Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 17:57, 07/10/2022

Chùa Keo (Thái Bình) là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như nguyên vẹn. Với quy mô rộng lớn gồm nhiều công trình bề thế, chùa Keo được đánh giá là một kiệt tác nghệ thuật bằng gỗ, minh chứng cho sự tài hoa của những nghệ nhân thời nhà Lê.

Tương truyền, dưới thời vua Lý Thánh Tông, chùa Keo được xây dựng bởi Thiền sư Dương Không Lộ ở ven sông Hồng từ năm 1061 tại hương (làng) Giao Thủy, phủ Hà Thanh (nay là các xã thuộc ven sông Hồng huyện Nam Trực và Trực Ninh, tỉnh Nam Định, một số tài liệu nhầm lẫn huyện Giao Thủy thành lập muộn sau này). Tuy nhiên, theo "Thánh tổ thực lục diễn ca" lưu giữ ở chùa thì ban đầu chùa Keo có tên gọi là Nghiêm Quang Tự, sư tổ của chùa chính là Lý Triều Quốc Sư: Thiền sư Nguyễn Minh Không (pháp hiệu là Không Lộ). Đến năm 1167 mới đổi thành Thần Quang Tự. Vì làng Giao Thủy có tên Nôm là Keo, nên ngôi chùa này cũng được gọi là chùa Keo.

keo1.jpg

Chùa thờ Phật như bao ngôi chùa khác ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, nhưng do lịch sử hình thành và phát triển làng xã cũng như việc xây dựng có những đặc điểm riêng, nên Chùa Keo Thái Bình ngoài thờ Phật còn có thờ Thánh, và phối thờ một số người có công trong việc xây dựng chùa.

Chùa Keo Thái Bình xây dựng thời nào ? Theo các nghiên cứu từ Ban Quản lý di tích tỉnh Thái Bình, Chùa Keo có nguồn gốc xa xưa là từ ngôi chùa tên Nghiêm Quang tự, được xây dựng trên đất làng Keo vào năm Tân Sửu, niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh thứ 3 (1061) đời Lý Thánh Tông. Tháng 3 năm Đinh Hợi niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ 5 (1167) đời Lý Anh Tông, chùa Nghiêm Quang được đổi là chùa Thần Quang.

keo2.jpg

Đến năm Tân Hợi (1611), gặp nạn nước sông dân cao gây lũ lụt, ngôi chùa và làng mạc xung quanh bị cuốn trôi. Từ đấy dân làng Keo cũ phải dời đi 2 nơi, một số chuyển về Đông Nam hữu ngạn sông Hồng (thôn Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định ngày nay); số còn lại chuyển sang tả ngạn sông Hồng về phía Đông Bắc (được gọi là Dũng Nhuệ sau đổi là Dũng Mỹ, Hùng Mỹ, Dũng Nghĩa - bây giờ thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình).

keo3.jpg

Làng Keo về sau được chia làm hai làng, và cả hai đều xây dựng lại chùa và gọi theo tên Nôm là “Chùa Keo” - một là Chùa Keo Nam Định, một là Chùa Keo Thái Bình. Ngoài tên gọi theo địa danh, dân gian còn gọi Chùa Keo Thái Bình là Keo trên, Chùa Keo Nam Định là Keo dưới, cách gọi này là do gọi theo dòng chảy thượng - hạ của sông Hồng.

Căn cứ vào văn bia ở Chùa Keo Thái Bình thì chùa do một vị quan lớn thời Lê - Trịnh đứng ra khởi lập, đó là quận công Hoàng Nhân Dũng ở làng Tứ Quán, phủ Hải Thanh. Vì lúc bấy giờ đang có cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn nên chúa Trịnh chỉ cấp cho nhà chùa 100 cây gỗ lim, còn tất cả vật liệu khác đều do nhân dân tự đóng góp. Chính vì vậy, Hoàng Nhân Dũng đã phải mất 19 năm ròng đi vận động quyên góp (1611-1630), đến tháng 7-1630 ông đã mời được 42 hiệp thợ và khởi công xây dựng. Sau 28 tháng thì hoàn thành, Chùa Keo Thái Bình khánh thành vào cuối năm 1632, và được bảo tồn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Năm 1962, Chùa Keo Thái Bình được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia. Đến năm 2012, Chùa Keo tiếp tục được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.

Chùa Keo Thái Bình là một công trình kiến trúc nghệ thuật thời Lê, đến nay vẫn giữ được dáng dấp kiến trúc cổ ban đầu. Ngoài quy mô rộng lớn bậc nhất trong các chùa cổ ở Việt Nam, chùa Keo cũng có nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, riêng có.

Chùa Keo Thái Bình quay mặt hướng chính nam, các công trình được xây dựng cân đối theo lối kiến trúc đặc trưng “nội nhị công, ngoại nhất quốc”. Nếu tính Tam quan ngoại là kiến trúc điểm đầu và Gác chuông phía sau chùa là điểm cuối, thì hai điểm này nằm trên một đường thẳng theo hướng Bắc - Nam, gọi là đường thần đạo.

keo4.jpg

Được đánh giá là một kiệt tác nghệ thuật bằng gỗ lim, Chùa Keo Thái Bình còn được xem là công trình nghệ thuật đồ sộ với nguyên vẹn 12 tòa, và 102 gian kiến trúc chính. Ngoài ra còn có 4 tòa, 24 gian của các công trình kiến trúc phụ trợ. Tổng số là 16 tòa, 126 gian trên một diện tích đo đạc gần đây là xấp xỉ 42.000 m2.

Các công trình kiến trúc chính của Chùa Keo Thái Bình gồm: Tam quan ngoại, Tam quan nội, Chùa Phật, Tòa chùa Ông Hộ, Tòa ống muống, Tòa Tam bảo, Đền Thánh, Tòa Giá roi, Tòa Thiêu hương, Tòa Phụ quốc, Tòa Thượng Điện và cuối cùng là Gác chuông. Các công trình kiến trúc phụ trợ khác tại Chùa Keo gồm có khu tăng xá, trong đó có nhà tăng xá, hai nhà khách ở phía đông và phía tây của nhà tăng xá; nhà của ban quản lý Chùa Keo.

Kiến trúc nổi tiếng là gác chuông Chùa Keo Thái Bình. Đây là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thời Lê. Được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn, gác chuông cao 11m, có 3 tầng mái, kết cầu bằng những con sơn chồng lên nhau. Tầng một có treo một khánh đá dài 1.2m; tầng hai có quả chuông đồng cao 1.3m với đường kính 1m được đúc vào thời Lê Hy Tông năm 1686; tầng ba và tầng thượng treo chuông nhỏ cao 0.62m, đường kính 0.69m đúc năm 1796. Đặc biệt, bộ mái gác chuông có kết cấu gần 100 đàn đầu voi là viên ngọc quý trong kiến trúc Việt Nam

Hàng năm, Chùa Keo Thái Bình mở hội 2 lần, đó là Hội Xuân vào ngày mồng 4 tết Nguyên Đán và Hội chính mùa thu, từ ngày 13 đến ngày 15/9 âm lịch, gắn liền với sự tích của Không Lộ Thiền Sư. Ngày 13, mở đầu là cuộc rước kiệu kỷ niệm 100 ngày tịch của thiền sư Không Lộ. Chiều có các cuộc đua trải. Tối có cuộc thi kèn và trống. Sáng 14, kỷ niệm ngày sinh của sư Không Lộ. Sau lễ dâng hương đến đám rước gồm có đôi ngựa hồng, ngựa bạch có đủ yên cương và 4 bánh, do người kéo. Tiếp đến là 8 lá cờ thần, 42 người vác bát bửu lỗ bộ... Chiều 14, tại tòa Giá Roi diễn ra nghi lễ chầu thánh mang tính nghệ thuật, đó là điệu múa cổ còn gọi là "múa ếch vồ". Ngày 15, các nghi lễ diễn ra như ngày 14 nhưng có thêm một số trò diễn sau khi rước kiệu hoàn cung.

keo5.jpg

Lễ hội Chùa Keo Thái Bình diễn ra đông vui tấp nập suốt 3 ngày, 3 đêm với các nghi lễ tôn giáo, một số tập tục cổ truyền và các hình thức biểu diễn nghệ thuật dân gian, đã phản ánh được lối sống của cư dân ven sông, và mang màu sắc văn hóa nông nghiệp của đồng bằng Bắc Bộ.

Hạ Nhiên