Về nhà thờ mà tổng thống Mỹ từng ghé thăm
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 21:15, 29/08/2022
Từ những ý tưởng ban đầu
Giáo xứ Cửa Bắc gồm khoảng hơn 300 giáo dân. Do nằm gần khu vực có nhiều người nước ngoài công tác và du lịch, nên có khá nhiều người nước ngoài tới đây dự lễ.
Công trình được xây dựng theo phong cách Á-Âu với thiết kế của Ernest Hébrard và ý tưởng của Cha Dronet. Cha Dronet đến Hà Nội vào ngày 16 tháng 7 năm 1884 cùng với 3 nhà truyền đạo khác. Cha cố Puginier đã chào đón những nhà truyền giáo mới này và vài ngày sau đó dẫn họ đến Kẻ Chợ (Hà Nội), trung tâm tôn giáo lúc đó để học tiếng Việt. Cha Dronet ban đầu gặp một số khó khăn, nhưng bằng nỗ lực dũng cảm và sự kiên trì của mình, Cha đã vượt qua mọi khó khăn trở ngại.
Trong năm 1886, Cha Puginier quyết định thành lập "Trường Acanthus" tại Hà Nội, ngôi trường Pháp-Việt đầu tiên và giao Cha Dronet. Năm 1889, cùng với Cha Cố Bản, Cha Dronet đã ấn hành cuốn “Manuel de conversation Franco-Tonkinois – Sách dẫn đàng nói truyện bằng tiếng Phalangsa và tiếng Annam” . Năm 1893, trường có hơn 200 học sinh vào năm 1893. Trong chín năm, Cha Dronet vừa làm giáo viên và hiệu trưởng của Trường, đồng thời giúp đỡ các Cha của Hà Nội theo khả năng của mình.
Năm 1895, Cha Dronet không phụ trách các lớp học nữa mà được giao phụ tá cho Cha Lecornu, chuyên chịu trách nhiệm về công giáo người Việt ở Nhà thờ Lớn Hà Nội. Cha Dronet đã kế nhiệm Cha Lecornu sau khi Cha Lecornu qua đời ngày 12 tháng 2 năm 1922 với tư cách là Cha xứ Nhà thờ Lớn.
Năm 1923, Cha bắt đầu tiến hành xây dựng ở phía Đông Bắc thành phố một nhà thời mới để tỏ lòng tôn kính nữ thánh tử vì đạo. Công trình được xây dựng ở phía Bắc Hoàng Thành, đối diện Cửa Bắc thành nên người dân quen gọi là Nhà thờ Cửa Bắc. Nhà thờ Cửa Bắc ban đầu có tên là Église des Martyrs (Giáo Đường kính Các Thánh Tử Đạo).
Ngay từ năm 1923, khi có dự định xây dựng nhà thờ này, Cha Dronet đã gửi Tổng Thanh tra công chính Đông Dương một thỉnh nguyện. Theo đó, Cha mong muốn nhà thờ do Kiến trúc sư Hébrard thiết kế và chi phí thiết kế do Phủ Toàn quyền chi trả toàn bộ vì đây là một công trình công ích liên quan đến mọi người dân, công trình tô điểm cho thành phố và làm vẻ vang cho kiến trúc Pháp.
Thư của kiến trúc sư Ernest Hébrard gửi Tổng Thanh tra Công chính ngày 21/11/1923 đề nghị xem xét nhất trí nguyện vọng của Cha Dronet là xây một Nhà thờ mới xứng tầm kiến trúc Pháp ở đại lộ Carnot (phố Phan Đình Phùng) trên mảnh đất do Phủ Toàn quyền nhượng. Kiến trúc sư đề nghị Cha Dronet sẽ đóng góp một phần nhỏ để bù cho chi phí thiết kế các bản vẽ từ 1 đến 1.5% chi phí xây dựng công trình. Tổng thanh tra yêu cầu mức độ đóng góp là 1% và Cha Dronet đã chấp nhận điều kiện này. Toàn quyền đã cho phép kiến trúc sư trưởng Hébrard cộng tác để xây dựng nhà thờ.
Ngày 4/12/1927, Cha cố Gendreau (cha Đông) đã làm lễ đặt viên đá đầu tiên và làm lễ khánh thành long trọng vào ngày 1/2/1931. Công trình hoàn thành theo thiết kế của kiến trúc sư Esnest Hébrard có sự phối hợp ý tưởng của cha xứ Dronet. Việc xây dựng nhà thờ này có sự hỗ trợ tài chính từ phía chính quyền. Đây là công trình có sự kết hợp các yếu tố Châu Á như hệ thống mái ngói và không gian xanh xung quanh và kiến trúc của nhà thờ công giáo tại Đông Dương.
Một số đặc điểm kiến trúc
Nhà thờ Cửa Bắc được xây dựng dưới thời Giám mục Pierre Marie Gendreau (Đông) cai quản Giáo Phận, cha Joseph-Antoine Dépaulis (Cố Hương) là linh mục chính xứ. Nhà thờ gồm một không gian lớn hình chữ nhật kéo dài với hai hàng cột song song, bao phủ bên ngoài bằng một lớp sơn màu vàng sẫm màu mới được trùng tu. Những người hoài cổ hẳn là sẽ tiếc nuối lớp tường cổ kính trước đây của nhà thờ.
Từ cổng phía đường Phan Đình Phùng nhìn vào, phía bên trái, sẽ thấy một bức tượng Đức mẹ Maria bồng Chúa hài đồng với tông màu trắng sữa. Phía dưới chân bệ tượng là những cây hoa nhỏ nhiều màu xen kẽ những chậu cảnh bé bé, xinh xinh. Phía bên phải là một hang đá được xây bằng những viên đá vôi xù xì, rêu phong. Khoảng sân rộng, sạch sẽ bao quanh nhà thờ.
Hệ thống mái ngói trông đã cổ kính được kéo suốt từ gác chuông qua mái vòm tới các không gian chính và phụ khiến cho ta thấy một cảnh quan quen thuộc như đã từng bắt gặp ở đâu đó trong những ngôi đình, ngôi chùa truyền thống ở các làng quê Việt Nam.
Hệ thống cửa sổ, cửa lấy ánh sáng và thông gió đều được xử lý che nắng và chống mưa hắt bằng mái Thái, ngoại trừ các cửa trang trí và lấy ánh sáng lớn được lắp kính màu với ô cửa hình tròn. Việc tận dụng tối đa hệ thống cây xanh cũng làm cảnh quan thêm gần gũi, thân thiện với thiên nhiên.
Phía cuối nhà thờ, hướng đường Nguyễn Biểu nhìn vào sẽ thấy một tháp chuông lệch sang phía bên phải. Khác với nhiều tháp chuông nhà thờ Công giáo khác, tháp chuông này lệch hẳn sang một bên và không quá cao so với vòm mái của nhà thờ. Có tượng 2 vị thánh 2 bên án ngữ. Lối vào phía mạn phải nhà thờ dưới gác chuông dẫn qua tượng thánh Antôn. Màu sơn vàng sẫm là tông màu chủ đạo phía ngoại thất nhà thờ, tạo cảm giác ấm áp, bình yên.
Bước vào bên trong, một không gian rộng và cao như mở toang ra trước mắt du khách. Nổi bật trên đỉnh gian cung thánh là dòng chữ lớn bằng tiếng La-tin “Regina Martyrum Ora Pro Nobis”, có nghĩa là “Nữ vương các thánh tử đạo - cầu cho chúng con”.
Vị trí trung tâm trên gian cung thánh là bức tượng nhỏ Đức mẹ Maria bế hài nhi Giêsu với bộ áo choàng màu xanh, nền trắng xung quanh.
Tượng Chúa chịu nạn, ảnh tượng các thánh được bài trí xung quanh. Hệ thống ghế ngồi, ghế quỳ trong nhà thờ với tông màu tối được sắp xếp ngay ngắn. Sau mỗi ghế ngồi, có cả sách lễ bằng tiếng Anh, tiếng Việt để tiện cho những người nước ngoài đến tham dự cho dễ hòa nhập.
Khu vực giáo xứ Cửa Bắc ngày nay cũng được cho rằng là một điểm dừng chân của linh mục Alexandre de Rhodes (một người có công góp phần hình thành nên chữ Quốc ngữ ngày nay) trong quá trình truyền giáo tại phía bắc Kinh thành Thăng Long thế kỷ XVII.