Sửa Luật để bảo đảm hiệu quả, minh bạch trong quản lý giá
Chính trị - Ngày đăng : 07:34, 20/09/2022
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc sửa đổi và bổ sung dự án Luật Giá (sửa đổi) vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022 là cần thiết nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật về giá, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới; khắc phục những tồn tại hạn chế sau 9 năm thi hành.
Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) so với Luật hiện hành đã bổ sung 3 chương về nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước; công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ này trong thực tiễn.
Luật cũng bỏ quy định về thanh tra chuyên ngành về giá để đảm bảo thực hiện thống nhất theo Luật Thanh tra; bổ sung quy định về nguyên tắc áp dụng Luật Giá với các Luật khác có liên quan để đảm bảo nguyên tắc về việc xử lý các chồng chéo giữa các luật.
Phát biểu thảo luận, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật chưa bảo đảm tính bao quát; một số nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến hiệu quả, minh bạch trong quản lý giá chưa được quy định rõ, như: Tiêu chí cụ thể về hàng hoá, dịch vụ bình ổn giá; căn cứ xác định danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá; Các vấn đề liên quan đến thẩm quyền, bao gồm thẩm quyền của Quốc hội, UBTVQH… chưa được quy định; Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong các trường hợp kinh doanh trên nền tảng số chưa được đề cập; Chế độ trách nhiệm trong thẩm định giá nhà nước chưa rõ ràng; Công tác hậu kiểm, việc phòng ngừa các sai phạm trong thẩm định giá chưa đầy đủ.
Có ý kiến cho rằng, phạm vi sửa đổi của Luật Giá có ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành, liên quan đến nhiều Luật sẽ sửa đổi trong thời gian tới, vì vậy cần nghiên cứu, rà soát kỹ để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định về quản lý nhà nước về giá, hạn chế việc phân công quá cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, vì những điều này thuộc thẩm quyền của Chính phủ, theo quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, báo cáo tổng kết, đánh giá thi hành Luật Giá và dự thảo Luật có nhiều điểm không khớp, chưa thuyết phục, nên đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát kỹ lưỡng báo cáo tổng kết, đánh giá thi hành Luật Giá để đảm bảo những thay đổi trong dự thảo Luật giải quyết những tồn tại hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, sửa đổi Luật Giá là một dịp để đánh giá căn cơ về quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá. Trước đây, Bộ Tài chính phụ trách toàn bộ công tác này, bao gồm cả giá điện, giá thuốc, giá năng lượng, giá đất… Hiện nay, Bộ Tài chính chỉ giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá, còn giá cụ thể thì phân cấp cho các Bộ, ban, ngành khác.
Báo cáo giải trình thêm một số nội dung, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu. Theo đó, sẽ hoàn thiện lại vấn đề đối với sửa đổi về Luật Giá, như là quy định đối với danh mục do Nhà nước định giá thì do Quốc hội quyết định và khi có sự sửa đổi, thay thế, bổ sung thì do UBTVQH quyết định.
Chia sẻ thêm về những khó khăn, vất vả khi xây dựng luật, Bộ trưởng Tài chính cho biết, để làm luật này phải hoàn thành 13 bộ luật. Trước đây khi làm Tổng Kiểm toán nhà nước, 5 năm chỉ sửa một bộ luật đã thấy rất vất nhưng sang đây là 13 bộ luật, chưa kể là thông tư, nghị định, rất vất vả, liên tục phải đọc, phải tổ chức hội nghị, nghiên cứu, tiếp thu,..
Trước sức ép của công việc quá lớn, nhiều cán bộ xin nghỉ việc, kể cả vụ phó, trưởng phòng cũng xin nghỉ việc nên đích thân Bộ trưởng phải gặp và động viên tiếp tục làm việc.
“Giai đoạn này rất khó khăn, chúng tôi hết sức nỗ lực để làm thế nào hoàn thành được nhiệm vụ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao, của các đồng chí giao”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng Luật hiện hành để kế thừa, phát huy những quy định đã áp dụng hiệu quả trong thực tiễn, đồng thời chỉ rõ những bất cập, hạn chế để hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo việc quản lý giá chặt chẽ, hiệu quả, đảm bảo cơ sở pháp lý trong lĩnh vực giá, vận hành thông suốt nền kinh tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát đánh giá kỹ tác động của từng chính sách sửa đổi, bổ sung, đảm bảo hiệu quả, khả thi, không gây khó khăn, vướng mắc, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đảm bảo phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tiếp tục rà soát các chương, điều khoản trong dự thảo Luật để đảm bảo quản lý, điều hành giá nhất quán theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền quyết định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, tôn trọng các quy luật kinh tế khách quan chi phối sự hình thành và vận động của giá cả thị trường, đảm bảo việc quản lý điều tiết của Nhà nước về giá để khắc phục hạn chế, tiêu cực của thị trường với biện pháp phù hợp.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến của UBTVQH, khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới.