Tập trung giám sát các chính sách phát triển năng lượng, đảm bảo thu hút đầu tư
Chính trị - Ngày đăng : 07:21, 25/09/2022
Trước đó, UBTVQH cũng đã cho ý kiến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021 và Kế hoạch giám sát việc đổi mới Chương trình sách giáo khoa giáo dục, phổ thông.
Về Kế hoạch, đề cương giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021, UBTVQH đã thảo luận về: nội dung và cách tiếp cận của các dự thảo Đề cương báo cáo giám sát; cách tiếp cận các nhóm vấn đề lớn, nổi bật của ngành năng lượng;
Tính hợp lý, đầy đủ của việc lựa chọn đối tượng giám sát; sự phù hợp của dự thảo, của đề cương báo cáo tương ứng với từng nội dung và đối tượng; sự phù hợp giữa nội dung giám sát và việc lựa chọn địa bàn giám sát, Bộ, ngành, địa phương để thực hiện giám sát; dự kiến kế hoạch chi tiết, tiến độ thực hiện kế hoạch giám sát; các vấn đề khác mà UBTVQH quan tâm để hoàn thiện Kế hoạch chi tiết Đề cương báo cáo giám sát và các nội dung liên quan.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh đề nghị bổ sung vào Đề cương báo cáo giám sát về đánh giá các văn bản, vướng mắc trong việc thực hiện phát triển năng lượng; bổ sung nội dung về các giải pháp bảo vệ môi trường khi các cái nhà máy năng lượng dừng hoạt động; công tác chỉ đạo việc thực hiện cơ chế, chính sách phát triển đối với các tập đoàn, tổng công ty trong ngành năng lượng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, đối với ngành điện chỉ nên tập trung vào một số vấn đề giám sát đang được dư luận rất quan tâm. Ví dụ năng lượng tái tạo phát triển vượt công suất trong Quy hoạch điện 7; tình trạng đầu tư ồ ạt vào điện mặt trời, điện gió dẫn tới thừa thiếu cục bộ, ảnh hưởng tới an ninh năng lượng quốc gia. Ngoài ra, Đoàn giám sát cũng cần xem xét chính sách về xuất nhập khẩu và chiến lược đầu tư nâng cao năng lực của các ngành năng lượng của Việt Nam, trong đó ngành than hiện đang có nhiều khó khăn, bất cập.
Tuy nhiên, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng, vấn đề năng lượng rất rộng, cần xem xét, cân đối giám sát tổng thể các ngành năng lượng để đảm bảo tính toàn diện. Chuyên đề giám sát nên tập trung vào bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, trong đó có giá năng lượng - đây là vấn đề có tính nền tảng và được xã hội rất quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Đoàn giám sát xác định rõ hơn mục đích, căn cứ, phạm vi thực hiện chuyên đề giám sát này. Việc giám sát cần xác định vấn đề trọng tâm, trọng điểm, trong đó có vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng. Tập trung vào vấn đề chuyển đổi năng lượng, gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch điện, trong đó quy hoạch điện 8… Cùng với đó, tập trung giám sát các chính sách phát triển năng lượng, chính sách tiết kiệm năng lượng, các chính sách liên quan đến khuyến khích, thu hút đầu tư vào lính vực này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý hoạt động giám sát cần tránh chồng chéo, trùng lặp. Đoàn giám sát cần khai thác kết quả của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Kiểm toán, kết quả giám sát của Ban Kinh tế Trung ương và những chuyên đề giám sát trước đây mà Ủy ban Kinh tế đã triển khai…. sử dụng kết quả đã có phân tích, đánh giá để đạt được mục tiêu của cuộc giám sát này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Đoàn giám sát nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, của các cơ quan để hoàn thiện Kế hoạch, Báo cáo, trong đó tập trung vào một số vấn đề: Xác định rõ phạm vi, mục tiêu trọng tâm, trọng điểm của cuộc giám sát;
Làm rõ của giám sát đó là rà soát, đánh giá và có ý kiến cụ thể về việc triển khai các căn cứ để phát triển năng lượng; Tập trung nghiên cứu, đánh giá, có kiến nghị chính sách về chuyển đổi năng lượng, về cơ chế đầu tư kinh doanh, phát triển thị trường năng lượng, giá cả thị trường năng lượng, cơ chế dự phòng, dự trữ năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng;…
Cũng trước phiên bế mạc, UBTVQH đã cho ý kiến Kế hoạch giám sát về đổi mới Chương trình sách giáo khoa giáo dục, phổ thông.
Tại phiên họp, UBTVQH đánh giá cao kế hoạch giám sát chi tiết đã được chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng, công phu, toàn diện. Đề nghị đoàn giám sát phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương nghiên cứu độc lập đánh giá dư luận xã hộị, xây dựng Báo cáo kết quả điều tra xã hội học về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Một số ý kiến thảo luận đề nghị, các thành viên Đoàn giám sát lưu ý hạn chế mức thấp nhất làm ảnh hưởng đến hoạt động, chương trình công tác của các bộ, ngành, địa phương; chủ động lên chương trình, dự kiến về thời gian, gửi các cơ quan, lãnh đạo các cơ quan tham gia Đoàn giám sát để vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính của cơ quan nơi công tác và tham gia hiệu quả các nội dung được phân công.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Đoàn giám sát nghiêm túc tiếp thu đầy đủ, tối đa các ý kiến thảo luận tại phiên họp, hoàn thành báo cáo trình xin ý kiến tại Hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023;
Làm rõ mỗi vấn đề đặc thù của mỗi bộ, ngành, địa phương, các kết quả đạt được, cũng như những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành và các địa phương; từ đó, đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới.