Bình Phước cần chủ động ngay từ bây giờ để đón làn sóng đầu tư mới

Chính trị - Ngày đăng : 11:57, 02/10/2022

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh nội dung trên tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước vào chiều 1/10, tại thành phố Đồng Xoài.
chu-tich-quoc-hoi-binh-phuoc-phai-chuan-bi-de-don-lan-song-dau-tu-moi.jpg
Chủ tịch Quốc hội:  Bình Phước cần chủ động, tích cực chuẩn bị ngay từ bây giờ để đón làn sóng đầu tư mới trong tương lai không xa

Tham dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành…

Đạt được những kết quả phát triển rất toàn diện

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Bình Phước có vị trí chiến lược quan trọng, “đắc địa”, là địa bàn kết nối Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, một trong những tỉnh quan trọng trong chính sách phát triển các đô thị vệ tinh của TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Bình Phước có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển, đặc biệt là có quỹ đất lớn nhất vùng Nam bộ, đất đai rất màu mỡ.

Sau 25 năm tái lập, từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp về kinh tế, nông-lâm nghiệp chiếm tới 70% cơ cấu kinh tế, cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, là một trong những tỉnh có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước, nhưng Bình Phước ngày nay đã đạt được những kết quả phát triển rất toàn diện. Từ chỗ tự xác định chỉ là địa bàn “dự trữ phát triển", Bình Phước hiện đang hướng đến trở thành một động lực phát triển thực sự trong vùng. Tỷ trọng nông – lâm nghiệp trong cơ cấu kinh tế đã xuống dưới 20% là bước tiến rất dài; thu ngân sách xấp xỉ 15 nghìn tỷ đồng và có thể cân đối được ngân sách trong một vài năm tới..

Chúc mừng những kết quả của Bình Phước, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý không được chủ quan, thoả mãn vì: quy mô kinh tế của tỉnh vẫn còn nhỏ; phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, đặc biệt, hiện tỉnh mới chỉ có 10.000 doanh nghiệp, 242 hợp tác xã là quá ít.

Với tỷ trọng nông nghiệp của tỉnh chỉ còn 18% nhưng tỷ lệ lao động nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ lớn, chuyển dịch lao động chưa tương xứng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, muốn giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động thì phải có lực lượng doanh nghiệp mạnh.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bình Phước phải đặc biệt chăm lo phát triển doanh nghiệp, tạo môi trường làm ăn kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tổ hợp tác... Thu hút đầu tư các nước là rất đúng, nhưng đồng thời phải thu hút người dân và doanh nghiệp ở địa phương.

Đề cập một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bình Phước phải rà soát lại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Hiện nay, tình hình khu vực, thế giới thay đổi rất nhanh chóng và khó lường. Đảng và Nhà nước kiên trì mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng then chốt, kết hợp với các giải pháp linh hoạt để kịp thời ứng phó với các diễn biến của tình hình trong nước và quốc tế. Do đó, tỉnh cũng phải chủ động rà soát lại để điều chỉnh hoặc thích ứng hiệu quả.

Có tầm nhìn xa, khát vọng lớn ắt sẽ thành công lớn hơn

Về quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bình Phước khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để khai thác, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của tỉnh trên cơ sở phát triển và khai thác tối đa kết cấu hạ tầng hiện có, phát triển các vùng động lực, thúc đẩy liên kết vùng nhất là với các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các tỉnh Tây Nguyên. Tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác lập quy hoạch vùng, đặt trong bối cảnh tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29.8.2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Cùng với đó phải rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, không để lãng phí. Muốn kêu gọi nhà đầu tư thì phải làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý quỹ đất ở Bình Phước, nhất là quỹ đất công nghiệp, không phải chỉ tính cho riêng Bình Phước mà phải tính cho cả vùng Đông Nam Bộ.

“Bình Phước cần chủ động, tích cực chuẩn bị ngay từ bây giờ để đón làn sóng đầu tư mới trong tương lai không xa”. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý phải chuẩn bị kỹ lưỡng cả về hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực. Phải làm đến nơi đến chốn. Đô thị hoá và công nghiệp hoá phải song hành với nhau, các khu công nghiệp, khu chế xuất phải gắn với các thiết chế văn hoá, giáo dục, y tế, nhà ở cho người lao động... Là tỉnh đi sau so với các tỉnh phát triển công nghiệp khác trong vùng, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Bình Phước càng phải lưu ý vấn đề bảo đảm sự song hành giữa đô thị hoá và công nghiệp hoá, tránh mắc phải sai lầm của một số tỉnh đi trước.

Khẳng định Bình Phước đang đi đúng hướng, Chủ tịch Quốc hội mong muốn, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. “Bình Phước cần khơi dậy khát vọng phát triển. Có tầm nhìn xa, khát vọng lớn ắt sẽ thành công lớn hơn”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và giao Văn phòng Quốc hội tổng hợp các đề xuất, kiến nghị gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới.

Ngọc Mai