Tử vong sau khi bị ong bắp cày đốt

Sức khỏe - Ngày đăng : 14:54, 07/10/2022

Người đàn ông vào viện sau 45 phút bị ong đốt trong tình trạng tím tái mạch, huyết áp không đo được. Dù được tích cực cấp cứu nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi.

Ngày 7/10, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất (Hà Nội) cho biết, vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam 53 tuổi bị ong bắp cày đốt vào viện trong tình trạng tím tái mạch huyết áp không đo được.

Sau khi cấp cứu ngừng tuần hoàn thành công, bệnh nhân được chuyển Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị tiếp nhưng đã không qua khỏi.

ong.jpeg
Hình ảnh ong bắp cày

Theo BS Nguyễn Thị Cảnh - Trưởng Đơn nguyên Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất, thời gian gần đây, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị ong đốt.

Ngày 6/10, bệnh viện tiếp nhận 5 học sinh, sinh viên bị sốc phản vệ do ong đốt (vì phá vỡ tổ ong). Khoảng 30 phút đến 1 giờ sau khi đốt phá tổ ong, nhóm học sinh này có biểu hiện khó thở, tức ngực, đau buốt đầu nhiều ở vùng bị ong đốt, kèm theo chóng mặt, nôn... nên vào viện. May mắn, sau 30 phút được cấp cứu, các bệnh nhân đã ổn định trở lại.

Các bác sĩ cảnh báo, nhiều loài ong như ong vò vẽ, ong bắp cày thường có độc tính cao. Nạn nhân bị ong đốt cần đến cơ sở y tế gần nhất khi vết đốt nhiều (trên 10 nốt) hoặc loài ong tấn cong là ong vò vẽ, ong bắp cày, ong mật hoặc một số ong chưa rõ loài (ở các vùng rừng núi).

Ngoài ra, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế gần nhất nếu thấy đau nhiều, sưng nề nhiều vùng bị đốt, mẩn ngứa, nổi mề đay, khó thở, mệt, tiểu đỏ, tiểu ít... Theo bác sĩ Cảnh, sau khi bị ong đốt, nhiều bệnh nhân bị sốc phản vệ, có thể tử vong do suy hô hấp cấp và tụt huyết áp.

Lưu ý, để phòng tránh ong đốt, chúng ta nên:

- Tránh tiếp xúc với ong, không kích động hoặc chọc phá tổ ong. Khi ong bay đến, không chạy, nên đứng hoặc ngồi im không cử động.

- Thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà. Khi ong vào nhà làm tổ cần phát hiện sớm tổ ong và phá bỏ nếu ở nơi đông người, nơi nhiều người đi lại hoặc trong hộ gia đình. Nên phá ngay khi tổ mới xây (thường tháng 3-4)

- Khi đi vào rừng, đi dã ngoại cần tránh mặc quần áo sặc sỡ. Không dùng nước hoa, dầu gội đầu, mỹ phẩm… có mùi thơm và ngọt. Không đi chân đất, không mặc quần áo quá rộng, đội mũ có lưới che, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín.

- Nếu bị ong tấn công có thể dùng bất cứ loại bình xịt nào có mùi khó chịu hoặc dùng khói để xua đuổi. Để loại bỏ tổ ong nên dùng khói, bình xịt côn trùng xua ong đi hết sau đó dùng lưới mắt nhỏ hoặc màn bọc tổ ong gỡ đi. Người thực hiện cần mặc quần áo dày, áo mưa (loại nhựa dày) đi găng và đầu đội mũ kín.

Chí Tâm