Trở thành sát nhân vì mất phương hướng sống
An ninh trật tự - Ngày đăng : 14:08, 01/11/2013
Bỗng dưng mồ côi
Trò chuyện với chúng tôi, Đặng Văn Bình, SN 1996, quê ở Vũ Thư (Thái Bình) giữ nét mặt thản nhiên khi kể về gia cảnh của mình, không một chút biểu lộ sự đau khổ, day dứt kể cả khi nhắc đến người đàn ông suýt nữa bị cậu ta cướp đi mạng sống. Nét mặt ấy, thái độ ấy và cả cái kết cục của ngày hôm nay Bình phải sống trong trại giam với bản án giết người… đều bắt nguồn từ sự thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ.
Bình là con út, trên là người anh trai nên dù mọi người có khéo đến đâu nhưng trong nhà không có mái tóc dài thì cách nói năng cũng thiếu sự mềm mại. Đã thế, bố mẹ Bình lại làm ruộng, trình độ và nhận thức có hạn nên những ứng xử hàng ngày càng “thiếu muối”. Chẳng biết có phải vì thế hay vì những điều thầm kín khác mà mẹ Bình, không đợi đến ngày đoạn tang chồng, bỏ nhà ra đi. Không ai biết bà đi đâu, chỉ có anh em Bình là hẫng hụt. Sau một đêm ngủ dậy chỉ còn trơ khấc hai anh em Bình trong mái nhà cấp bốn. Mẹ bỏ đi, bố mới mất, xung quanh họ hàng đều nghèo trong khi anh em Bình đều đang tuổi mới lớn khiến cho cả hai cùng chới với.
Phạm nhân Đặng Văn Bình
“Cháu không nhớ mẹ bỏ đi năm nào, chỉ biết khi đó đang học lớp 7”, Bình kể. Tuổi mới lớn nhiều cảm xúc và bồng bột, khó kìm nén, Bình như mất phương hướng sống, chẳng còn thiết tha gì tới nhà cửa, học hành nữa. Lang thang suốt ngày, chẳng biết đâu là nhà mình, nhà bạn, hễ thấy vui là sà vào, Bình cứ thế buông thả. Lớn hơn em mấy tuổi nên anh trai Bình tỏ ra có bản lĩnh hơn, biết lo cho tương lai. Song buồn thay, việc anh trai tìm cách ổn định cuộc sống bằng cách lấy vợ lại vô hình đẩy em mình ngày càng rời xa ngôi nhà. Bình bảo không ghét anh, cũng chẳng ghét chị dâu nhưng việc xuất hiện của chị dâu trong nhà với những lời hỏi han, nhắc nhở càng khiến Bình nhớ bóng dáng mẹ. Càng bỏ nhà lang thang thì càng phải có tiền mà kẻ như Bình thì lấy đâu ra, thế là có chuyện.
Ngày 12/2/2012, Bình đến nhà anh Trịnh Văn Huấn, cách nhà Bình 100m để cướp tài sản. Vì nhà ở sát mặt đường nên người đàn ông này đã dành một gian nhà ngoài để mở quán bán hàng, mọi sinh hoạt của gia đình đều ở phía sau, trong một khuôn viên rộng. Vài lần cùng đám bạn đến đây uống nước, Bình phát hiện trong nhà anh Huấn có dựng một chiếc xe máy mới cóng nhưng trông coi cửa hàng chỉ có người đàn ông này. Nảy sinh ý định trộm xe máy nên đêm ấy, Bình trèo tường vào trong nhà anh Huấn, định dắt trộm xe máy. Tuy nhiên, do không nắm được cách sắp xếp đồ đạc trong nhà gia chủ nên khi dò dẫm lần mò trong đêm tối, Bình đã gây nên tiếng động. Anh Huấn tỉnh giấc, liền cầm đèn ắc quy đi ra ngoài quán kiểm tra. Ánh đèn pin đã cho Bình tìm được chỗ nấp và khi anh Huấn còn đang ngái ngủ, soi không thấy gì liền quay vào nhà thì Bình đã nhìn thấy chùm chìa khóa. Khi đã đoán chắc anh Huấn lên giường ngủ lại, Bình cầm chùm chìa khóa ra mở cửa sắt, định bụng dắt xe máy ra ngoài nhưng dù có khẽ đến đâu thì lại một lần nữa Bình gây ra tiếng động. Lần này thì anh Huấn tỉnh ngủ hẳn và Bình bị gia chủ bắt quả tang. Trong lúc hốt hoảng, Bình rút dao giấu trong người chém anh Huấn làm người đàn ông này bị thương nhiều nhát vào đầu, cổ, mặt và tay. Mặc dù bị đánh bất ngờ song anh Huấn vẫn cố giằng co với tên trộm, vừa giữ tay đối tượng vừa cố gắng kêu cứu. Tiếng hô hoán của anh giữa đêm đông đã đánh thức những người dân xung quanh và khiến tên trộm sợ hãi bỏ chạy ra ngoài. Anh Huấn được người dân nhanh chóng đưa vào bệnh viện, cứu chữa kịp thời nên thoát chết, song cũng tổn hại 22% sức khỏe.
Về phía Bình, sau khi bỏ chạy, cậu ta đến nhà bà ngoại ở cùng xã, thay bộ quần áo đã chuẩn bị trước đó rồi đón xe đến nhà bác họ ở huyện Ninh Giang (Hải Dương). Con mắt trải đời của người đàn ông này đã nhận ra ngay những biến đổi trên gương mặt chàng thanh niên mới lớn. Vừa động viên, thuyết phục vừa giảng giải lý lẽ, pháp luật, người bác này đã khiến Bình bộc bạch tất cả. Ngày hôm sau, Bình đã đồng ý để bác gọi điện cho anh trai sang đón về đầu thú. Mấy tháng sau, vụ án đầu trộm đuôi cướp do Bình là thủ phạm được đưa ra xét xử. Tuy bị kết tội giết người song thời điểm gây án, Bình chưa tròn 16 tuổi nên mức án dành cho cậu ta là 7 năm 6 tháng tù.
Chỉ mong tin mẹ
Mang tiếng là đi cải tạo song từ ngày về trại giam Ninh Khánh, công việc chính của Bình là nhặt rác và nhổ cỏ. Thi thoảng Bình được quản giáo cho phép sang đội trồng cây để học cách cắt tỉa cây cảnh. Ăn nghỉ có giờ giấc giúp Bình lấy lại vóc dáng ban đầu, béo trắng ra. Bình bảo, từ ngày vào trại giam cao lên được 5cm và béo hơn cả ở nhà. Hỏi Bình có hay nhận được quà của gia đình không, cậu ta cười: “Anh trai cháu vừa mới vào thăm. Năm ngoái thì tháng nào cũng lên nhưng năm nay thì ít rồi vì chị dâu mới sinh cháu”. Dường như cái tin anh trai có con khiến Bình chững chạc hơn. Cậu ta bảo mình bây giờ đã là chú rồi, làm gì cũng phải đàng hoàng để cháu mình nó không cười chê. “Tháng trước anh trai cháu vào thăm, bảo là biết nơi mẹ ở rồi nhưng bận việc nhà chưa đi tìm được”, Bình kể, vẻ mặt vẫn thản nhiên chẳng ra vui hay buồn. Cậu ta bảo từ lúc nghe anh cho biết thông tin về mẹ, lúc nào Bình cũng chỉ ao ước được gặp mẹ, mong một lần mẹ tới thăm mình. Hỏi Bình mong mẹ mua quà gì, cậu ta lắc đầu đáp: “Cháu chỉ muốn hỏi mẹ tại sao lại bỏ nhà đi?”. Thì ra không phải Bình mong mẹ vì nhớ, vì thương mà chỉ muốn được giận hờn, trách cứ.
Bàn về nguyên nhân dẫn đến việc ngày càng có nhiều trẻ vị thành niên phạm tội, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, có hai vấn đề cần làm rõ để giảm bớt bạo lực trong thanh niên. Thứ nhất, cần phải làm cho thanh niên biết chịu trách nhiệm về hành vi của mình bằng cách xử lý nghiêm với những hình phạt nặng đủ sức răn đe, giáo dục và thứ hai là phải dạy cho học sinh hiểu về kỹ năng sống và giá trị sống. Theo ông Lâm thì những biến động trong gia đình và xã hội hiện nay đang làm ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý trẻ em.
Lam Trinh