Người đàn ông suýt bị cụt chi vì tự ý đắp lá chữa lở loét

Sức khỏe - Ngày đăng : 18:35, 06/10/2022

Tự tiêm kháng sinh, đắp thuốc lá vào vết loét bàn chân tiểu đường, ông Đ.C.T. (ở Hà Đông, Hà Nội) vào viện với ngón chân loét, mưng mủ. Đường huyết chạm mức nguy hiểm, nguy cơ cắt cụt chi.

Ngày 6/10, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân bị hoại tử chi do đắp lá vào vết loét ngón chân.

ngon-chan.jpeg
Bác sĩ vệ sinh ngón chân bị hoại tử cho người bệnh. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, nhiễm trùng, mệt mỏi, ngón chân thứ 2 bị loét, mưng mủ và nhiều tổ chức hoại tử bốc mùi, đau nhức.

Chỉ số bạch cầu của bệnh nhân tăng cao, đường huyết vượt quá ngưỡng cho phép, nguy hiểm có nguy cơ phải cắt cụt chi nếu không được điều trị kịp thời.

Bệnh nhân phải điều trị kháng sinh gấp, điều chỉnh liều insuline và xử lý tổn thương tại vị trí nhiễm trùng. Ông cũng được cắt lọc, nạo vét các tổ chức hoại tử mỗi ngày.

Nhiều khó khăn gặp phải trong quá trình điều trị, chăm sóc bảo tồn cả bàn chân cho nam bệnh nhân bởi vết thương tự điều trị tiêm kháng sinh và đắp thuốc lá không rõ thành phần nguồn gốc sẽ dẫn đến hoại tử hoàn toàn.

Điều dưỡng Đặng Thị Nga - Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông chia sẻ, cả đốt ngón chân bệnh nhân bị hoại tử bốc mùi, chăm sóc vết thương thông thường không hiệu quả, nhân viên y tế phải thay phiên nhau tiến hành chăm sóc vết thương diện đặc biệt, thay băng nhiều lần vì dịch tiết ra nhiều.

"Vết thương ngón chân nếu không được chăm sóc đúng cách có thể dẫn tới phải cắt bỏ hoàn toàn chi. Sau khi tình trạng nhiễm trùng cấp tính của bệnh nhân được kiểm soát, các bác sĩ tiến hành tháo bỏ ngón chân để bảo tồn được các ngón còn lại cho bệnh nhân", điều dưỡng Nga nói.

Sau gần 1 tháng tích cực điều trị, bệnh nhân đã được xuất viện với chỉ số bạch cầu về bình thường, chỉ số đường huyết được kiểm soát.

Theo các bác sĩ, nguyên nhân chính dẫn đến các các biến chứng nặng nề ở bệnh nhân đái tháo đường là do người bệnh chủ quan không xử lý vết thương nhỏ hoặc xử lý sai cách. Người bệnh nghĩ rằng những vết thương bé sẽ tự lành theo thời gian hoặc có thể tự đắp thuốc nhưng không lường trước được nếu bị nhiễm trùng, xử lý, chăm sóc vết thương sai cách thì hoại tử chân vẫn có thể xảy ra. Đặc biệt, bàn chân, ngón chân là nơi tiếp xúc nhiều với bụi nền đường và nước bẩn nên nguy cơ nhiễm trùng là rất cao.

Việc quản lý bệnh đái tháo đường đúng cách và chăm sóc bàn chân cẩn thận có thể giúp ngăn ngừa biến chứng tiểu đường ở chân, giảm tỷ lệ cắt cụt chi. Nếu như có bất kỳ vết thương nào đến thì hãy xử lý rửa cơ bản và tới cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn cụ thể đúng cách. Tuyệt đối không nên tự ý bôi thuốc, đắp lá hay tiêm thuốc tại nhà bởi đó chính là nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng tại vị trí vết thương mà sau rất khó để xử lý và phục hồi.

Chí Tâm