo UB Tư pháp của Quốc hội, chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta trong việc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội là nhân đạo, bên cạnh mục đích trừng trị còn nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Bộ luật hình sự quy định không áp dụng hình phạt chung thân, tử hình, hình phạt tiền, hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội.
Trước tình trạng người chưa thành niên phạm tội có chiều hướng gia tăng, xảy ra nhiều vụ giết người, cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận, UB Tư pháp cho biết, trong quá trình tổng kết việc thực hiện Bộ luật hình sự hiện nay, cơ quan này đang nghiên cứu và sẽ xem xét trong quá trình thẩm tra, chỉnh lý Bộ luật hình sự (sửa đổi), bảo đảm chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội được sửa đổi phù hợp với tâm, sinh lý của lứa tuổi, các Điều ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia, đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm do người chưa thành niên thực hiện trong tình hình hiện nay.
UB Tư pháp cho biết, thông qua hoạt động giám sát sẽ lưu ý các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật. Trong đó, cần xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các đối tượng chưa thành niên phạm tội, nhất là trong các trường hợp rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; kiến nghị, yêu cầu các cơ quan tư pháp khẩn trương ban hành các thông tư liên tịch hướng dẫn xử lý vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật để xử lý nghiêm các trường hợp người chưa thành niên phạm tội.