Giang hồ cũng khóc

An ninh trật tự - Ngày đăng : 11:03, 13/04/2012

Giang hồ rưng rưng: ”Chú ơi, vợ cháu sắp đẻ rồi. Chú cho cháu gặp vợ mấy phút”. Giang hồ khi đã phải khóc vì ân hận, vì thương vợ thương con, hẳn là nước mắt không chỉ mặn chát mà còn đắng đót nữa.

Rạng sáng 29-4-2011, một nhóm thanh niên đi xe máy đã đuổi theo một chiếc xe taxi và khi ép được chiếc taxi dừng lại trên phố Xã Đàn, (quận Đống Đa, Hà Nội), các sát thủ với súng hoa cải trên tay đã nã đạn liên tiếp qua cửa kính khiến một thiếu nữ tử vong tại chỗ...

Chiếc taxi bị đập nát kính và di ảnh của cô gái vắn số Nguyễn Thị Liên.

Vài ngày sau khi gây án, các thủ phạm đã bị bắt giữ khi đang tìm đường trốn ra nước ngoài. Riêng Đỗ Đình Tài, 28 tuổi, ở Khoái Châu, Hưng Yên - kẻ đã trực tiếp cầm súng bắn chết nạn nhân Nguyễn Thị Liên, đã bị Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm bắt giữ trước Tết Nhâm Thìn. Có hai sát thủ trong băng nhóm này khiến tôi ấn tượng, đó là Đồng Cao Cường (tức Cường “hổ”) và Đỗ Đình Tài. Hai kẻ này nói rằng, trong thế giới giang hồ, một khi đã bị “phá giá”, tức là “no name, no number”, thì không còn uy để làm ăn. Thế nên, chỉ vì để “giữ giá”, (dù biết sẽ phải trả giá), họ sẵn sàng phạm tội. Nhưng đằng sau những hành xử rất xã hội đen, là những phút giây họ thực sự mềm lòng khi tôi nhắc tới vợ con...

Khi giang hồ bị “phá giá”

Sự việc thực ra vô cùng đơn giản. Đồng Cao Cường, 29 tuổi, thuê nhà ở 163 Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng ở cùng vợ và hoạt động trong lĩnh vực cá độ bóng đá, cho vay nặng lãi và có khá nhiều đàn em giúp Cường trong các hoạt động này. Một đàn em của Cường là Lưu Quang Đức (25 tuổi, ở Hà Nam) đã lấy 10 triệu đồng của Cường cho Nguyễn Thị Liên (21 tuổi, ở Tân Mai, Hoàng Mai) vay nhưng đã quá hạn nhiều ngày mà vẫn chưa thấy chị Liên trả tiền, Đức đã rủ Cường “móm”, (cũng là đàn em của Cường “hổ”) đến nhà chị Liên đòi tiền. Không gặp được chị Liên, hai kẻ này đã gọi điện vào máy của Liên thì gặp bạn trai của Liên. Người này giở giọng thách thức, nói những câu xếch mé, ra điều trêu ngươi bọn Đức.

Cay cú vì đã không đòi được tiền lại còn bị trêu, Đức đã gọi điện cho Cường “hổ” báo cáo tình hình. Khi ấy, Cường “hổ” đang đi chơi với Nguyễn Đức Độ (sau này, tại cơ quan Công an, Cường “hổ” khai là hai thằng đã thuê phòng khách sạn, đang gọi mấy ả cave lên giải trí) nghe thấy đàn em kể bị “qua mặt”, Cường cùng Độ quay về nhà Cường và tụ tập thêm một số đàn em (trong đó có Đỗ Đình Tài, đàn em của Độ).

Cả bọn lấy 3 khẩu súng của Cường “hổ” cùng mấy thanh đao. Cường “móm” cầm một khẩu súng, Tài cầm một khẩu và khẩu còn lại, Cường “hổ” giắt vào người. Cả bọn 9 thằng lên xe đi tìm nhóm của Liên. Bạn của Liên gọi điện vào máy Cường “móm” trêu: “Anh Cường ơi, bọn anh gấu lắm, bọn em sợ không dám ra. Bọn anh chỉ bắt nạt phụ nữ thôi...” và rồi hai bên hẹn nhau ra phố Xã Đàn để... “xanh chín”.

Bạn của chị Liên còn thách thức: “Mày không ra thì tao ra...”. Máu yêng hùng nổi lên, cả bọn phi tới phố Xã Đàn thì taxi chở Liên cùng đám bạn của cô cũng vừa tới. Cảnh rượt đuổi chiếc taxi làm náo loạn đường phố buổi đêm đang yên tĩnh.

Đối tượng Đỗ Đình Tài tại Cơ quan điều tra.

Sau khi bắn hai phát súng vào xe taxi, cả bọn xông tới dùng đao và các hung khí đập vỡ kính và đầu xe taxi bẹp rúm. Đỗ Đình Tài đã kê nòng súng vào sát cửa xe và bắn khiến nạn nhân Nguyễn Thị Liên chết tại chỗ. Vì đang cơn hăng máu nên mặc dù Liên ngồi trong đã van xin: “Em xin các anh đừng bắn nữa” nhưng viên đạn không có mắt cũng không nghe được tiếng người, chứ thực ra Tài cũng như Cường “hổ”, chưa hề gặp mặt Liên và cũng không có thù oán gì với cô gái này.

Nước mắt giang hồ

Gặp Cường “hổ” tại Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, khi đơn vị này vừa bắt được anh ta cùng Cường “móm” và Lưu Quang Đức khi cả ba lẩn trốn ở Móng Cái, tôi đã có cuộc tiếp xúc với Cường “hổ”. Không quanh co, Cường “hổ” khai nhận tất cả tội lỗi, từ việc mua súng cất đi để phòng khi cần là mang ra tỉ thí đến việc buộc phải “xuống đường” vì nỗi lo sợ bị “phá giá”. Hỏi Cường, sao lại chỉ cho Cường “móm” và Đức đi trốn cùng, Cường nói: “Em ai người nấy lo, mấy đứa kia là em thằng Độ thì để nó lo”. Nghĩa khí của những kẻ giang hồ xem ra cũng hay ho ra phết.

Cường đã khóc đi nói tới vợ con

Hỏi chuyện mấy khẩu súng, Cường kể, một lần đi lễ trên Lào Cai, lúc ra chợ giáp biên, anh ta được một người đàn ông không quen biết, có lẽ nhìn dáng dấp Cường giống dân anh chị (đầu trọc, đeo dây chuyền to tướng) nên đã mời mua... súng, với giá 5 triệu một khẩu. “Em thấy rẻ nên mua luôn 3 khẩu, mỗi khẩu được khuyến mại thêm 2 viên đạn”. Còn mấy thanh đao, Cường cũng mua ở chợ giáp biên này luôn, bình thường thì treo trên tường thay tranh ảnh, còn khi phải “xuống đường” thì là phương tiện “hỗ trợ”.

Kẻ giang hồ này đã đỏ hoe mắt khi nhắc tới vợ con. Cường kể rằng, quê gốc anh ta ở Bắc Ninh nhưng đã lang thang trên đất Hà Nội này ngót 10 năm. Ban đầu, cũng làm đệ tử cho đám đàn anh và thường xuyên bị đám này bắt nạt, sau này, khi có quan hệ, có tiền, Cường mới tách ra làm ăn riêng và cũng thâu nạp được một số đệ tử cứng. Nhắc đến mấy thằng “em” bị bắt cùng mình, Cường “hổ” cho biết, anh ta rất thương mấy thằng này, chúng nó sợ bị đại ca mắng vì cái tội không đòi được 10 triệu, nhưng thực ra Cường không tính đến 10 triệu ấy, tiền nong chỉ là chuyện nhỏ, như trên đã nói, vì một câu thách thức, sợ bị “phá giá”, anh ta đã dẫn đàn em đi gây án.

Ở Bắc Ninh, Cường từng có một đời vợ, một đứa con nhưng cô vợ đã bỏ đi để lại đứa con gái cho bố mẹ Cường chăm sóc, có lẽ vì không chịu nổi người chồng có quan hệ với các đối tượng xã hội phức tạp và có bồ nhí. Trước khi bị bắt, Cường sống với cô vợ thứ hai và chỉ vài ngày nữa là cô vợ này sẽ sinh cho anh ta một cậu con trai. Hai người đã đặt tên cho con là Phong. Bị bắt thế này, điều Cường lo lắng nhất là không có ai giúp đỡ vợ con anh ta khi cô vợ lâm bồn, bởi vì gia đình cô vốn không đồng ý cho cô sinh sống cùng Cường – một gã mà trong mắt nhiều người vốn là dân du thủ du thực. “Bây giờ em đi rồi, vợ em bơ vơ lắm, sinh con ra, không biết ông bà ngoại có giúp đỡ gì không...”.

Thú thực là được chứng kiến một kẻ giang hồ khóc là một chuyện vô cùng hy hữu. Bởi, những kẻ này chỉ quen với dao kiếm, súng ống, quen với việc mở mồm ra là chửi thề, thế nên tôi đã rất chăm chú nhìn khi từ khóe mắt Cường long lanh nước. Giọng anh ta chợt nghẹn lại và khẩn khoản nói với Thượng tá Nguyễn Ngọc Anh – Phó trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm: "Chú ơi, vợ cháu sắp đẻ rồi. Chú cho cháu gặp vợ cháu mấy phút”.

Con người ta, dù là một kẻ ngang tàng, gỗ đá, thì hình như khi chạm tới một góc nào đó trong tâm hồn mà họ dành cho gia đình, người thân, thì là lúc họ yếu mềm nhất, dễ xúc động nhất. Lê Văn Luyện cũng vậy - tên sát thủ cướp tiệm vàng ở Lục Nam, Bắc Giang, nỗi ám ảnh kinh hoàng với tất cả những ai có lương tri. Dã man với người ngoài là vậy nhưng Luyện đã rưng rưng khi người đối diện nhắc tới bố mẹ, đến đứa em mà vì hắn đã phải bỏ học vì không chịu nổi áp lực.

Đỗ Đình Tài - kẻ dùng súng gây ra cái chết cho chị Liên, bị bắt sau 7 tháng lẩn trốn, là đối tượng có 3 tiền án về hành vi tàng trữ vũ khí trái phép, 1 tiền án về tội cướp giật tài sản, đã thật thà kể chuyện vợ con. Tài có rất nhiều vợ nhỏ, vợ lớn, nhưng người mà anh ta thương nhất là cô vợ không hôn thú đã có với anh ta một cô con gái sắp vào lớp một.

Quá trình trốn chạy từ Bắc vào Nam, rồi lại trốn sang Trung Quốc, dù phải chui lủi, trốn tránh, dù phải sống nhờ vào sự giúp đỡ của đám anh em, bạn bè “xã hội”, nhưng Tài vẫn cố gắng tìm cách kiếm tiền gửi về cho cô vợ này nuôi con. Sau khi gây án, Tài vào TP Hồ Chí Minh, một thời gian sau lại mò về Lạng Sơn, tìm đường sang Trung Quốc. Thời gian ở vùng biên, Tài thấy việc buôn bán ma túy dễ kiếm tiền nên anh ta đã móc nối với một số đối tượng để thiết lập một đường dây buôn ma túy từ biên giới vào nội địa.

“Chỉ vì cháu muốn có nhiều tiền để lo cho tương lai của vợ con nên cháu mới định chuyển nghề buôn ma túy” - Tài đã tâm sự với một điều tra viên như thế. Tài cũng không ngờ, sau 7 tháng, các chú Công an vẫn lần theo dấu vết của hắn để rồi hắn bị tóm gọn khi mò về Bắc Giang thiết lập đường dây buôn cái chết trắng này.

Giờ đây, những kẻ như Đồng Cao Cường, Đỗ Đình Tài đã thấm thía đến tận cùng cái giá phải trả của cái gọi là “nghĩa khí giang hồ”. Rất nhiều kẻ đã bám vào cái quan niệm sai lầm, mù quáng ấy để sống và chỉ thực sự ân hận khi vì cái “nghĩa khí” ấy mà dính vòng lao lý. Cường “hổ” không hề mâu thuẫn gì với chị Liên, Tài càng không có mâu thuẫn với nạn nhân. Chẳng qua anh ta cũng chỉ là chân “hóng hớt”, được đàn anh nhờ vả là sẵn sàng lên đường.

Giang hồ khi đã phải khóc vì ân hận, vì thương vợ thương con, hẳn là nước mắt không chỉ mặn chát mà còn đắng đót nữa.

Đinh Hiền/CAND

congly.com.vn