“Vạ miệng” trên sóng livestream: Coi chừng bị phạt nặng
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 13:31, 28/08/2022
Trả giá đắt vì lợi dụng mạng xã hội
Mới đây nhất là vụ việc một nữ streamer "vạ miệng" trên sóng livestream khi cô này đã có những lời lẽ xúc phạm lãnh đạo cấp cao.
Cụ thể, trong buổi livestream trên nền tảng Facebook Gaming, khi có người hâm mộ bình luận khiếm nhã về những người hói, cô gái này đã lấy một lãnh đạo cấp cao ra làm ví dụ và có những lời nói không chuẩn mực.
Được biết, N.T.T.L là một người khá nổi tiếng trong giới streamer, có hàng trăm ngàn lượt theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội. Sau phát ngôn “vạ miệng”, rất nhiều bình luận đã lên án chỉ trích, hành động đi quá giới hạn của cô gái.
Mặc dù video này đã được gỡ khỏi trang hoạt động chính thức, nhưng những nội dung phát ngôn đã được nhiều người ghi lại, lan truyền trên mạng xã hội.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với các đơn vị chức năng truy tìm nữ streamer tên N.T.T.L vì có những phát ngôn đi quá giới hạn.
Ngoài A05, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng cho biết, đơn vị đang xác minh sự việc để xử lý theo quy định.
Trước đó, TAND huyện Trảng Bom đã xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Nhanh (21 tuổi, ngụ xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom) 1 năm tù về về tội “Làm nhục người khác”.
Được biết, nguyên nhân là do bức xúc với lãnh đạo UBND huyện trong việc giải quyết khiếu nại, Nhanh tạo tài khoản Facebook và livestream chửi bới, xúc phạm 2 cán bộ lãnh đạo huyện Trảng Bom.
Tại tỉnh Quảng Trị, ngày 7/4/2022, TAND tỉnh Quảng Trị đã tuyên án đối với các bị cáo trong vụ "nói xấu", "bôi nhọ" lãnh đạo tỉnh Quảng Trị.
Các bị cáo, gồm Lê Anh Dũng (56 tuổi; ngụ tại TP HCM; nghề nghiệp kinh doanh), Phan Bùi Bảo Thi (50 tuổi, ngụ tại TP Đà Nẵng; nghề nghiệp nguyên nhà báo) và Nguyễn Huy (44 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Trị; cán bộ Công an tỉnh Quảng Trị) bị truy tố về tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân" theo khoản 1, điều 331, Bộ Luật Hình sự.
Tại Cần Thơ cũng có trường hợp một Phó Bí thư chi bộ, Trưởng Phòng Quản lý tài nguyên - môi trường, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ bị cách chức bởi đã sử dụng mạng xã hội Zalo cá nhân gửi tin nhắn "nói xấu, xúc phạm lãnh đạo, cán bộ cơ quan gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng xấu đến cơ quan, tổ chức và uy tín cá nhân ông Nhơn".
Ngoài xử phạt hành chính, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng VPLS Chính Pháp, đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, thời gian qua rất nhiều trường hợp đã bị xử lý nghiêm khắc bằng những chế tài của pháp luật, trong đó có những chế tài hình sự. Tuy nhiên tình trạng vi phạm pháp luật trên không gian mạng không hề giảm mà còn có chiều hướng gia tăng.
“Do thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu văn hóa hoặc do ý thức coi thường pháp luật nên nhiều người đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là những hành vi đưa tin sai sự thật, thông tin giả mạo, sử dụng mạng xã hội làm công cụ để xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác, xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, ngoài xử lý hành chính có thể truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Cường nêu quan điểm.
Đối với vụ việc nữ streamer nói xấu, xúc phạm lãnh đạo cấp trên sóng livestream, theo luật sư Đặng Văn Cường, rõ ràng hành vi này là phạm pháp. Cô gái có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào diễn biến hành vi và hậu quả cụ thể.
LS.Cường nhấn mạnh: Theo Khoản 1, Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định các đảm bảo quyền của mỗi cá nhân về về danh dự, nhân phẩm, uy tín bao gồm: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
LS Cường cho biết thêm: Hành vi đưa thông tin sai sự thật xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác lên không gian mạng là hành vi bị cấm, vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng 2018.
Đối với vụ việc nữ streamer nêu trên, cơ quan chức năng sẽ làm rõ đặc điểm nhân thân, nghề nghiệp, các hoạt động của cô gái này trên mạng xã hội để xác định hoạt động của cô gái này có tác động như thế nào đối với xã hội, đặc biệt là những phát ngôn, những nội dung mà cô gái này thực hiện trên mạng xã hội.
Nếu hành vi này chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, hành vi chưa đến mức bị xử lý hình sự thì sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng theo quy định tại Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về Xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện.
Nếu hậu quả nặng hơn có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo Điều 156 BLHS; tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS; tội lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lễ hợp pháp của tổ chức cá nhân theo Điều 331 BLHS, hoặc tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 BLHS.