Quảng Nam, Đà Nẵng “thần tốc” phòng chống bão Noru
Đời sống - Ngày đăng : 11:11, 27/09/2022
Ngay khi có tin bão Noru, cơn bão số 4 đổ bộ vào đất liền, TP Đà Nẵng đã khẩn trương chuẩn bị ứng phó siêu bão Noru, một trong những cơn bão được đánh giá mạnh nhất trong 20 năm qua.
UBND TP Đà Nẵng phát công điện khẩn đề nghị các sở, ngành, quận huyện tạm dừng các cuộc họp chưa thật sự cần thiết vào thời điểm này để tập trung lực lượng ứng phó với bão số 4 (bão Noru). Ngay từ các ngày 25, 26/9, không kể ngày đêm các lực lượng chức năng đã “tổng lực” hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, di chuyển thuyền thúng, ghe… lên bờ đảm bảo an toàn.
Công tác phòng chống bão Noru tại Âu thuyền, cảng cá Thọ Quang nhanh chóng được triển khai, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền neo đậu tại đây, tránh tình trạng va đập giữa các thuyền gây ra cháy nổ. Đến cuối ngày 26/9, toàn thành phố Đà Nẵng có 1.600 tàu thuyền đã vào nơi neo đậu.
Phương án triển khai sơ tán nhân dân sống trong các nhà không bảo đảm an toàn, các vùng nguy hiểm, vùng trũng thấp, có nguy cơ sạt lở... đến nơi an toàn và bảo đảm lương thực, thực phẩm, các điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho người dân đến sơ tán.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng cho hay, trong kịch bản bão Noru mạnh cấp 14 đến cấp 17, tổng số dân tại Đà Nẵng phải sơ tán là hơn 107.000 người. Công tác di dời dân được tiến hành khẩn trương, đúng ngày, đúng giờ.
Từ sáng sớm 26/9, các địa phương đã khẩn trương triển khai sơ tán nhân dân đến các nhà kiên cố, an toàn, gần nhất trong khu vực; sơ tán tập trung tại các địa điểm đã được quận, huyện lựa chọn. Theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, UBND các quận, huyện rà soát phương án sơ tán nhân dân, đặc biệt các khu vực sơ tán đi và sơ tán đến phải thật sự đảm bảo an toàn; đảm bảo đủ các điều kiện thiết yếu, lương thực, thực phẩm cho người dân. Trước 14 giờ hôm nay (27/9), công tác sơ tán dân phải hoàn tất.
Các lực lượng xung kích ở Đà Nẵng tất bật hỗ trợ người dân ứng phó, đến từng nhà “gõ cửa” vận động người dân thuộc diện nhà không kiên cố, không đảm bảo an toàn nên sơ tán. Theo đó, trong sáng và trưa 27/9, các đơn vị, địa phương khẩn trương vận động, hỗ trợ sơ tán nhân dân đến các điểm sơ tán tập trung và nhà dân, công trình kiên cố lân cận với tổng số người sơ tán theo kế hoạch là 80.801 người, trong đó sơ tán tập trung 25.869 người, sơ tán xen ghép (lân cận) là 54.932 người (tính đến rạng sáng 27/9).
Để ứng phó với siêu bão Nuro, từ chiều 26/9, UBND TP Đà Nẵng đã quyết định cho học sinh các cấp nghỉ học, cho đến khi có thông báo mới. Từ 12 giờ trưa 27/9, toàn TP sẽ dừng họp chợ; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp... được nghỉ làm việc; tạm dừng khai thác và tiếp nhận tàu bay tại sân bay Đà Nẵng chống bão.
Quảng Nam: Khẩn trương sơ tán người dân các xã ven biển
Trước khi bão Noru đổ bộ, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức sơ tán người dân ở địa hình trũng thấp, dễ bị sóng biển dâng gây nguy hiểm đến nới an toàn.
Sáng 27/9, chính quyền TP tam Kỳ đã huy động nhiều lực lượng gồm công an, quân đội, dân quân... sơ tán toàn bộ 459 hộ dân với khoảng 1.600 nhân khẩu của xã Tam Thanh đến nơi tránh bão an toàn như Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Nam, Trường Cao đẳng y tế Quảng Nam để đảm bảo an toàn.
Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ ông Bùi Ngọc Ảnh cho biết trước tình hình bão số 4 được dự báo hết sức phức tạp, 2 ngày qua, TP đã chỉ đạo các lực lượng chức năng giúp đỡ nhân dân chằng chống nhà cửa. Trong ngày hôm qua (26-9), TP đã triển khai xen ghép hơn 1.750 hộ với hơn 5.000 nhân khẩu. Trước 9h sáng nay sẽ đưa toàn bộ người dân đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ", ông Ảnh nói.
Tại Duy Xuyên, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các xã ven biển Duy Hải, Duy Nghĩa và Duy Vinh phối hợp với lực lượng công an, quân sự hướng dẫn cho các chủ tàu đưa tàu vào neo đậu an toàn. Đồng thời vận động các chủ phương tiện cam kết lên khỏi tàu trước khi bão vào bờ để đảm bảo an toàn tính mạng cho ngư dân. Công tác này đã cơ bản hoàn thành. (Tổng số tàu thuyền 266 chiếc). Thực hiện nạo vét khơi thông dòng chảy tại các cống qua đường, mương, rảnh,…thoát nước; tháo dỡ các panô, áp phích có nguy cơ đỗ ngã... Phấn đấu hoàn thành trước 11h00 ngày 27/9/2022.
Đến 6 giờ sáng nay (27/9) trên địa bàn huyện đã tổ chức sơ tán 3.718 hộ/11.444 nhân khẩu. Trong đó sơ tán tập trung 1.478 hộ/4.340 nhân khẩu; sơ tán xen ghép 2.231 hộ/ 7.104 nhân khẩu. Công tác sơ tán dân phấn đấu hoàn thành trước 9h00 ngày 27/9/2022. (Hiện nay xã Duy Thành đã sơ tán xong 73 hộ/152 nhân khẩu).
Theo số liệu tổng hợp các địa phương tại tỉnh Quảng Nam, tính đến 5 giờ sáng 27-9, tổng số dự kiến di dời là 45.834 hộ/155.269 người. Trong đó, sơ tán tập trung 18.388 hộ, 67.481 khẩu; sơ tán xen ghép 27.466 hộ, 87.841 khẩu. Tại cuộc họp chiều tối 26-9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu phải triển khai di dời dân xong trước 9 giờ sáng 27-9.
Ngoài việc dự trữ để đảm bảo lương thực trong nhân dân, UBND huyện Duy Xuyên cũng đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn dự trữ thêm tại các địa phương 13 tấn gạo và các nhu yếu phẩm khác (nước uống, thuốc y tế, thực phẩm, nhiên liệu…) để phục vụ tại các điểm sơ tán tập trung. Dự trữ tại các hàng quán, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện đảm bảo phục vụ công tác phòng chống thiên tai.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, hiện nay trên khu vực Hoàng Sa vẫn còn 9 tàu/100 lao động của tỉnh Quảng Nam đang di chuyển xuống phía Nam. Tuy nhiên, tốc độ di chuyển rất chậm (từ 1-2 hải lý/giờ). Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với gia đình và địa phương thông báo cho các tàu nhanh chóng di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện tại, vẫn giữ liên lạc được với 9 tàu, người và tàu đều an toàn.