Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 77 Đại hội đồng LHQ

Chính trị - Ngày đăng : 09:12, 21/09/2022

Hôm nay (21/9), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 77 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc từ ngày 21- 25/9/2022 tại Trụ sở Liên Hợp Quốc, New York, Hoa Kỳ.
pho-thu-tuong-pham-binh-minh-tham-du-phien-thao-luan-chung-cap-cao-hoi-dong-lhq.jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh

Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 149 của Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 20/9/1977. Kể từ đó, Việt Nam luôn là một đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng vào thực hiện các sứ mệnh của LHQ. Trong công cuộc đổi mới, hợp tác giữa Việt Nam và LHQ phát triển mạnh mẽ, sâu rộng và hiệu quả.

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng của LHQ trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; theo đó, nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, LHQ và các khuôn khổ, cơ chế hợp tác quan trọng có tầm chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện đất nước.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, thực hiện chủ trương đúng đắn đó, Việt Nam tiếp tục coi trọng và tăng cường hợp tác với LHQ; kiên định độc lập, tự chủ, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; nỗ lực phát huy vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải trong các vấn đề quốc tế trong điều kiện cho phép; tiếp tục thúc đẩy hợp tác đa phương, hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN, để cùng tìm giải pháp lâu dài cho xử lý các thách thức an ninh và phát triển trên thế giới. Chúng ta chủ động, tích cực thực hiện tốt trọng trách tại các tổ chức, cơ quan LHQ mà Việt Nam trúng cử, đồng thời có kế hoạch, lộ trình chuẩn bị cho ứng cử các vị trí quan trọng của LHQ.

Tình hình thế giới biến chuyển nhanh chóng, phức tạp, song xu thế lớn và nguyện vọng thiết tha của các quốc gia, dân tộc vẫn luôn là giữ vững hoà bình, mở rộng hợp tác phát triển. Với phương châm chủ động, tích cực, chân thành, tin cậy và có trách nhiệm, Việt Nam tiếp tục nỗ lực hết sức mình đóng góp vào củng cố vai trò trung tâm của LHQ trong hệ thống quản trị toàn cầu, cùng phấn đấu vì hòa bình bền vững, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội.

Trọng Bằng