Lên phương án sơ tán hơn 860.000 dân để ứng phó siêu bão Noru
Đời sống - Ngày đăng : 19:43, 25/09/2022
Chiều 25/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai nhằm ứng phó cơn bão có tên quốc tế Noru đang tiến vào Biển Đông. Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận.
Theo Phó Thủ tướng, bão Noru dự kiến đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 4 trong năm nay. Theo báo cáo, đây là cơn bão mạnh với sức gió có thể đạt đến cấp 13, giật cấp 16 trên Biển Đông và vùng ảnh hưởng trên phạm vi rộng.
Dù bão chưa vào Biển Đông, Ban Chỉ đạo quyết định triệu tập cuộc họp với 16 địa phương cùng bộ, ngành liên quan để các đơn vị có thời gian chuẩn bị.
"Kinh nghiệm cho thấy những cơn bão với cường độ lớn từ cấp 13 trở lên ảnh hưởng rất lớn, gây nguy cơ thiệt hại tài sản và tính mạng của người dân. Do đó, tinh thần là cần ứng phó sớm với cơn bão sắp tới", Phó Thủ tướng nói và dẫn số liệu năm 2017, 2 cơn bão mạnh cấp 12 đã khiến 106 người chết và mất tích, thiệt hại nhiều tài sản.
Thông tin về tình hình ứng phó với bão, ông Phạm Đức Luận -Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, tính đến trưa 25/9, có hơn 57.800 tàu với hơn 300.000 lao động đã được kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn về nơi an toàn. Đặc biệt trong 24h tới, theo hệ thống giám sát tàu cá, cần phải kêu gọi 127 tàu đang trong vùng nguy hiểm về nơi tránh trú an toàn.
Theo ông Luận, hiện các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Thuận chỉ đạo sẵn sàng các biện pháp ứng phó với bão gần biển Đông.
"Qua rà soát phương án sơ tán dân, có khoảng 213.914 hộ/868.230 người nằm trong diện sơ tán. Trong đó các tỉnh Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi sẵn sàng phương án sơ tán 93.312 hộ/368.878 người tuỳ theo diễn biến của bão", ông Luận nói.
Các hộ dân phải sơ tán do có nhà ở vùng ven biển, cửa sông, có nguy cơ bị ảnh hưởng của sóng lớn, ngập sâu, sạt lở; sinh sống trên tàu thuyền tại nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, khu dân cư cơ thể bị lũ quét...
Chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương không được phép chủ quan, tránh trường hợp như năm ngoái bão nhỏ nhưng tàu thuyền vào chậm nên vẫn có người chết. Ngoài bảo đảm an toàn cho con người, phương tiện, địa phương phải bảo vệ hoa màu, thủy sản cho dân; sẵn sàng lương thực, thực phẩm để hỗ trợ dân trong trường hợp bị chia cắt bởi bão.