Hội đồng Thẩm phán TANDTC cho ý kiến đối với Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên

Tiêu điểm - Ngày đăng : 11:00, 08/09/2022

Ngày 07/9, tại phiên họp toàn thể tháng 9, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã cho ý kiến đối với Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC chủ trì phiên họp.

Tại phiên họp sau khi nghe đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học trình bày Tờ trình về Hồ sơ dự án “Đề xuất ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên”, các thành viên Hội đồng Thẩm phán đã nêu ý kiến, trao đổi về kết cấu đề cương, nội dung dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, gồm các vấn đề: Phạm vi điều chỉnh; chế tài xử lý vi phạm; cơ quan điều phối quốc gia về tư pháp người chưa thành niên; chuyên môn hóa hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; vai trò, trách nhiệm của nhân viên công tác xã hội; quy trình thủ tục tố tụng tư pháp; mở rộng áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; cơ chế thi hành các biện pháp xử lý chuyển hướng; cơ chế thi hành hình phạt tù; tái hòa nhập cộng đồng.

Về cơ bản các ý kiến thống nhất với kết cấu đề cương, nội dung của dự thảo Luật và khẳng định việc xây dưng Luật Tư pháp người chưa thành niên là hết sức cần thiết; đây là đạo luật mang tính nhân văn, tiến bộ, xu hướng của thế giới, tháo gỡ được rất nhiều bất cập của thực tiễn, tạo ra hành lang pháp lý cho việc xử lý trong thực tiễn. Bên cạnh đó, có một số ý kiến chỉ ra những vấn đề còn chưa rõ cần lưu ý, các vấn đề còn có những ý kiến khác nhau cần cân nhắc thêm.

8s3c3033.jpg

Hội đồng Thẩm phán TANDTC cho ý kiến đối với Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên

Về phạm vi điều chỉnh, có ý kiến cho rằng vấn đề đưa người chưa thành niên vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là vấn đề liên quan đến điều trị tâm lý, sức khỏe cho người chưa thành niên, không thuộc phạm vi tư pháp (vi phạm pháp luật), Vì vậy, không nên quy định nội dung này trong dự thảo Luật.

Về biện pháp xử lý chuyển hướng, nhiều ý kiến cho rằng cần nghiên cứu bổ sung các biện pháp xử lý chuyển hướng khác, như: bắt buộc đi học, lao động công ích… Thống nhất áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên vi phạm theo mức độ, hành vi mà không phân biệt xử lý hành chính hay xử lý hình sự.

Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về chế tài xử lý vi phạm, tập trung vào 2 quan điểm, một quan điểm cho rằng có sự thiếu thống nhất, chồng lấn giữa chế tài hành chính và chế tài hình sự, và quan điểm ngược lại.

Kết luận buổi làm việc, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao những ý kiến góp ý của các đồng chí thành viên Hội đồng Thẩm phán, khẳng định đó là những ý kiến xác đáng, thiết thực và có giá trị cao về lý luận và thực tiễn.

8s3c3017.jpg

Chánh án Nguyễn Hòa Bình kết luận phiên làm việc buổi sáng

Về những nội dung còn có ý kiến khác nhau, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị các đồng chí thành viên Hội đồng Thẩm phán tiếp tục nghiên cứu, góp ý để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật; đặc biệt cần tập trung góp ý, hoàn thiện Tờ trình về Hồ sơ dự án “Đề xuất ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên”.

Đề nghị Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học tiếp tục nghiên cứu để làm sâu sắc hơn các nội dung: Sự cần thiết xây dựng Luật;  mục đích, quan điểm xây dựng Luật; đánh giá tác động của các giải pháp…

Theo chương trình phiên họp, Hội đồng Thẩm phán TANDTC sẽ cho ý kiến đối với Hồ sơ dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 304, 305, 306, 307 và 308 của Bộ luật hình sự (tội phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ) về nội dung xác định số lượng vật phạm pháp tối thiếu làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, và giải đáp một số nội dung vướng mắc trong công tác áp dụng pháp luật…


Nguyên Anh