Cả nước ghi nhận 100 ca tử vong do sốt xuất huyết

Sức khỏe - Ngày đăng : 17:28, 13/10/2022

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, hiện cả nước đã ghi nhận hơn 247.202 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), 100 ca tử vong.

Ngày 13/10, Bộ Y tế cho biết, tích lũy từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận gần 250.000 người mắc SXH với 100 ca tử vong.

So với cùng kỳ năm 2021 số mắc tăng 4,7 lần, tử vong tăng 80 trường hợp. Con số này tăng hơn 10.000 ca mắc mới và 2 trường hợp tử vong so với tuần đầu tháng 10/2022.

thanh-nhan.jpeg
Bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội)

Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH, các địa phương cũng đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để giám sát ổ dịch, ngăn chặn sự lây lan của dịch, nâng cao năng lực đáp ứng với dịch bệnh.

Tại Hà Nội, cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến cuối tháng 9/2022, Hà Nội đã ghi nhận trên 4.700 ca mắc SXH (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), đã có 5 ca tử vong. Tuýp virus Dengue lưu hành trên địa bàn TP được xác định là tuýp D1; D2 và D4.

Tại TP.HCM, theo thống kê, hiện nay có khoảng 75% số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết là người lớn. Có những trường hợp đến bệnh viện muộn khiến gia tăng nguy cơ tử vong do không được can thiệp điều trị kịp thời.

Để hạn chế số ca tử vong do SXH xuống mức thấp nhất trong thời gian tới, Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu các cở sở y tế trên địa bàn về việc áp dụng mô hình tháp 3 tầng để điều trị các bệnh nhân SXH, đồng thời, tăng cường nguồn lực, phối hợp triển khai các giải pháp để hạn chế thấp nhất số trường hợp tử vong do SXH.

Theo các chuyên gia dịch tễ, bệnh SXH có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn, với biểu hiện là: sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Do hiện nay SXH chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên Bộ Y tế khuyến cáo biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy, lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng; thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh. Khi có dấu hiệu bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Chí Tâm