Nhà báo có thể bị xử phạt với những hành vi cản trở hoạt động tố tụng nào?
Chính trị - Ngày đăng : 16:50, 29/08/2022
Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng vừa được công bố sáng 29/8 và chính thức có hiệu lực từ 1/9 tới.
Một số điểm cần lưu ý
Về quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng khi không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự, dân sự, vụ án hành chính?
Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ khẳng định: Theo Luật Báo chí, nhà báo có quyền được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.
Nhà báo có quyền như vậy nhưng những người khác cũng có quyền mà quyền rất thiêng liêng đã được Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật ghi nhận đó là quyền của cá nhân đối với hình ảnh, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh…
Do vậy, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước có quy định hạn chế ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, để bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Ví dụ: Điều 59 Luật Tổ chức Tòa án Hàn Quốc quy định: “Không ai được quay phim, chụp ảnh, phát sóng, hoặc thực hiện các hành vi tương tự khác trong tòa án mà không được phép của thẩm phán chủ toạ”. Họ còn có Quy tắc dự thính va quay phim tại phiên tòa, Điều 4 Quy tắc này quy định: “Người muốn được chủ tọa phiên tòa cho phép theo Điều 59 của Luật Tổ chức Tòa án sẽ nộp đơn nêu rõ mục đích, loại hình, chủ đề, thời gian của việc quay phim/ chụp ảnh và tên của tổ chức mà người đó trực thuộc hoặc của họ, vào ngày trước của ngày xét xử”. “Chủ tọa chỉ có thể cho phép yêu cầu được đề cập ở trên khi có sự đồng ý của bị cáo (hoặc nguyên đơn, bị đơn)”. Trường hợp mà dù Bị cáo, hoặc nguyên đơn, bị đơn không đồng ý nhưng quay phim hay chụp ảnh được coi là hợp lý vì lợi ích công cộng thì chủ toạ có thể cho phép.
Điểm c khoản 4 Điều 23 Pháp lệnh quy định hành vi “ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự” là hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính. Đây là những hành vi vi phạm những nghĩa vụ đã được quy định tại các điều về nội quy phiên tòa trong các đạo luật tố tụng. Do vậy những hành vi này cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tại phiên tòa, phiên họp.
Nhà báo có thể bị phạt trong trường hợp nào?
Ghi âm là phương tiện tác nghiệp bình thường của nhà báo, việc ghi âm cũng không ảnh hưởng nhiều tới quyền riêng tư của Hội đồng xét xử, người tham gia phiên tòa; cũng không làm ảnh trật tự, chất lượng phiên tòa. Nhưng vì sao Phóng viên phải xin phép mới được ghi âm, và nếu không được sự đồng ý lại phạt tiền?
Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ cho hay, Pháp lệnh này không quy định các hành vi mới, mà chỉ quy định cụ thể hơn việc xử phạt, các hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt đối với những hành vi không được phép thực hiện, hành vi bị coi là cản trở hoạt động tố tụng đã được quy định trong các đạo luật tố tụng.
Điều 234 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 153 Luật Tố tụng hành chính về Nội quy phiên tòa đều quy định “Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp. Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ”.
Hiện nay, chưa có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể về quay phim, chụp ảnh tại phiên tòa. Trong đề xuất cải cách tư pháp xây dựng Nhà nước pháp quyền, Tòa án nhân dân tối cao cũng đã kiến nghị việc hoàn thiện cơ chế tố tụng tư pháp bảo vệ quyền con người, trong đó có nội dung đề nghị “Ban hành quy định pháp luật về quay phim, chụp ảnh tại phiên tòa” phiên họp, để quy phạm hóa hoạt động này, tạo thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền cũng như cơ quan, tổ chức có liên quan (cơ quan báo chí trong hoạt động nghiệp vụ của mình tại phiên tòa), vừa bảo đảm giữ trật tự, sự tôn nghiêm của phiên tòa, đồng thời bảo vệ quyền con người, quyền công dân của người tham gia tố tụng đặc biệt là bị cáo, đương sự, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cho biết.
Vấn đề được giới báo chí quan tâm là nhà báo có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng đối với những hành vi như thế nào?
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cho biết: Theo quy định của Pháp lệnh, thì Nhà báo tham dự phiên tòa để hoạt động nghiệp vụ báo chí có thể xử phạt khi có hành vi không thực hiện yêu cầu của Tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo khi tham dự phiên tòa (điểm i khoản 2 Điều 23). Ngoài ra, Nhà báo có thể bị xử phạt khi thực hiện những hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp, hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng, … Hành vi đăng, phát nội dung thông tin sai sự thật trên báo chí nhằm cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí.
Tổ chức một phiên tòa mục tiêu tối thượng là chúng ta hướng đến một bản án đúng pháp luật, công tâm, tâm phục khẩu phục, không phải một phiên tòa là dịp để truyền thông. Cho nên nhiệm vụ của Hội đồng xét xử là phải toàn tâm, toàn ý cho việc đưa ra phán quyết, đảm bảo một phán quyết công tâm, đúng nhất. Hội đồng xét xử khi đứng trước một nhiệm vụ rất lớn là phải đưa ra phán quyết liên quan đến sinh mệnh và quyền lợi của con người thì phải toàn tâm, toàn ý.
Do vậy, về mặt nguyên tắc, việc tự ý ghi âm, ghi hình phiên tòa, phiên họp là không được phép thực hiện. Quy định tại điểm c khoản 4 Điều 23 Pháp lệnh áp dụng cho bất cứ chủ thể nào, không chỉ là nhà báo.
Việc quy định như Pháp lệnh là phù hợp và hết sức cần thiết bởi tố tụng tư pháp tại Tòa án là quyết định những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền con người và việc ghi âm, ghi hình đặc biệt là phát trực tiếp trên không gian mạng dễ dẫn đến xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân, quyền con người, ảnh hưởng đến chất lượng phiên tòa. Do vậy, cần phải tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa.