Trải nghiệm văn hóa miền Tây Nam Bộ tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 07:50, 30/09/2022

Từ ngày 01 - 31/10/2022, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động tháng 10 với chủ đề “Ấn tượng miền Tây” với các hoạt động hàng ngày, cuối tuần nhằm giới thiệu về không gian văn hóa, du lịch miền Tây; các nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Chương trình tháng 10 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) mang chủ đề “Ấn tượng miền Tây” với nhiều hoạt động đặc sắc. Trong tháng 10 vào các ngày thứ Bảy và Chủ nhật, nhóm nghệ nhân đang hoạt động hàng ngày tại Làng sẽ tái hiện cuộc sống của dân tộc Khmer; hoạt động dân ca, dân vũ: các làn điệu hát lâm thôn, hát múa Rom vông, Xa za van, Lâm lêu; giới thiệu nghệ thuật truyền thống Rô băm, nghi thức cúng Tổ nghề và trình diễn nghệ thuật Rô băm như vở tuồng nàng Sê Đa, chàng P’re Rem và khỉ Krôngzep…

Giới thiệu đặc sản địa phương: bánh pía, kẹo dừa, bánh chuối, đường thốt nốt và các sản phẩm từ cây dừa; trình diễn hoạt động đan lát, chế tạo các phục trang sân khấu như các loại mũ dành cho các nhân vật diễn kịch trong nghệ thuật Rô băm; Trò chơi dân gian: Đi cầu khỉ, đánh khẳng, kéo co…

Tại chùa Khmer sẽ có các hoạt động như: các nhà sư Nam Tông giới thiệu về vị trí của ngôi chùa Khmer trong đời sống của đồng bào dân tộc Khmer, các lễ hội gắn với hoạt động phật sự của ngôi chùa, đặc trưng của các sư Nam Tông, tụng kinh Pali, ngồi thiền, giảng pháp... Thuyết pháp; Tụng kinh cầu an"; Giới thiệu về ngôi chùa Khmer duy nhất giữa lòng thủ đô Hà Nội…

khong-gian-song-nuoc-mien-tay-duoc-tai-hien-tai-lang-vhdl-cac-dan-toc-viet-nam.jpg
Không gian sông nước Miền Tây được tái hiện tại Làng VHDL các dân tộc Việt Nam

Đáng chú ý, lễ Ok - Om - Bok (lễ cúng Trăng) của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh được tái hiện vào sáng ngày 23/10. Theo quan niệm của người Khmer, Mặt Trăng là vị thần có quyền năng chi phối mùa màng trong canh tác nông nghiệp. Sau khi thu hoạch những sản phẩm đầu tiên của mùa vụ, người ta tiến hành nghi thức cúng tế để tạ ơn thần Mặt Trăng đã cho một mùa bội thu, giúp phum sóc no đủ. Lễ hội này là sự phản ánh, lưu giữ và truyền thừa những giá trị tích cực của tín ngưỡng đa thần cổ xưa của một tộc người gắn chặt cuộc đời mỗi con người, mỗi gia đình và cả phum sóc với ruộng đồng, mùa vụ và thiên nhiên.

Tại Khu các làng dân tộc Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê sẽ diễn ra các hoạt động trải nghiệm giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống; Tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống; thưởng thức các món ăn đặc sắc của các dân tộc.

Bên cạnh đó là các hoạt động hàng ngày diễn ra trong tháng 10 như: Tái hiện cuộc sống hàng ngày truyền thống của cộng đồng các dân tộc; giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc; thao tác, giới thiệu nghi thức dân gian, ẩm thực, trình diễn nghề thủ công truyền thống và giới thiệu sản phẩm như thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc…các trò chơi dân gian: Nhảy sạp, đi cà kheo, ném còn, đánh đu, đi cầu Kiều, đánh yến, tó má lẹ…

Thục Anh (TH)