Phạm nhân và ước mơ hiến xác để trả nghĩa cuộc đời
An ninh trật tự - Ngày đăng : 12:10, 02/09/2012
Giờ đây, khi đã có hơn 10 năm sám hối sau song sắt, Chương chỉ ước được hiến xác cho khoa học, được hiến một phần cơ thể mình cho bệnh nhân nghèo…
Cậu học trò nghèo vượt vũ môn
Chiều Tân Kỳ nắng như đổ lửa, ngồi trong khuôn viên Trại giam số 3, Trần Hồng Chương (SN 1972) nói mãi về sự ân hận, day dứt về những tội lỗi mà mình đã gây ra. Suốt hơn 10 năm kể từ khi được đưa về đây cải tạo, nỗi ân hận, day dứt đó cứ hắt mãi vào Chương như sóng biển…
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất nghèo Can Lộc (Hà Tĩnh), tuổi thơ khốn khó của Chương trôi qua nặng nề như đám mây sũng nước. Ngày ngày phải chứng kiến bố mẹ trần mình với gió cát nuôi mấy anh em khôn lớn, Chương thề sẽ quyết học thành tài.
Năm 1989, Chương “lều chõng” đất thủ đô và đậu liền 3 trường đại học. Bỏ qua ĐH Bách Khoa và ĐH GTVT, Chương theo học khoa Kinh tế, trường ĐH Tổng hợp với ước mơ cháy bỏng là sau khi ra trường sẽ trở về công tác, “phụng sự” quê hương. Trong suốt những ngày tháng sinh viên, Chương làm đủ mọi nghề từ bơm xe, cắt tóc để có tiền ăn học.
Phạm nhân Trần Hồng Chương (áo sọc, ngoài cùng bên trái), trò chuyện cùng phóng viên Công lý & Xã hội.
Với tố chất thông minh và sự cần cù, sáng tạo, sau khi ra trường Chương được nhận vào làm việc tại Trung tâm Thông tin của một Bộ lớn ở Hà Nội. Con đường danh vọng thênh thang, Chương như bị chìm lút trong lời tán dương của bạn bè cùng trang lứa cho những thành công ban sớm.
Sau khi xây dựng và đưa vào sử dụng thành công vài dự án mang tên “Văn phòng điện tử” cho mấy tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, số tiền Chương kiếm được lên đến hàng trăm triệu. Nhớ lại “lời thề” với quê hương Hà Tĩnh khi xưa, Chương quyết định quay trở về và lập công ty riêng để tiện bề phát triển cái dự án điện tử “Tiềm năng và cơ hội đầu tư khu vực miền Trung”.
Chỉ trong vòng hai tháng làm việc cật lực, Chương đã thu thập được một ngân hàng dữ liệu tương đối đầy đủ về cảng Vũng Áng, mỏ sắt Thạch Khê, bãi biển Thiên Cầm, cửa khẩu Cầu Treo. Đồng thời, Chương cũng cho giới thiệu, chào hàng các sản phẩm như cam bầu Hương Sơn, bưởi Phúc Trạch…, lên trang tin điện tử của mình. Các nhà đầu tư, khách hàng ngày một tăng lên, Chương thành công ngoài mong đợi.
Nhằm mở rộng phạm vi hoạt động của công ty, Chương chạy đôn chạy đáo xoay sở tiền vốn để đầu tư trang thiết bị. Cộng với khát vọng, mong muốn thành đạt, giàu có một cách nhanh tróng, Chương tham gia vào đường dây đưa người lao động ra nước ngoài trái phép. Và, cũng chính từ thời điểm này, cuộc đời Chương rẽ sang một ngả khác.
Vết trượt dài của một cử nhân kinh tế
Kể từ khi quyết định trực tiếp tham gia vào đường dây tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài bất hợp pháp, Chương cho nhân viên công ty tỏa đi khắp các tỉnh thành thiết lập “chân rết”. Từ Hà Tây, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…, đâu đâu Chương cũng cắm “cò” xuất khẩu lao động.
Ban đầu, số người được công ty của Chương đưa ra nước ngoài theo diện thăm thân, du lịch chỉ vài chục. Mỗi người, khi sang đến nước bạn thì họ sẽ phải nộp phí môi giới cho Chương từ vài trăm đến vài ngàn đô la. Chỉ trong vòng một thời gian rất ngắn, số tiền lợi nhuận Chương thu được từ việc làm bất hợp pháp đó lên tới hàng trăm ngàn USD. Khi đã thực hiện trót lọt vài vụ như thế, uy tín của Chương ngày một lên cao, phí “môi giới” cũng không còn thấp. Có những gia đình sẵn sàng bán nhà, bán cửa dúi vào tay Chương cả nắm tiền để những mong con họ được “ngao du” xứ người, được đổi đời.
Trần Hồng Chương: “Tôi muốn hiến một phần cơ thể mình cho người nghèo và hiến xác cho khoa học để trả nghĩa cuộc đời…”.
Để tiện bề hoạt động, Chương cho xây dựng, thiết lập một hệ thống nhà ở phục vụ cho việc đưa đón khách nghỉ ngơi giống như các trạm trung chuyển, vừa thuận lợi an toàn, vừa tiết kiệm chi phí. Sau khi đã hoàn chỉnh các giấy tờ giả, từ hộ chiếu công vụ đến công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Chương đưa người sang Campuchia hoặc Thái Lan. Ở đó, sẽ có một bộ phận khác của đường dây phụ trách sẽ đưa tiếp người lao động đến Đông Âu, Nga, Úc, Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc…
Theo thỏa thuận, tỷ lệ ăn chia lợi nhuận giữa Chương và đầu mối bên Campuchia, Thái Lan là 50/50. Có chuyến, Chương đưa liền lúc gần 200 trăm người sang đất nước Chùa Tháp và đút túi mang về xấp xỉ nửa triệu đô la.
Có tiền, Chương bắt đầu học thói quen hưởng thụ. Tiệc tùng, nhậu nhẹt thâu đêm tại các nhà hàng, vũ trường cùng những em “váy ngắn, chân dài”, hầu như không có tụ điểm ăn chơi nào khắp dải miền Trung mà Chương không biết. Càng dấn sâu vào con đường tội lỗi, Chương càng bị đồng tiền, cuộc sống xa hoa làm cho mê mụ.
Lưới trời lồng lộng, đường dây tội phạm của Chương và đồng bọn cũng có ngày phát lộ. Cuối tháng 12/2000, từ đơn tố cáo của 5 lao động người Việt trốn về nước thành công, Chương bị bắt. Với 2 tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Tổ chức cưỡng ép người khác đi nước ngoài trái phép”, Trần Hồng Chương lĩnh án 24 năm tù và buộc phải bồi thường số tiền 1 tỷ 127 triệu đồng…
Hơn 10 năm cải tạo tại Trại giam số 3 này, Chương đã xem nơi đây như là quê hương thứ hai của mình. Những người quản giáo không ngại hy sinh, vất vả đã thầm lặng gạn đục khơi trong, giáo dục, động viên Chương thắp sáng lên niềm tin hướng thiện. Trong suốt những tháng ngày sám hối, Chương luôn ao ước được thực hiện hai tâm nguyện của mình. Đó là hiến một phần cơ thể cho những bệnh nhân nghèo, và sau khi chết, Chương muốn hiến xác mình cho khoa học.
Một buổi tập văn nghệ của cán bộ, chiến sỹ Trại giam số 3, Bộ Công an.
Hiến thận, hiến xác để trả nghĩa cuộc đời
- Chương có tâm nguyện hiến xác từ khi nào?
- Từ khi tôi còn là sinh viên. Trong một lần đi tham quan trường Đại học Y, thăm phòng giải phẫu, tôi đã ấn tượng rất sâu sắc với những người tình nguyện hiến xác cho y học. Sau này khi tìm hiểu thêm thông tin qua sách báo, tôi càng hiểu rõ về nghĩa cử cao đẹp này hơn…
- Còn mong muốn “tặng” một phần cơ thể cho người nghèo?
- Ý định đó thì tôi chỉ mới hình thành kể từ khi vào trại giam này thôi. Bởi ngày trước, tôi đã làm nhiều gia đình tán gia bại sản, mà phần lớn họ đều nghèo. Có những người ở Hà Tĩnh, Nghệ An phải bán nhà cửa, ruộng vườn để nộp tiền cho tôi. Đến giờ, có khi ốm đau nằm đấy chả có lấy một đồng mua thuốc. Tôi có tội với họ. Nghĩ vậy nên tôi mới ước mơ được hiến một phần cơ thể mình như gan, thận… cho một bệnh nhân nghèo nào đó, như một hành động trả nghĩa cuộc đời.
- Lâu rồi gia đình có ai vào thăm Chương không?
- Nhà xa, lại nghèo nên cũng ít. Cách đây vài năm, vợ tôi có vào thăm và đưa đơn ly hôn. Giờ cô ấy cũng đã có chồng, còn con lớn của tôi cũng vừa mới lập gia đình. Ngày cưới con, tôi nằm trong trại khóc…
- Hàng ngày ở trại, Chương làm gì?
- Tôi phụ trách đội văn nghệ, xây dựng các kế hoạch thi đua cho phạm nhân toàn phân trại như “Hội thi tìm hiểu Việt Nam đất nước, con người”, “Học tập tìm hiểu tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Hội thi Tiếng hát tình đời lần thứ II”, hay các hội thi tìm hiểu, phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội. Kể từ khi vào đây, tôi cũng được giảm án 3 lần, tổng cộng là 34 tháng…
- Thế còn những lúc rảnh rỗi?
- Tôi hay đọc và viết sách. Hiện nay, tôi đang định một cuốn lý luận về tội phạm học, cũng được gần 200 trang rồi.
- Sau này mãn hạn, Chương có dự định gì chưa?
- Tôi sẽ theo đuổi công việc ở ngành truyền thông. Tôi tin rằng, bằng sự phấn đấu, nỗ lực của mình, cộng với sự yêu thương giúp đỡ của cộng đồng, tôi sẽ hoàn lương thực sự.