Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ-Việt Nam

Chính trị - Ngày đăng : 08:34, 22/03/2015

Trong lịch trình chuyến thăm và làm việc tại Ấn Độ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ -Việt Nam.

Đoàn đại biểu doanh nghiệp Việt Nam, do ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch thường trực VCCI dẫn đầu, đã cùng đại diện hàng chục công ty Ấn Độ trao đổi tiềm năng và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm.

Phát biểu tại Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao nỗ lực của VCCI phối hợp với CII để tổ chức sự kiện này, với những nội dung thiết thực, khẳng định tính năng động, sáng tạo cũng như vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ trong việc tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế song phương.

Sau khi điểm lại tiến trình khôi phục, đổi mới và phát triển đất nước sau hơn 30 năm chiến tranh tàn phá nặng nề, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết Việt Nam đã chuyển đổi thành công từ mô hình kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Trong suốt 28 năm, kể từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới năm 1986 đến nay, kinh tế Việt Nam tăng trưởng bình quân 6,7%/năm, cao gấp 1,36 lần tốc độ tăng trưởng bình quân của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển khác (4,9%) và gấp 2,8 lần tốc độ tăng trưởng bình quân của các nền kinh tế phát triển (2,4%). 

Nhờ đó, đến năm 2014, khoảng cách thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã thu hẹp đáng kể so với các nước trong khu vực. Từ chỗ thiếu lương thực, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, với bảy mặt hàng chủ lực như xuất khẩu hạt tiêu đứng đầu thế giới, cà phê và hạt điều đứng thứ hai, gạo, cao su và thủy sản đứng thứ ba và chè đứng thứ năm…Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu Thiên niên kỷ (MGG) của Liên hợp quốc; kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiềm chế, xuất khẩu tăng bình quân 20,4% trong 3 năm qua và đạt 150,2 tỷ USD trong năm 2014.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, những yếu tố chính giúp Việt Nam đạt được những thành công trên là sự ổn định chính trị-xã hội; nguồn lạo động trẻ, dồi dào và có trình độ văn hóa cao; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế; ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); chủ động thúc đẩy nhanh và hiệu quả tiến trình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Việt Nam đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN trong năm nay…Ấn Độ đã trở thành một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong giai đoan 10 năm, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ấn Độ tăng 77 lần, từ 72,1 triệu USD năm 1995 lên 5,6 tỷ USD năm 2014. Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, kim ngạch thương mại Ấn Độ-Việt Nam vẫn còn rất nhỏ so với tiềm năng của hai nước. Các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp hai nước cần tìm ra nguyên nhân và nắm bắt cơ hội để thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại song phương phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Vụ trưởng vụ Phương Nam - Bộ ngoại giao Ấn Độ, Sanjay Bhattacharyya và Giám đốc điều hành CII, Sudhr Kapur cũng cho rằng Việt Nam là một đối tác kinh tế quan trọng của Ấn Độ và hy vọng sẽ có rất nhiều cơ hội mở ra sau khi Ấn Độ và ASEAN triển khai thực hiện Hiệp định thương mại tự do về dịch vụ và đầu tư; Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư Ấn Độ, tính đến năm 2013, Ấn Độ đã có 77 dự án đầu tư vào Việt Nam trị giá 254 triệu USD, trong khi đầu tư của Việt Nam sang Ấn Độ cũng tăng dần, đạt 24 triệu USD trong cùng năm.

Ông Bhattacharyya vui mừng về chuyến thăm của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân diễn ra tại thời điểm quan hệ hai nước đang phát triển mạnh mẽ về chiều rộng lẫn chiều rộng. Theo ông, có ba yếu tố thúc đẩy quan hệ Việt Nam Ấn Độ: Việt Nam và Ấn Độ là những nước có tốc độ tăng trưởng cao, với GDP năm 2014 của Việt Nam đạt 6%, Ấn Độ là 7%; Việt Nam đang cùng các thành viên ASEAN hướng tới thành lập Cộng đồng kinh tế chung vào cuối năm nay, là cầu nối giữa Ấn Độ với ASEAN; Việt Nam là nền kinh tế năng động, do đó sẽ là cửa ngõ để Ấn Độ làm ăn với các công ty trên thế giới.

Sau khi ASEAN-Ấn Độ ký FTA trong lĩnh vực hàng hóa, kim ngạch thương mại Ấn Độ-Việt Nam đã tăng gấp 4 lần và riêng năm ngoái tăng 27%. Hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 20 tỷ USD vào năm 2020 là một kỳ vọng lớn song vẫn thấp hơn tiềm năng. Tiểu ban hỗn hợp về thương mại cấp thứ trưởng đã họp trong tháng 1 vừa qua và xác định bảy lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác thương mại, trong đó có dệt may, da dày, dược phẩm, nông nghiệp, kỹ thuật và nông nghiệp, du lịch. Ấn Độ mong muốn tham gia phát triển lĩnh vực cơ sở hạ tầng, lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam, trong khi tài chính-ngân hàng cũng là lĩnh vực có tiềm năng trong hợp tác hai bên.

Ông Kapur cũng nhấn mạnh, sau khi thành lập Hành lang kinh tế giữa tiểu vùng sông Mê Công và Ấn Độ, nối các vùng Đông Bắc Ấn Độ với Việt Nam, quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Hai bên cần hợp tác phát triển nguồn nhân lực, tăng cường trao đổi kinh nghiệm phát triển trong nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp; cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực sản xuất, thậm chí xuất khẩu sang nước thứ ba.

PV