Chuyển đổi số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ
Đời sống - Ngày đăng : 15:23, 19/09/2022
Với chủ đề: “Chuyển đổi số lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, PV Báo Công lý có cuộc trao đổi với ông Hồ Chí Linh, Giám đốc Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau về chủ đề này.
PV: Thưa ông, chuyển đổi số không chỉ là chuyển đổi công nghệ mà quan trọng hơn là chuyển đổi về tư duy. Vậy, đâu là những thuận lợi và khó khăn trong quá trình chuyển đổi số ở tỉnh ta?
Từ năm 2022, tỉnh Cà Mau đã xác định lấy người dân làm trung tâm của chuyển đổi số, chuyển trọng tâm từ chính quyền sang người dân, từ tổ chức sang cá nhân từng cán bộ, công chức, viên chức, từ đó mang lại giá trị trực tiếp cho người dùng, cho người dân. Bên cạnh đó, chương trình cũng xác định quan điểm: Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; chuyển đổi số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách số thông qua việc phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số còn một số khó khăn nhất định như: Một số lãnh đạo, cán bộ công chức các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng, tính cấp bách của chuyển đổi số; chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực còn chậm. Một số doanh nghiệp chưa quan tâm, tích cực, chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ số, các nền tảng số phục vụ chuyển đổi số. Phát triển kinh tế số của tỉnh còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ, giá trị thấp. Hạ tầng CNTT chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong kết nối, liên thông, chia sẻ, khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu của tỉnh.
Thiếu nguồn nhân lực nội bộ để ứng dụng CNTT trong chuyển đổi số; nguồn kinh phí dành cho ứng dụng CNTT. Chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức cả về kinh tế và xã hội, nhất là về lực cản từ trình độ dân trí và mức độ quan tâm của người dân đến chuyển đổi số. Bên cạnh đó, số liệu thống kê, phân tích trên dịch vụ công trực tuyến hiện nay cho thấy vẫn còn một số trở ngại nhất định xét cả về góc độ trình độ và mặt bằng dân trí. Phần lớn người dân của tỉnh Cà Mau sống ở nông thôn (chiếm tỷ lệ trên 75%), trình độ dân trí tuy có được nâng lên, tuy nhiên xét về năng lực ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống, cũng có những hạn chế nhất định.
PV: Để quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh và đúng hướng, tỉnh ta cần ưu tiên chuyển đổi số những lĩnh vực, nhiệm vụ nào trước tiên?
Một là, cần phải có sự vào cuộc và hành động đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành. Trước mắt, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về tính cấp thiết của chuyển đổi số; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách.
Hai là, Dịch vụ công trực tuyến là bước đầu tiên và là thành phần nền tảng của Chính quyền điện tử, chính quyền số. Như vậy, việc xây dựng chính quyền số có vai trò to lớn của dịch vụ công trực tuyến. Do đó, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong cung ứng dịch vụ công. Thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, sâu rộng trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Các dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền thực hiện của cơ quan nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do các bộ, ngành triển khai cung cấp thuộc các lĩnh vực như: đăng ký doanh nghiệp; quản lý đầu tư nước ngoài; giấy phép lái xe; giấy phép kinh doanh vận tải; cấp (đổi) biển hiệu, phù hiệu xe ô tô; hộ tịch điện tử; lý lịch tư pháp; đăng ký, cấp phép hành nghề khám, chữa bệnh; xây dựng,… được tích hợp, công bố, công khai và đồng bộ thông tin tiếp nhận, xử lý hồ sơ đầy đủ, chính xác, thường xuyên trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh.
Ba là, Tái cấu trúc hạ tầng CNTT của tỉnh, chuyển đổi hạ tầng CNTT thành hạ tầng số ứng dụng công nghệ điện toán đám mây phục vụ kết nối, quản lý các nguồn lực, dữ liệu của CQNN một cách an toàn, linh hoạt, ổn định và hiệu quả. Từng bước chuyển đổi tất cả hệ thống thông tin của tỉnh sử dụng IPv6. Mở rộng kết nối Internet trong các CQNN thông qua kết nối trực tiếp ngang hàng, kết nối tới trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX. Dịch vụ trực tuyến của các CQNN, báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, giáo dục, y tế, TMĐT của tỉnh sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam (.vn).
Bốn là, hoàn thiện mạng truyền số liệu chuyên dùng, các hệ thống phần mềm dùng chung, số hóa dữ liệu, xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành… Tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp dễ dàng khai thác truy cập, sử dụng, góp phần công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số.
Năm là, tập trung chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực thuộc lợi thế của tỉnh Cà Mau về nông nghiệp, du lịch sinh thái và một số lĩnh vực tiềm năng khác như; Y tế, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính - Ngân hàng, Nông nghiệp, Giao thông vận tải… tại địa phương.
Sáu là, rà soát, tổng hợp và đánh giá toàn bộ hiện trạng dữ liệu trong phạm vi của CQNN đang được lưu trữ trong các CSDL để xác định chất lượng dữ liệu, khả năng chia sẻ và sử dụng bởi các cơ quan bên ngoài theo quy định của Chính phủ. Xây dựng kho dữ liệu của công dân khi thực hiện các giao dịch trực tuyến với các cơ quan nhà nước để giúp người dân quản lý, lưu trữ dữ liệu điện tử, cung cấp, chia sẻ với các cơ quan Nhà nước nhằm hạn chế việc sử dụng văn bản giấy và cung cấp lại thông tin.
PV: Mục tiêu của tỉnh Cà Mau đến khi nào sẽ cơ bản hoàn thành chuyển đổi số thưa ông?
Có thể nói chuyển đổi số là cả một quá trình diễn ra liên tục phát triển, xuyên suốt trong quá trình phát triển của xã hội ngày nay, theo xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong mỗi giai đoạn của quá trình chuyển đổi số, chúng ta sẽ đặt ra những mục tiêu quan trọng để thực hiện. Chuyển đổi số không thể đạt được trong ngày một ngày hai, bởi chuyển đổi số thực chất là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng công nghệ.
Theo Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 14/7/2022 của tỉnh ủy Cà Mau về chuyển đổi số tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 thì tỉnh Cà Mau phấn đấu là một trong những tỉnh, thành phố chuyển đổi số thành công của cả nước.
Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh cơ bản hoàn thành số hoá các lĩnh vực kinh tế - xã hội; đến năm 2030, số hoá toàn diện các lĩnh vực, kinh tế số thành lợi thế cạnh tranh, chiếm 20% GRDP của tỉnh. Trong đó, đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động, 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực điện tử.
PV: Xin cám ơn ông đã có cuộc trao đổi với Báo Công lý.