Cơ hội của Việt Nam khi thị trường nghệ thuật châu Á bùng nổ
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 11:14, 09/10/2022
Thị trường nghệ thuật thế giới luôn luôn tồn tại, phát triển và trải qua nhiều thăng trầm cùng đời sống của con người trên toàn thế giới.
Với các sự kiện của năm 2020, từ sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 tới các phong trào toàn cầu phản đối nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống,… đã tạo thêm tính cấp thiết cho những thay đổi trên thị trường nghệ thuật thế giới nói chung.
Khi cả thế giới có nhiều thay đổi, thị trường nghệ thuật cũng vậy, từ việc các nhà đấu giá, hội chợ và triển lãm tăng cường các dịch vụ, giao dịch trực tuyến; đến các nhà sưu tập hình thành thói quen và cảm thấy thoải mái hơn khi mua bán trực tuyến,…
Có thể một số thay đổi trên chỉ là tạm thời, nhưng theo các chuyên gia nghệ thuật thế giới sẽ có những thay đổi mang tính vĩnh viễn.
Đặc biệt, ở giai đoạn thế giới đang chịu quá nhiều sự tác động từ chiến tranh, khủng hoảng tài chính toàn cầu thì giá trị của nghệ thuật lại càng được đưa lên một vị thế khác.
Khi dòng tiền đổ vào chứng khoán, trái phiếu, nhà đất đang chững lại như hiện nay, nghệ thuật được xem như kênh phòng thủ tốt. Trải qua dịch Covid-19, doanh số tác phẩm nghệ thuật ở châu Á vẫn bùng nổ dữ dội.
London vẫn thống trị mảng đấu giá nghệ thuật. Những tác phẩm có giá trị vô cùng lớn cũng đã được đấu giá thành công tại đây, trên thế giới có lẽ chưa đâu có thể soán ngôi. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại mọi thứ đã khác.
Hong Kong chỉ nó là một mảnh đất nhỏ bé, nhưng đã và đang dần đuổi kịp London về doanh thu ở mảng nghệ thuật. Chỉ còn chênh nhau một con số ít ỏi (chừng 200 triệu USD) và Hong Kong có khả năng sẽ sớm vượt qua trong thời gian ngắn, soán vị London.
Bên cạnh Hong Kong hay Nhật Bản đã từ lâu khẳng định vị thế của mình, Hàn Quốc là một cường quốc mới nổi trên thị trường nghệ thuật. Thậm chí trong năm 2021, Hàn Quốc đã lọt vào top 10 thị trường toàn cầu và xếp trên cả Nhật Bản.
Ở Đông Nam Á, Singapore được biết đến như một giềng mối kết nối nghệ thuật khu vực. Các hội chợ trưng bày hằng năm ở Singapore quy tụ nhiều tác giả đến từ Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia...
Phát triển thị trường văn hóa, nghệ thuật Việt Nam là một trong những nội dung được nhắc tới như là giải pháp để phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới- theo tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết của Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng.
Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng phân tích, sau khi đất nước xóa bỏ bao cấp, một số ngành nghệ thuật sống được, sống khỏe như nhạc trẻ, hội họa nhưng phần lớn các ngành khác như nghệ thuật truyền thống, nhạc cổ điển, phê bình nghiên cứu lâm cảnh khó khăn.
Không thể quay lại thời kỳ bao cấp, Nhà nước đặt hàng “chi tiền, lo xuất bản, lo thị trường như xưa” mà cần làm thế nào để đưa hoạt động văn hóa, nghệ thuật vào thị trường. Đây chính là đi theo con đường của thế giới, bởi văn hóa nghệ thuật cũng có thị trường.
Hoạt động văn hóa nghệ thuật trong nền kinh tế thị trường có những lĩnh vực không thể và không nên thị trường hóa (chẳng hạn bảo tồn di sản) nhưng có những lĩnh vực cần thúc đẩy nhanh để gia nhập thị trường, như là những ngành nghề chuyên nghiệp, có đóng thuế.
Những ngành này chính là nền công nghiệp sạch, đem lại lợi ích kinh tế, niềm vui và nhận thức xã hội mà không phá hủy môi trường sinh thái.
Cùng với thời kỳ bùng nổ nghệ thuật của châu Á thì Việt Nam cũng đang có những vị thế riêng của mình trên lĩnh vực này. Thực tế trong bảng xếp hạng 30 nghệ sĩ có doanh số cao nhất tại Hong Kong trong năm 2021 do Artprice công bố, Việt Nam có hai đại diện. Mai Trung Thứ xếp thứ 20, đem về 14,2 triệu USD (34 tranh đã bán) và Lê Phổ xếp thứ 25 với 11,8 triệu USD (54 tranh).
Ông Tom Tandio - đại diện hội chợ nghệ thuật Art Jakarta - nêu ra một thực tế: Cơ sở hạ tầng nghệ thuật nhỏ bé ở Việt Nam không phản ánh nhu cầu quốc tế đang nở rộ đối với hội họa của các bậc thầy hiện đại. "Chúng tôi hy vọng mối quan tâm đến nghệ thuật hiện đại Việt Nam sẽ làm gia tăng sự chú ý đến các nghệ sĩ Đông Nam Á khác" - ông nói.