Án mạng chỉ vì câu nói bâng quơ

An ninh trật tự - Ngày đăng : 07:05, 16/05/2012

Đáng ra phải kiểm chứng xem thực hư câu nói của mấy người bạn là đùa hay thật thì Nguyên lại đùng đùng trút giận lên đầu anh bạn đồng hương. Ngồi trong trại giam chờ ngày hầu tòa, Nguyên luôn bị nỗi ân hận giày vò.

Mới có nửa tháng trôi qua kể từ ngày đôi tay dính máu người, Nguyễn Quang Nguyên, SN 1989, trú tại khối Tây Nam, phường Nghi Hoà, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An trông già đi trông thấy. Vừa đây thôi, Nguyên còn là một thanh niên hồn nhiên yêu đời, chỉ vì phút nóng giận mà cướp đi mạng sống của một thanh niên vô tội. Điều khiến Nguyên day dứt là người thiệt mạng với Nguyên là đôi bạn thân, có gì cũng trò chuyện, tâm sự với nhau.

Nguyên sinh ra trong một gia đình kinh tế thuộc diện trung bình, bố mẹ làm nghề chài lưới. Học hết lớp 9, Nguyên ở nhà, ai thuê gì làm nấy. Tháng 6-2010, Nguyên được bố mẹ chạy vạy tiền nong để đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan nhưng công việc nặng nhọc mà tiền kiếm ra không để dành được là bao nên tháng 2-2012, Nguyên về nước. Tiền dành dụm được chỉ đủ trả món nợ vay khi đi, dư tí chút thì mua được chiếc xe máy, Nguyên dùng để chạy xe chở khách nhưng vì tuổi trẻ nên nhiều khi cũng ngại phải ra đứng đường. Tình cờ, Nguyên quen anh Đặng Văn Tường, chủ thầu xây dựng ở xã Nghi Thái, Nghi Lộc nên xin được một chân phụ hồ. Theo đó, mỗi khi anh Tường nhận được công trình ở đâu thì Nguyên lại đến đó làm phụ hồ. Tiền lương không nhiều lắm nhưng được nuôi ăn, có việc làm đỡ nhàm chán nên mỗi tháng Nguyên cũng có tiền gửi về cho gia đình.

 

Án mạng chỉ vì câu nói bâng quơ

Nguyễn Quang Nguyên

 

Nguyên theo anh Tường đi làm phụ hồ tại công trình xây dựng xóm Sơn Thượng, xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Đàn. Làm cùng với Nguyên còn có vài thanh niên trẻ khác song Nguyên chỉ hợp và chơi thân với anh Cao Văn Anh, một thanh niên hơn Nguyên 4 tuổi. Họ thân nhau không chỉ hợp tính mà bởi cả hai cùng ở khối Tây Nam, nhà rất gần nhau lại cùng cảnh xa nhà, chưa vợ con. Cùng ăn ở một lán trại nên ngoài thời gian làm việc, họ thường xuyên trò chuyện với nhau. Nguyên coi Anh như anh trai mình, có chuyện gì khúc mắc trong lòng cũng đem ra tâm sự. Họ chia sẻ và đùm bọc lẫn nhau, tình cảm thân thiết như hai anh em ruột thịt, vậy mà…

 

Nhân dịp lễ 30-4, 1-5 được nghỉ 4 ngày, anh Tường cho cả nhóm thợ của mình mỗi người tạm ứng một triệu để về thăm gia đình. Cầm 1 triệu đồng tiền công được ứng trước, Nguyên hăm hở đón xe về Cửa Lò thăm gia đình. Văn Anh cũng về thăm nhà và vì thân nhau nên thời gian nghỉ ở quê, cả hai cũng đến nhà nhau chơi. Biết nhà Nguyên nên trong mấy ngày nghỉ lễ, anh Phạm Đức Điện, SN 1993 ở xã Nghi Kiều, Nghi Lộc, người làm cùng với Nguyên và Văn Anh có xuống Cửa Lò và ghé qua nhà Nguyên chơi. Sự việc chỉ đơn giản thế, nào ngờ từ tai người này sang tai người khác, việc ghé thăm của anh Điện trở thành chuyện.

 

Trở lại làm việc sau mấy ngày nghỉ, Nguyên rủ mấy người bạn cùng làm phu hồ với mình quê ở Hưng Nguyên ra quán uống bia. Có chút hơi men, mọi người bắt đầu trêu đùa nhau. Một người trong nhóm bỗng vỗ vai Nguyên, đùa: “Anh Anh (tức Cao Văn Anh) nói mi đưa bạn về chơi, mẹ con nhà bây lừa của nó hai triệu đồng”. Không nghĩ là bạn đùa, Nguyên đùng đùng đứng dậy bỏ về lán trại, nơi mình đang làm phụ hồ thuộc xóm Thượng Sơn, xã Nghĩa Sơn, không để cho mấy người bạn kịp thanh minh về câu nói đùa của mình.

 

Lại nói về Văn Anh, sau khi đón xe khách về chỗ làm, không thấy Nguyên đâu nên Anh đi cắt tóc rồi đi tắm. Khi Văn Anh quay vào lán thì đúng lúc Nguyên cũng vừa quay về, đang cởi áo định đi nằm. Vừa thấy mặt anh Anh, cơn giận bùng lên, Nguyên hỏi luôn: “Anh nói tui đưa bạn về nhà chơi, mẹ con nhà tui lừa lấy 2 triệu đồng khi mô?”. Văn Anh hỏi: “Ai nói?, thằng mô nói tau ghẹ răng đi” rồi quay đi lấy khăn lau đầu.

 

Chẳng nói chẳng rằng, Nguyên nhảy xuống khỏi tấm phản, rút con dao nhọn dắt ở phên tường của lán trại chạy lại chỗ Văn Anh đang đứng đâm liền hai nhát rồi cứ thế bỏ chạy ra thị xã Thái Hoà bắt xe về thành phố Vinh định trốn. Nhưng trên đường đi, hay tin anh Anh đã tử vong, ân hận về những gì mình đã gây ra, Nguyên ra cơ quan Công an đầu thú.

 

“Em ân hận lắm, đêm nào cũng mơ thấy Văn Anh nhìn em, ánh mắt đầy trách móc”, Nguyên vò đầu khổ sở. Cho đến hôm nay, khi đã yên vị trong trại tạm giam, chờ ngày bị đưa ra xét xử, đêm nào Nguyên cũng thức trắng đêm, trăn trở với câu hỏi tại sao lại rút dao đâm người bạn thân nhất của mình chỉ vì một câu nói trong lúc đùa vui của mấy người bạn. Chỉ đến giờ, Nguyên mới có thời gian nhớ lại những ngày cùng sống với Văn Anh ở nơi làm việc, nhớ lại những lần hai anh em vui đùa nhau để rồi tự trách mình tại sao không hỏi ra đầu ra nhẽ đã cầm dao đâm người, khiến cho Văn Anh chết không một lời trăng trối, trên người chỉ mặc mỗi một chiếc quần cụt vừa tắm xong. 

 

Hỏi về bố mẹ, Nguyên bưng mặt khóc như đứa trẻ bị đánh đau. Từ ngày bị bắt giam tới giờ, anh ta có nhận được quà bố mẹ gửi vào chứ không được gặp mặt nhưng trong sâu thẳm Nguyên biết bố mẹ đau khổ lắm. “Nhà em với nhà Văn Anh cùng một khối, từ ngày em gây ra tội lớn chắc bố mẹ em chẳng còn mặt mũi nào mà ra khỏi nhà”, Nguyên tâm sự.n 

 

Nguyễn Lam