Xóa bỏ “văn hóa phong bì” tại bệnh viện

Chính trị - Ngày đăng : 10:48, 13/04/2012

Bộ Y tế lấy 5 đơn vị thí điểm trong ngành để nói không với "văn hóa phong bì" trước thời điểm triển khai Quy tắc ứng xử và nâng cao y đức trong bệnh viện do Công đoàn ngành y tế Việt Nam phát động. Đúng là một tin đáng mừng, nhưng liệu “căn bệnh nan y” này có trị được hay không?

Bác sĩ đang khám bệnh cho bệnh nhân.


Đồng tình làm “đột phá khẩu”


Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện K, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện E là những bệnh viện Trung ương đã được Bộ Y tế chọn thực hiện thí điểm nói không với "văn hóa phong bì". Đây là những đơn vị chuyên khoa đầu ngành, có uy tín, thu hút một số lượng lớn người bệnh từ khắp mọi miền đất nước đến khám chữa bệnh.


Tại cuộc hội thảo và ký cam kết giữa 5 bệnh viện trên, đại diện lãnh đạo các bệnh viện đều đồng tình với chủ trương của Bộ Y tế về Quy tắc nâng cao y đức trong bệnh viện, về tinh thần thái độ, ứng xử. Các đại biểu đều cho rằng tình trạng "văn hóa phong bì" đã và đang làm méo mó hình ảnh cán bộ y tế, gây phiền hà, tăng thêm gánh nặng kinh tế cho bệnh nhân và gia đình. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đại biểu đề cập để từng bước xóa bỏ "phong bì" trong bệnh viện cần phải có cơ chế đãi ngộ tương xứng cho cán bộ, nhân viên y tế vì công việc nhiều áp lực nhưng lương lại thấp.


Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Trọng Khoa, Chủ nhiệm Khoa Y học hạt nhân và điều trị u bướu, Chủ nhiệm Bộ môn Y học hạt nhân - Trường Đại học Y Hà Nội, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Lượng công việc nhiều, luôn trong tình trạng quá tải nên đã có trường hợp y tá, điều dưỡng ngất xỉu ngay trong ca trực. Vì vậy, cả bệnh nhân lẫn nhân viên y tế cần có sự chia sẻ, hợp tác tốt với nhau mới góp phần nâng cao y đức.


Còn theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Đảng và Nhà nước cần quan tâm hơn hơn nữa, có chế độ đãi ngộ phù hợp, giúp cán bộ y tế yên tâm làm tốt công việc của mình.


Bệnh nhân cũng phải biết nói “không”


Để tìm hiểu rõ hơn về "văn hóa phong bì", và cũng phần nào minh oan cho bác sỹ, rằng nhiều khi bác sỹ, nhân viên y tế… “hư” cũng bởi tại người nhà bệnh nhân, chúng tôi đã “mục kích sở thị” và lắng nghe ý kiến của nhiều người dân.


Tại các phòng chờ, trước cửa phòng khám Bệnh viện K đều dán các quy định về việc không nhận phong bì, bệnh nhân không đưa các khoản tiền ngoài khoản cần đóng theo quy định, bác sĩ nếu nhận phong bì sẽ bị xử lý theo quy định của bệnh viện. Tuy nhiên anh Nguyễn Hải (Hưng Hải - Thái Bình) đưa mẹ đi điều trị ung thư vú tâm sự: Hiện tượng nhận phong bì thì bệnh viện nào cũng có. Mẹ anh điều trị tại Bệnh viện K, tháng nào cũng phải “bồi dưỡng” cho bác sĩ từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Mỗi lần y tá thay bông hay tiêm đều phải “cho thêm” 20.000-50.000 đồng để "không bị đau". Còn bác Lâm (Nam Trực - Nam Định) cho biết: Tôi có nghe về quy định không nhận phong bì trong bệnh viện, nhưng đi bệnh viện mà không có phong bì thì chỉ có khổ người bệnh, nhân viên y tế cũng khổ theo.


Điều đó có nghĩa rằng nó đã… thành lệ, mà cái lệ này cũng chính do bệnh nhân và người nhà bệnh nhân “chiều” bác sỹ, đâm bác sỹ cũng thành quen!


Tương tự, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương sáng 12-10, ngay tại tiền sảnh chúng tôi đã thấy có hiện tượng bệnh nhân tìm cách nhét tiền vào túi bác sĩ. Bác Xuân 65 tuổi (Cổ Nhuế - Hà Nội), đưa con gái đi "vượt cạn" ở đây cho biết: Trước khi cháu mổ, gia đình đã tự ý lót tay cho bác sĩ “để họ làm cẩn thận”, sau đó lại sẽ có “lời cảm ơn” (tức bồi dưỡng tiền). “Việc cám ơn người đã giúp con mình vượt cạn an toàn cũng là lẽ thường tình…” - bác Xuân nói.


Còn tại Bệnh viện Việt Đức, bác Ngọc (Gia Lâm - Hà Nội) cho biết: “Nghe đâu theo yêu cầu của bác sĩ, muốn được mổ sớm thì phải nộp trước 2 triệu đồng. Tôi đã chuẩn bị sẵn phong bì tương ứng với những thủ tục phải làm trong bệnh viện…”.


Còn chị Hoa (Tp. Thái Nguyên) đưa chồng đi khám định kỳ tại Bệnh viện K sau khi kết thúc đợt điều trị tâm sự: Chồng chị điều trị có bảo hiểm chỉ mất 20% nhưng xong đợt điều trị cũng mất khá nhiều tiền, chủ yếu là chi phí ăn uống và nặng nhất là khoản chi bồi dưỡng bác sĩ. Mỗi lần xếp sổ vào khám hay đi điều trị phải cài vào sổ 20.000-50.000 đồng. Trong đợt điều trị, cứ mỗi tuần lại gặp cả bác sĩ điều trị xạ và bác sĩ điều trị hóa chất, bồi dưỡng 200.000 đồng.


Theo chị Hoa, trong Khoa điều trị hóa chất, cũng có người không nhận phong bì nhưng thấy khá khó khăn khi mình cần trao đổi với bác sĩ về bệnh tình. Kết thúc đợt điều trị lại "cảm ơn" mỗi bác sĩ điều trị 500.000 đồng. Chị Hoa cho rằng, việc cảm ơn sau điều trị là cần thiết vì họ đã điều trị cho chồng mình và khi quay lại khám định kỳ sẽ dễ dàng hơn.


Thay cho lời kết


Thế là đã rõ, việc đưa và nhận phong bì hiện đã trở thành chuyện… “không có mới là lạ” tại các cơ sở y tế, các bệnh viện trong cả nước. Nhưng nhìn thấu đáo, “căn bệnh” này đến từ hai phía. Tâm lý người bệnh khi đến bệnh viện nhất là khi phải phẫu thuật, sinh nở, xạ trị... luôn "thủ sẵn" và chủ động đưa phong bì (dù có gợi ý hay không gợi ý của nhân viên y tế) thường mới yên tâm, trong khi có nhiều bác sĩ, hộ lý, y tá ngày đêm chăm sóc và cứu chữa người bệnh mà không hề đòi hỏi gì.


Với tình trạng đó, việc kiên quyết xử lý các trường hợp cán bộ y tế đánh mất y đức, lương tâm, chú trọng việc nhận phong bì mà xem nhẹ tính mạng người bệnh, thì việc tuyên truyền cho người dân phải biết cùng ngành y tế “vào cuộc” để trị căn bệnh này là vô cùng cần thiết.


Cùng với chế độ đãi ngộ phù hợp, giảm áp lực công việc, cải thiện kỹ năng giao tiếp của cán bộ ngành y, hy vọng cuộc vận động triển khai thí điểm nâng cao y đức và quy tắc ứng xử do ngành y tế phát động sẽ sớm phát huy tác dụng để các y bác sĩ biết nói “không” với phong bì và thực sự là "lương y như từ mẫu".

Hương Thúy

congly.com.vn