Vụ cháy quán karaoke thảm khốc ở Bình Dương: Trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan thế nào?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 19:45, 08/09/2022

Liên quan đến vụ cháy quán karaoke thảm khốc khiến 33 người tử vong ở Bình Dương, luật sư cho biết để quy kết trách nhiệm đối với cá nhân hay tổ chức có liên quan cần phải phụ thuộc vào kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra. Nếu nguyên nhân chính của vụ hỏa hoạn có thể do chập điện trong phòng karaoke, đây là một điểm rất quan trọng để xác định yếu tố có hay không có lỗi của từng chủ thể liên quan.

Thời gian gần đây, trên toàn quốc đã xảy ra nhiều vụ cháy quán karaoke, trong đó có những vụ gây mất mát lớn về người và tài sản. Điển hình là vụ cháy nghiêm trọng tại quán karaoke ISIS (phường Quan Hoa, Cầu Giấy) làm 3 cán bộ, chiến sĩ thuộc Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an quận Cầu Giấy hy sinh khi làm nhiệm vụ.

Cũng tại địa bàn quận Cầu Giấy, vào đầu tháng 11 năm 2016 cũng xảy ra vụ cháy quán karaoke trên phố Trần Thái Tông khiến 13 người chết. Trước đó, vào năm 2014, một vụ cháy quán karaoke trên phố Giảng Võ khiến 5 người thiệt mạng.

Các vụ cháy xảy ra tại quán karaoke gióng lên cảnh báo nghiêm trọng về tình trạng vi phạm đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại những cơ sở hoạt động kinh doanh ngành nghề này.

Trong khi người dân cả nước vẫn chưa nguôi ngoai được nỗi bàng hoàng, thương tiếc trước sự việc 3 chiến sĩ cảnh sát PCCC hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ tại vụ cháy quán karaoke ở Cầu Giấy (Hà Nội) thì tại Bình Dương lại xảy ra một vụ cháy quán karaoke đặc biệt nghiêm trọng làm 33 người chết và nhiều người bị thương.

chay-quan-karaoke-an-phu-binh-duong-5237.jpg
Vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương khiến 33 người chết và nhiều người bị thương

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, cơ sở kinh doanh karaoke An Phú có địa chỉ tại 166C khu phố 1A, phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. Cơ sở xây dựng trên diện tích đất khoảng 578,52m2, tổng diện tích xây dựng khoảng 500 m2, gồm: 3 tầng, tổng diện tích sàn 1.500 m2, có kết cấu xây dựng tường gạch, cột bê tông cốt thép, mái bê tông cốt thép; ngành nghề kinh doanh: dịch vụ karaoke 30 phòng (thực tế hoạt động 26 phòng).

Điều đáng nói, cơ sở này có đầy đủ các giấy tờ như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 46F8029222 do UBND thị xã (nay là thành phố) Thuận An cấp đổi ngày 7/9/2016; giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh, trật tự do Công an thành phố Thuận An cấp ngày 31/7/2017; giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy số 93 do Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh Bình Dương cấp ngày 8/2/2017; giấy phép kinh doanh karaoke do UBND thành phố Thuận An cấp ngày 15/11/2016; Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở vào các năm 2019, 2021, 2022 . Tuy nhiên, khi xảy ra hỏa hoạn vẫn gây thiệt hại, mất mát quá lớn về người.

Rất nhiều độc giả thắc mắc, trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan thế nào? Việc bồi thường cho các nạn nhân được tiến hành ra sao?

Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, luật sư Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Công ty luật TNHH Chính Tín, đoàn luật sư thành phố Hà Nội nêu quan điểm: Theo quy định tại khoản 1, điều 2, Nghị định số: 54/2019/NĐ – CP: “Dịch vụ karaoke là dịch vụ cung cấp âm thanh, ánh sáng, nhạc, lời bài hát và hình ảnh thể hiện trên màn hình (hoặc hình thức tương tự) phục vụ cho hoạt động ca hát tại các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke theo quy định của Nghị định này”.

Ngoài ra, tại điều 4 Nghị định này cũng nêu rõ về điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke: Là doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật; Bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; Phòng hát phải có diện tích sử dụng từ 20 m2 trở lên, không kể công trình phụ; Không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị báo cháy nổ).

“Để được chính thức cấp phép đi vào hoạt động thì chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke cần phải đảm bảo rất nhiều điều kiện sau khi có sự rà soát, kiểm tra, đánh giá đảm bảo của các cơ quan liên quan”, luật sư Toàn nhấn mạnh.

3051112336050179645726411830268692324498875n-1662557159980423234747.jpg
Hàng trăm cán bộ chiến sỹ được điều động đến hiện trường tham gia cứu hộ cứu nạn

Theo luật sư Toàn, vụ cháy quán karaoke thảm khốc ở Bình Dương là sự việc rất thương tâm và đau xót, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Tại buổi họp báo liên quan đến vụ cháy, bước đầu cơ quan xác định nguyên nhân ban đầu vụ hỏa hoạn có thể do chập điện trong phòng karaoke. Đây là một điểm rất quan trọng để xác định yếu tố có hay không lỗi của từng chủ thể liên quan. Tuy nhiên, để quy kết trách nhiệm đối với cá nhân hay tổ chức có liên quan cần phải phụ thuộc vào kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra.

Phân tích dưới góc độ pháp luật, luật sư Toàn cho biết, nếu nguyên nhân cháy do chập điện là sự kiện bất khả kháng; không thể lường trước hoặc không thể khắc phục mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì chủ quán sẽ không phải bồi thường cho các nạn nhân.

Nếu nguyên nhân trên xuất phát từ lỗi chủ quan của khách, nhân viên quán hoặc bất kỳ người nào khác thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định tại các điều: 584, 585, 587, 590, 591 Bộ luật dân sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Đồng thời còn có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội danh: Vô ý làm chết người (điều 128); Vi phạm an toàn ở nơi đông người (điều 295); Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy (điều 313)...được quy định tại Bộ luật luật Hình sự năm 2015.

Đồng tình quan điểm trên, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp) cho biết dịch vụ karaoke là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cơ sở kinh doanh phải đảm bảo quy định về cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn về phòng cháy chữa cháy thì mới được cấp phép hoạt động.

Luật sư Cường cho rằng nếu cơ sở kinh doanh karaoke đã có đủ giấy phép hành nghề nhưng trong quá trình hoạt động không đảm bảo quy tắc vận hành, quy định về phòng cháy chữa cháy, hoặc có thể cơ sở chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện về PCCC nhưng vẫn được cấp phép. Khi đó, cá nhân cấp phép, chủ quán, nhân viên và những người chịu trách nhiệm liên quan (nếu có) sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thiệt hại trong vụ cháy.

Nếu xử lý hình sự, luật sư Cường cho rằng các tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy và Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính có thể được áp dụng với chủ, nhân viên cơ sở và người có trách nhiệm liên quan khác. Trường hợp có cán bộ cấp phép sai quy định, tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360) hoặc Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356) tại Bộ luật Hình sự 2015.

Ngoài ra, nếu chủ cơ sở được chứng minh có vi phạm phải trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình nạn nhân.

Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, chi phí mai táng theo phong tục địa phương, tiền cấp dưỡng cho người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng và tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần khoảng 100 tháng lương cơ bản.

Ngoài ra, đối với những người bị thương tích phải bồi thường thiệt hại tiền chi phí cứu chữa, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút, bồi thường tiền công người chăm sóc và tổn thất về tinh thần khoảng 50 tháng lương cơ bản.

Hà An