Xây dựng quy định mới về chế độ nhuận bút của báo chí, xuất bản

Đời sống - Ngày đăng : 10:11, 19/10/2022

Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản thay thế Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14/3/2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.

Bộ TT&TT cho biết, Nghị định số 18/2014/NĐ-CP được ban hành có nhiều điểm mới, quy định rõ mức nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và những người tham gia thực hiện các công việc có liên quan, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí, xuất bản, tác động tích cực, khuyến khích sự sáng tạo, phục vụ tốt hơn nhu cầu của công chúng; tạo khung pháp lý để các cơ quan báo chí, nhà xuất bản hoạt động phù hợp với các quy định về tài chính, đồng thời xây dựng và phân bổ quỹ nhuận bút cho các bộ phận liên quan với khung nhuận bút chi tiết, phương pháp tính rõ ràng.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai, thi hành, Nghị định số 18/2014/NĐ-CP đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, cần sửa đổi, bổ sung.

Mới đây, Bộ TT&TTđã công bố Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 18/2014/NĐ-CP để lấy ý kiến trước khi ban hành chính thức.

Điểm đáng chú ý tại dự thảo Nghị định là đưa ra quy định, mức nhuận bút, thù lao trả cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả và những người tham gia thực hiện các công việc liên quan đến sáng tạo tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm căn cứ vào thể loại, chất lượng tác phẩm, mức độ ảnh hưởng của tác phẩm đến kinh tế - xã hội, mức độ đóng góp vào tác phẩm nhằm khuyến khích sáng tạo.

Về chế độ nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm báo in, báo điện tử, Nghị định quy định, đối với tác phẩm do cơ quan báo in, báo điện tử tự xây dựng bản thảo, nhuận bút, thù lao được tính trong chi phí cấu thành đơn giá của từng thể loại trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động báo in, báo điện tử.

Đối với tác phẩm của người không hưởng lương tại cơ quan báo in, báo điện tử, nhuận bút được tính như đối với tác phẩm do cơ quan báo in, báo điện tử tự xây dựng bản thảo; thù lao được tính trong chi phí cấu thành đơn giá của từng thể loại trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động báo in, báo điện tử.

Đối với cơ quan báo in, báo điện tử tự bảo đảm chi phí hoạt động, việc trả nhuận bút, thù lao cao hơn mức bình quân chung do Tổng biên tập quyết định căn cứ vào chất lượng, thể loại nhưng không vượt quá định mức kinh tế - kỹ thuật do Nhà nước quy định.

Riêng đối với tác giả bản dịch từ tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc thiểu số sang tiếng Việt hoặc ngược lại hưởng từ 40 - 65% nhuận bút của tác phẩm cùng thể loại tương ứng bằng tiếng Việt; tác giả của tác phẩm dành cho thiếu nhi, dân tộc thiểu số hưởng thêm 10 - 20% nhuận bút của tác phẩm cùng thể loại; tác giả là người Việt Nam viết trực tiếp bằng tiếng nước ngoài, người Kinh viết trực tiếp bằng tiếng dân tộc thiểu số, người dân tộc thiểu số viết trực tiếp bằng tiếng của dân tộc thiểu số khác hưởng thêm 30 - 50% nhuận bút của tác phẩm cùng thể loại; tác giả của tác phẩm thực hiện trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm được hưởng thêm tối đa bằng mức nhuận bút của tác phẩm cùng thể loại. Tất cả mức nhuận bút này sẽ do Tổng biên tập quyết định.

Dự thảo Nghị định cũng quy định, đối với báo nói, báo hình, nhuận bút, thù lao được tính trong chi phí cấu thành đơn giá của từng thể loại trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật sản xuất chương trình phát thanh, sản xuất chương trình truyền hình.

Đối với cơ quan báo nói, báo hình tự bảo đảm chi phí hoạt động, việc trả nhuận bút, thù lao cao hơn mức bình quân chung do Tổng Giám đốc, Giám đốc quyết định căn cứ vào chất lượng, thể loại nhưng không vượt quá định mức kinh tế - kỹ thuật do Nhà nước quy định.

Riêng đối với thể loại cầu phát thanh, cầu truyền hình, chương trình phát thanh trực tiếp, chương trình truyền hình trực tiếp và những thể loại khác chưa quy định trong Nghị định này, tuỳ theo tính chất, quy mô, Tổng giám đốc, Giám đốc quyết định mức nhuận bút, thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả và những người liên quan thực hiện các chương trình đó. Dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về người biên soạn được hưởng thù lao; bổ sung thể loại trong khung chia nhuận bút đối với xuất bản phẩm.

Ngoài chế độ nhuận bút, dự thảo Nghị định cũng đưa ra một số quy định chung về thời gian chi trả, nhận nhuật bút như chậm nhất 60 ngày kể từ ngày tác phẩm được đăng tải, công bố, bên sử dụng tác phẩm phải trả hết tiền nhuận bút cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định. Trường hợp cơ quan báo chí đã liên hệ, thông báo ít nhất 3 lần cho người hưởng nhuận bút nhưng không nhận được hồi âm thì tiền nhuận bút đó được chuyển sang chi trả nhuận bút của năm tiếp theo.

T.T