Apple có thể bị kiện vì cạnh tranh không lành mạnh với AirTag
Đời sống - Ngày đăng : 08:38, 28/08/2022
AirTag là thiết bị nhỏ có khả năng theo dõi vị trí được Apple bán ra đầu năm 2021. Sở hữu ưu điểm lớn với khả năng định vị chính xác, nhưng AirTag cũng không ít lần nhận chỉ trích vì bị kẻ xấu sử dụng để theo dõi, thu thập vị trí của người khác.
Thiết bị này sử dụng công nghệ băng thông ultra-wideband, kết hợp mạng Find My trên iPhone để định vị. Khi người dùng báo mất đồ vật, chỉ cần một thiết bị Apple đến gần AirTag, nó sẽ chuyển tiếp vị trí chính xác đến iPhone.
Điều này giúp AirTags đánh bại Tile vốn chỉ áp dụng công nghệ Bluetooth ở các sản phẩm đầu tiên. Đến cuối năm 2021, Apple mới cho phép các ứng dụng bên thứ 3 truy cập vào mạng Find My để theo dõi vị trí.
Tuy nhiên, Táo khuyết cũng cài thêm nhiều điều khoản yêu cầu các bên sử dụng phải cung cấp cho Apple quyền kiểm soát, đồng nghĩa với Tile phải từ bỏ hệ sinh thái phần mềm để ứng dụng công nghệ này.
Chính Apple cũng thừa nhận AirTag tích hợp một số tính năng bảo mật, tuy nhiên ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy thiết bị được sử dụng với mục đích xấu.
Do đó, Apple sắp phải đối diện với một vụ kiện chống độc quyền từ Bộ Tư pháp Mỹ với thiết bị theo dõi AirTags và một số phần cứng khác của hãng.
Politico dẫn nguồn tin cho biết thêm các luật sư của Bộ Tư pháp Mỹ đã bắt đầu soạn thảo đơn khiếu nại chống độc quyền với công ty này.
Nguồn tin cũng tiết lộ vụ kiện này có thể sẽ là bước đột phát mới và giải quyết ồn ào về việc Apple chèn ép đối thủ Tile trong phân khúc thiết bị định vị đồ vật.
Cụ thể, trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ năm 2020, Kristen Daru, cố vấn của Tile đã cáo buộc Apple thay đổi quyền truy cập vào thiết bị Tile của người dùng nhằm ngăn không cho hãng áp dụng công nghệ tương tự AirTags.
Các cơ quan pháp lý tại Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về những hoạt động quấy rối từ công cụ này. Táo khuyết tiết lộ sẽ phát triển tính năng chống theo dõi bằng AirTag, dự kiến ra mắt vào cuối năm 2022.
Bộ Tư pháp Mỹ bắt đầu điều tra nhà sản xuất iPhone từ năm 2019 như một phần trong cuộc điều tra chống độc quyền của Ủy ban Tư pháp Hạ viện nhắm vào nhóm Big Tech bao gồm Apple, Amazon, Facebook và Google.
Cho đến nay, cơ quan lập pháp nước Mỹ chủ yếu tập trung vào việc Apple kiểm soát quá chặt chẽ kho ứng dụng App Store và kênh thanh toán cho các nhà phát triển.