Việt Nam đóng góp tích cực trong đàm phán về đa dạng sinh học ngoài vùng tài phán quốc gia

Chuyển động - Ngày đăng : 11:15, 28/08/2022

Ngày 27/8 (theo giờ Việt Nam), Phiên đàm phán thứ 5 của Hội nghị liên chính phủ về xây dựng văn kiện pháp lý quốc tế trong khuôn khổ Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia đã kết thúc sau hai tuần làm việc khẩn trương.

Vòng đàm phán về hiệp ước bảo vệ sự đa dạng sinh học các vùng biển quốc tế diễn ra tại trụ sở của Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ) từ ngày 15/8. Đoàn đàm phán liên ngành của Việt Nam do Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc dẫn đầu tham gia phiên đàm phán.

da-dang-sinh-hoc-28822.jpg
Đoàn Việt Nam tham gia Phiên đàm phán thứ 5 của Hội nghị liên chính phủ về xây dựng văn kiện pháp lý quốc tế trong khuôn khổ Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam

Đại sứ đã có những đề xuất, đóng góp thực chất cho dự thảo văn kiện, góp phần tích cực vào tiến trình đàm phán về các vấn đề trực tiếp liên quan quyền và lợi ích biển của Việt Nam; đồng thời nhằm góp phần lên tiếng vì lợi ích chung của các nước đang phát triển và thúc đẩy các nội dung của dự thảo văn kiện phù hợp với quy định của luật biển quốc tế.

Văn kiện sẽ là cơ sở pháp lý để thúc đẩy các hoạt động bảo tồn và khai thác nguồn gen biển ngoài vùng tài phán quốc gia, đồng thời bảo đảm công bằng trong chia sẻ lợi ích từ việc khai thác và sử dụng bền vững nguồn gen biển phong phú tại vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia.

Trong bối cảnh còn tồn tại khoảng cách lớn trong khả năng tiếp cận, khai thác tài nguyên gen biển giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển, việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý toàn cầu về xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển, chia sẻ lợi ích có được từ khai thác nguồn gen biển là vô cùng cấp thiết.

Đàm phán phiên thứ năm đã đạt nhiều tiến triển lớn trên tất cả các nhóm vấn đề được thảo luận, gồm nguồn gen biển và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen biển, các biện pháp công cụ quản lý theo khu vực nhằm mục đích bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gen biển; đánh giá tác động môi trường trước khi tiến hành hoạt động tại khu vực ngoài vùng tài phán quốc gia; và xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ biển.

Khung cơ bản của dự thảo văn kiện đã hình thành. Các nước đang phát triển và phát triển đã có những nhượng bộ nhất định song chưa đạt đồng thuận trên một số vấn đề nên chưa thể thông qua dự thảo văn kiện. Tuy nhiên, các nước đều nhất trí cao về việc sớm thúc đẩy thương lượng để tiến tới nhất trí về văn kiện cuối cùng, một văn kiện sẽ có ý nghĩa quan trọng điều chỉnh hoạt động trên một phạm vi rộng lớn của các đại dương.

Chủ tịch kỳ họp Rena Lee cho biết mặc dù các nước thành viên Liên hợp quốc đã đạt những tiến bộ quan trọng, song các bên vẫn cần thêm thời gian đến tiến tới đích.

Theo bà Lee, Đại Hội đồng Liên hợp quốc sẽ ấn định thời điểm tiến hành vòng đàm phán tiếp theo trong thời gian sớm nhất có thể với kỳ vọng có thể kết thúc đàm phán xây dựng văn kiện về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia.

Đàm phán BBNJ chính thức bắt đầu từ tháng 4/2018, là một trong những tiến trình đàm phán quan trọng nhất hiện nay trong lĩnh vực biển và đại dương, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc đến năm 2030 về phát triển bền vững, đặc biệt là Mục tiêu phát triển bền vững số 14 (SDG 14) về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững.
Đây sẽ là văn kiện thứ 3 về thực thi UNCLOS bên cạnh Hiệp định về đàn cá di cư năm 1995 và Hiệp định thực thi Phần XI UNCLOS năm 1994. Đàm phán BBNJ cũng góp phần quan trọng trong củng cố hệ thống dựa trên Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS) trong quản trị các vùng biển và đại dương, đảm bảo sự phát triển bền vững cho tất cả các nước và thế hệ tương lai.

Bạch Dương