UNICEF sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam ứng phó với bão số 4
Đời sống - Ngày đăng : 08:12, 28/09/2022
Theo UNICEF, ước tính có hơn 1,6 triệu trẻ em có khả năng gặp nguy hiểm trước tình hình bão số 4 được dự đoán là sẽ đổ bộ vào đất liền đêm 27/9 ở các tỉnh, thành phố miền Trung.
UNICEF cho biết, tổ chức này sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong những nỗ lực ứng phó và đã chuẩn bị đồ cứu trợ để phân phối cho những khu vực có khả năng bị ảnh hưởng.
Theo UNICEF, ước tính, gần 5,6 triệu người dân sống trong khu vực bị ảnh hưởng của bão sẽ chịu tác động của gió giật mạnh và mưa lớn, trong số đó, 1/3 là trẻ em.
UNICEF khẳng định, cùng với các đối tác của mình đã và đang theo dõi sát sao tình hình bão, thể hiện quan ngại lớn với những gia đình, trẻ em có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi bão.
“Các cơ quan Trung ương, địa phương đã và đang thực hiện công tác chuẩn bị, các biện pháp sớm nhất nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với người và tài sản. UNICEF sẵn sàng hỗ trợ ứng phó với các can thiệp cứu trợ cuộc sống của người dân”, bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện của UNICEF tại Việt Nam cho biết.
“Cơn bão này được cho là mạnh nhất đổ bộ vào lãnh thổ Việt Nam trong vòng 20 năm qua, đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của trẻ em và gia đình dễ bị tổn thương nhất trong những ngày tới”, bà Miller nhấn mạnh.
Trẻ em là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất do thiên tai và những đặc thù dễ tổn thương về thể chất, tâm sinh lý. Gió giật mạnh, lũ lụt, sạt lở đất và việc di dời nơi ở khiến nguy cơ bệnh tật gia tăng ở trẻ em gặp; thiếu dinh dưỡng ảnh hưởng đến việc tiếp cận các dịch vụ giáo dục và y tế khiến trẻ gặp nhiều nguy cơ khác.
Thông thông tin mới cập nhật, sáng sớm 28/9, tại điểm cầu Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tiếp tục có cuộc làm việc với các địa phương về diễn biến và ảnh hưởng của bão số 4.
Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, hiện chưa ghi nhận thiệt hại về người. Trong đêm 27/9, có một phụ nữ trở dạ, được xe quân sự chở đến bệnh viện. Về thiệt hại tài sản, có 2 nhà tốc mái, 172 trạm biến áp mất điện (đã khôi phục lại 89 trạm), 75 cây xanh và một số biển hiệu ngã đổ.
Còn theo ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh cũng chưa ghi nhận thiệt hại về người. Có một số nhà dân bị tốc mái (chưa thống kê được số lượng cụ thể) và một số cây xanh gẫy đổ tại huyện Lý Sơn, mất điện tại 6 huyện.
Đại diện tỉnh Quảng Trị cho biết, có một số nơi gió cấp 6, giật cấp 8. Ngoài thiệt hại về lốc xoáy mà Phó Thủ tướng kiểm tra chiều qua, hiện trên địa bàn có một số cây xanh gãy đổ, chưa ghi nhận các thiệt hại khác.
Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trên địa bàn có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa 3 ngày một số nơi đã vượt 300 mm), có gió giật cấp 7 đến cấp 9. Có 1 nhà sập, 10 nhà tốc mái, và 1 người bị thương nhẹ.
Các tỉnh đều báo cáo hiện chưa có người chết do bão.