Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 trị giá 431 tỷ USD, tăng nhanh nhất thế giới

Kinh tế - Ngày đăng : 07:15, 23/09/2022

Theo Bộ Công Thương dẫn dữ liệu của Brand Finance cho biết, thương hiệu Việt Nam năm 2022 có giá trị đạt 431 tỷ USD, xếp hạng thứ 32 thế giới.

Ngày 22/9, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương thông tin cho biết về thứ hạng và giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, ngày 21/9, Tổ chức tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới - Brand Finance (có trụ sở tại London, Anh và hàng năm tiến hành định giá 70.000 thương hiệu trên thế giới) đã công bố báo cáo định giá thương hiệu quốc gia Việt Nam và Top 50 doanh nghiệp có giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam.

thuong-hieu-quoc-gia-viet-nam2.jpg
Lễ vinh danh Thương hiệu Quốc gia Việt Nam nằm trong Top 50 Doanh nghiệp hàng đầu do Brand Finance, Công ty Tư vấn Định giá Chiến lược và Thương hiệu Độc lập Hàng đầu Thế giới bình chọn

Theo kết quả của Brand Finance, về tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu quốc gia, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu.

“Việt Nam là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới - 74% trong giai đoạn 2019-2022”, Bộ Công Thương dẫn dữ liệu của Brand Finance nêu rõ.

Cụ thể, năm 2019, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam mới chỉ được Brand Finance định giá là 274 tỷ USD, thì năm 2020 là 319 tỷ USD, tăng 29% so với năm trước.

Năm 2021, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam là 388 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2020. Đến năm 2022, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 11% so với năm trước.

Về thứ hạng, Bộ Công Thương cho hay, bất chấp những hậu quả của đại dịch Covid-19 và những xung đột, bất ổn về địa chính trị đang diễn ra trên thế giới, nhiều nước đã không duy trì được thứ hạng của thương hiệu quốc gia, nhưng theo đánh giá của Brand Finance, Việt Nam vẫn duy trì và tiếp tục được nâng hạng trong “Top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới”.

Cụ thể, nếu như năm 2019, Việt Nam được xếp hạng thứ 42, thì năm 2020 tăng 9 bậc lên vị trí thứ 33, năm 2021 duy trì vị trí thứ 33 và năm 2022 tăng hạng 1 bậc lên vị trí thứ 32 thế giới.

Xét về tăng trưởng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, Brand Finance đánh giá trong Top 100 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam, mức tăng trưởng về giá trị cũng rất cao là 36%, so với mức tăng trưởng ở Singapore là 22%, ở Indonesia là 22%, ở Ấn Độ là 16%, ở Malaysia là 10%, ở Trung Quốc là 6%, ở Nhật Bản là 5% và ở Thái Lan là 4%.

Trong số những doanh nghiệp có giá trị thương hiệu dẫn đầu có rất nhiều doanh nghiệp thương hiệu quốc gia Việt Nam, như: Viettel, Vinamilk, MB, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Hòa Phát, Vietnam Airlines…

Đặc biệt, theo công bố của Brand Finance năm 2022, Viettel được định giá 8,8 tỷ USD (tăng 44,5% so với năm ngoái), tiếp tục trở thành thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm thứ 7 liên tiếp.

thuong-hieu-quoc-gia-viet-nam.jpg

Cũng theo bảng danh sách Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2022 mà Brand Finance công bố, giá trị top 50 thương hiệu hàng đàu Việt Nam đã tăng 36%.

Top 10 thương hiệu đứng đầu đã đóng góp 67% (24,4 tỷ USD) giá trị của bảng xếp hạng. Trong số này, bốn thương hiệu trong lĩnh vực viễn thông có tổng giá trị là 13.136 triệu USD và trở thành lĩnh vực đóng góp nhiều giá trị nhất cho bảng xếp hạng.

Tiếp đó là ngành ngân hàng với 8.504 triệu USD giá trị thương hiệu với 12 thương hiệu và đứng thứ 3 là ngành thực phẩm với 3.460 triệu USD với 7 thương hiệu.

Đáng chú ý, trong Top 50, Tập đoàn Bảo Việt có giá trị thương hiệu là 731 triệu USD, xếp thứ 14. Đối với lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Techcombank có sự tăng trưởng vượt bậc về thứ hạng khi tăng 5 bậc so với năm 2021, lần đầu tiên lọt vào Top 10.

Ngân hàng Vietinbank xếp ở vị trí thứ 9, tăng 1 bậc so với năm 2021. Agribank vẫn tiếp tục đà tăng trưởng ổn định với giá trị tăng trưởng 22%, duy trì vị trí thương hiệu ngân hàng giá trị nhất Việt Nam.

Theo Brand Finance, có bốn thương hiệu mới tham gia Top 50 là: Nam Long (hạng 34), Vinacomin (hạng 43), Chin Su (hạng 44) và Masan Consumer (hạng 45).

Theo Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, kết quả tích cực này đã khẳng định các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam, cùng với sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam trong nỗ lực xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, góp phần gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhật Minh