TT-Huế huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời dân ở vùng trũng thấp
Đời sống - Ngày đăng : 19:38, 14/10/2022
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh TT-Huế, trưa nay (14/10), áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 5, có tên quốc tế là SONCA. Hồi 13 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 111,2 độ Kinh Đông cách Đà Nẵng-Quảng Nam khoảng 250km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15km/h.
Tin từ Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh TT-Huế cho biết, từ ngày 14/10 đến ngày 16/10 trên đất liền tỉnh TT-Huế sẽ có mưa to đến rất to và dông, trong cơn dông cần đề phòng lốc xoáy và gió giật mạnh, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Tổng lượng mưa 500-700mm, có nơi trên 800mm. Cấp đội rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trên địa bàn toàn tỉnh TT-Huế có tổng cộng 11.708 hộ với 37.085 khẩu cần phải di dời ra khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn. Trước tình hình đó, UBND tỉnh TT-Huế đang huy động các đơn vị bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm; đồng thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu của địa phương. Ưu tiên sơ tán các đối tượng dễ bị tổn thương trước: Phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo, trẻ em, người cao tuổi đến nơi an toàn.
Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Nguyễn Văn Phương yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo có thông báo cho học sinh ở vùng thấp trũng nghỉ học từ chiều 14/10; ngày 15/10, học sinh toàn tỉnh nghỉ học để đảm bảo an toàn trước diễn biến phức tạp của mưa, lũ.
Ông Nguyễn Văn Phương đề nghị các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ, nắm chắc thông tin về diễn biến áp thấp nhiệt đới/bão và mưa lũ; chủ động triển khai công tác bảo đảm an toàn cho tàu thuyền còn hoạt động trên biển.
Có kế hoạch, kịch bản cụ thể để hỗ trợ nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở, sẵn sàng cứu trợ cho các hộ dân có nguy cơ bị thiếu đói; xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển, cắm biển báo cảnh báo sạt lở, ngập sâu.
“Tập trung ứng phó nguy cơ mưa lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, trong đó: tổ chức rà soát, kiểm tra ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu dân cư, trường học, trụ sở để chủ động sơ tán người khỏi khu vực nguy hiểm; bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ, hỗ trợ, hướng dẫn giao thông qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết để bảo đảm an toàn; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt.
Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, bảo đảm nguồn cung cầu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở; bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm để kịp thời tổ chức hỗ trợ người dân sơ tán, cứu trợ, cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu” – ông Phương nhấn mạnh.