Du học nước ngoài nhìn từ trải nghiệm của Tiến sĩ Lê Quang Huy
Giáo dục - Ngày đăng : 20:44, 27/08/2022
Nhân dịp các trường học ở Việt Nam chuẩn bị vào năm học mới, Phóng viên đã có bài phỏng vấn TS. Lê Quang Huy – người từng có 12 năm học tập và làm việc ở nước ngoài, trong đó có 6 năm du học tại Anh quốc và 4 năm du học tại Nhật Bản. TS. Lê Quang Huy nhận bằng Tiến sĩ về công nghệ hóa học khi mới 27 tuổi.
PV: Chào TS. Lê Quang Huy! Anh có thể nói một chút về công việc hiện nay của mình được không?
TS. Lê Quang Huy: Xin chào bạn. Hiện tại mình đang làm việc tại Công ty Sika Vietnam, là Giám đốc các dự án trọng điểm toàn quốc của Công ty. Sika Vietnam là thành viên của Tập đoàn Sika Thuỵ Sĩ, hiện là tập đoàn lớn nhất thế giới về hoá chất xây dựng. Tại Việt Nam, Sika đã hoạt động hơn 30 năm với nhiều đóng góp trong các công trình xây dựng dân dụng cũng như giao thông trên cả nước.
PV: Được biết, anh đã có một thời gian dài đi du học ở nước ngoài. Anh có thể chia sẻ về quá trình học tập của mình được không?
TS. Lê Quang Huy: Hồi cấp 2 mình học chuyên Toán ở Trường Hà Nội - Amsterdam. Do có định hướng đi du học và cần chuẩn bị kỹ hơn về ngoại ngữ, nên khi lên cấp 3, mình đã thi đỗ và quyết định vào học khối chuyên Anh tại Trường THPT Chuyên ngoại ngữ thuộc Trường ĐH Ngoại ngữ- Đại học Quốc gia Hà Nội.
Mình bắt đầu đi du học vào cuối năm 2008 - khi tròn 16 tuổi. Khi đó mình vừa kết thúc học kỳ 1 của năm học lớp 11. Khi sang Anh, ban đầu mình học khóa A level (chương trình dự bị đại học- PV) tại một trường ở thành phố Cambridge. Sau khi kết thúc 5 học kỳ ở đây, mình được nhận vào học chương trình đại học và Thạc sỹ ngành công nghệ hóa học, tại Trường Đại học Imperial College (Đại học Hoàng gia London, là trường đại học thuộc TOP 5 trên thế giới- PV).
Sau khi hoàn thành chương trình Thạc sỹ tại Anh, mình sang Nhật Bản nhập học chương trình Tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Tokyo (Tokyo Institute of Technology- một trong những trường đại học tốt nhất về khoa học kỹ thuật tại Nhật Bản- PV) và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ngành công nghệ hóa học vào năm 2019. Từ 2019 đến 2021 mình làm Kỹ sư Dự án cho một công ty về hóa học của Đức tại Nhật Bản, là Công ty BASF JAPAN. Đây là công ty thuộc Tập đoàn BASF, Đức. Sau khi về nước vào tháng 7/2021, mình làm việc cho Công ty SIKA Thụy Sĩ cho tới nay.
PV: Anh có thể chia sẻ về lý do khiến anh quyết định đi du học tại cả Anh Quốc và Nhật Bản được không?
TS. Lê Quang Huy: Về lý do đi Anh thì đơn giản lắm. Từ nhỏ mình đã đam mê nền văn hoá của Anh Quốc qua bóng đá, qua âm nhạc (nhóm The Beatles) và qua những quyển tiểu thuyết như Sherlock Holmes và Harry Potter. Mặc dù mơ ước đi du học ở Anh sớm là vậy nhưng phải đến năm lớp 11 khi nhận được học bổng đi du học ở bậc Dự bị đại học thì ước mơ đó mới trở thành hiện thực. Mình cũng đam mê ngành Hoá, nên cũng may mắn khi được nhận vào Trường Đại học Imperial College London, là 1 một trong 3 trường tốt nhất trên thế giới về ngành công nghệ Hoá học, bên cạnh Cambridge University (UK) và MIT (Mỹ).
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Anh, mình có kế hoạch học lên cao hơn và cảm thấy muốn thay đổi môi trường, vì vậy mình đã apply chương trình học bổng của Chính phủ Nhật Bản (MEXT). Trải qua các vòng thi và phỏng vấn, mình đã được nhận học bổng của Chính phủ Nhật Bản cho chương trình Tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Tokyo (Tokodai/Tokyo Institute of Technology).
Bây giờ nhìn lại, mình thấy đó là một quyết định đúng đắn. Thời gian ở Nhật đã tôi luyện cho mình tính kỉ luật và sự nghiêm túc trong công việc tại một môi trường nghiên cứu thuộc dạng khắc nghiệt nhất thế giới. Bên cạnh đó, việc được học tập và làm việc ở cả Anh và Nhật cũng khiến mình dung hoà được 2 nền văn hoá Đông - Tây.
Bật mí một chút, mình sang Nhật học Tiến sĩ chắc một phần cũng vì mình “có duyên” với Nhật Bản, bởi gia đình mình có sự gắn bó thân thiết với nước Nhật. Mẹ mình là PGS. TS. ngành ngôn ngữ văn hoá Nhật Bản và có rất nhiều hoạt động với Nhật Bản, còn 5 anh em họ bên ngoại của mình đều đã hoặc đang du học tại Nhật. Khi còn rất nhỏ, mình cũng đã từng được sang Nhật 2 lần.
PV: Một trong những cản trở lớn nhất đối với các sinh viên khi đi du học nước ngoài là vấn đề ngôn ngữ. Với vấn đề này anh có gặp khó khăn gì không?
TS. Lê Quang Huy: Mình sử dụng tốt cả tiếng Anh và tiếng Nhật. Tiếng Anh thì mình đã học từ nhỏ, thậm chí khi đi du học, mình từng nhiều năm “tranh thủ” dạy luyện thi TOEFL và IELTS cho học sinh - sinh viên nước ngoài tại Anh và sinh viên Nhật tại Nhật.
Tiếng Nhật thì khi sang Nhật mình mới học một khoá tiếng Nhật khoảng 3 tháng trước khi làm nghiên cứu sinh. Khi bắt đầu học chương trình Tiến sĩ, tiếng Nhật của mình còn chưa tốt lắm, nhưng mình đã cố gắng duy trì vừa nghiên cứu vừa tự học thêm nên tiếng Nhật đã cải thiện được nhiều. Trước khi nhận bằng Tiến sĩ, mình đạt trình độ N2 tiếng Nhật là bậc 4 trong 5 bậc đánh giá tiếng Nhật. Sau này khi đi làm tại Nhật và sử dụng 100% tiếng Nhật ở công ty thì lúc đó tiếng Nhật của mình mới có cơ hội tốt hẳn lên.
Thực ra không có tiếng Nhật cũng có thể hoàn thành Luận án Tiến sĩ tại Nhật Bản vì mình làm Luận án bằng tiếng Anh, và không có tiếng Nhật vẫn có thể làm việc tốt. Nhưng khi đi du học và làm việc ở nước ngoài thì việc biết tiếng bản địa là lợi thế, nên mình cũng cố gắng tự động viên bản thân để học thêm. Quả thật là việc sử dụng tốt cả tiếng Anh và tiếng Nhật cũng mang lại cho mình nhiều cơ hội và thuận lợi trong cuộc sống cũng như công việc sau khi tốt nghiệp.
PV: Mọi người nói nhiều về những lợi ích khi đi du học. Vậy cá nhân anh thấy mình có được những gì từ việc đi du học?
TS. Lê Quang Huy: Về những cái được thì nhiều chứ! Khi đi du học, mình được học kiến thức, được tiếp xúc và tôi luyện bản thân trong môi trường học thuật, nghiên cứu tiên tiến. Bên cạnh đó, mình cũng được trải nghiệm nhiều nền văn hoá mới, có những mối quan hệ với những người bạn đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Ngoài ra, việc đi du học từ nhỏ cũng giúp cho mình sống tự lập và có kinh nghiệm xử lý nhiều tình huống khác nhau trong cuộc sống nữa.
PV: Những khó khăn, vất vả khi đi du học như thế nào, anh có thể chia sẻ với bạn đọc không ạ?
TS. Lê Quang Huy: Đi du học và sống một mình ở quốc gia khác cũng có nhiều thử thách. Bản thân mình xa gia đình từ khi tương đối nhỏ, phải tự giải quyết nhiều thứ từ học tập, làm việc đến sinh hoạt hằng ngày nên lúc đầu chưa quen và cảm thấy khá là khó. Mình tin là những bạn nào xa nhà từ nhỏ đều có chung suy nghĩ như vậy.
Đối với bản thân mình, mình còn trải qua những chuyện sốc. Ví dụ khi mình sang Anh được khoảng 1 năm (tức là lúc mình 17 tuổi), một người bạn thân nằm ngay cạnh phòng mình ở ký túc xá bị đột quỵ giữa đêm, chính mình là người phát hiện ra anh ấy và kịp gọi cấp cứu. Còn một người bạn thân khác thì không may mắn như vậy, và bạn ấy đã mất vì tai nạn giao thông khi bị xe bus đâm vào ở London (Anh). Những chuyện đó xảy ra khi mình còn nhỏ và không có gia đình ở bên, khiến mình bị tác động rất mạnh. Và điều đó cũng khiến mình cảm thấy trân trọng cuộc sống và gia đình hơn.
Sau này, khi đi làm Tiến sĩ, cũng có đợt mình làm trong phòng nghiên cứu đến 15-16 tiếng/ngày, có những đợt áp lực đến rụng cả tóc (cười). Ý mình muốn nói đến những áp lực trong học tập và nghiên cứu.
Bây giờ thì mình về nước được một năm rồi, nhưng lại trải qua một thử thách khác là làm quen với xã hội Việt Nam sau 1 thời gian rất dài sống xa nhà. Mình nghĩ đây cũng là một khó khăn chung đối với những người trở về nước sau một thời gian dài sinh sống và làm việc ở nước ngoài.
PV: Khi đi du học, việc học tập, nghiên cứu bận bịu như vậy, anh và các bạn có thời gian để tham gia các hoạt động thể thao, văn hóa, giải trí không?
TS. Lê Quang Huy: Có chứ! Các trường học ở Châu Âu và Nhật Bản đều có nhiều hoạt động văn hóa-thể thao. Mình thích bóng đá và đàn hát, nên khi ở Anh, mình cũng thường xuyên đá bóng với các đội và còn lập hẳn một nhóm nhạc sinh viên quốc tế. Khi sang Nhật, mình cũng vẫn chơi thể thao, thỉnh thoảng đi hát karaoke, đi du lịch với bạn bè. Tuy nhiên, ở Nhật thì mình ít thời gian hơn vì phải nghiên cứu nhiều và hay phải viết bài, đi báo cáo, thuyết trình tại các hội thảo chuyên ngành ở Nhật Bản và các nước khác.
PV: Anh thấy những kinh nghiệm/thành quả khi đi du học áp dụng như thế nào đối với công việc của anh?
TS. Lê Quang Huy: Về cơ bản, mình thấy việc được học tập và làm việc ở nước ngoài sẽ đem lại rất nhiều điều tốt đẹp cho sự phát triển của một cá nhân, thông qua những mặt sau:
Thứ nhất là về kiến thức chuyên môn. Cái này thì quá rõ rồi. Với việc đi du học tại những quốc gia phát triển và sau đó được làm việc tại những tập đoàn lớn trên thế giới, chúng ta có thể được tiếp cận và học hỏi những công nghệ và kiến thức mới nhất, nếu biết tận dụng cơ hội.
Thứ hai là về ngoại ngữ. Điều này cũng rất quan trọng khi Việt Nam ngày càng mở rộng cửa với các nhà đầu tư nước ngoài. Giỏi kiến thức chuyên môn là một chuyện, nhưng giỏi kiến thức chuyên môn kèm với ngoại ngữ sẽ mở ra vô vàn cánh cửa về sự nghiệp cho các bạn trẻ sau này.
Thứ ba là kĩ năng mềm trong ứng xử, giao tiếp với những nét văn hoá khác nhau. Mỗi quốc gia có một hệ quy chiếu về văn hoá và cách giao tiếp, ứng xử riêng. Những điều mình cho là đúng và đương nhiên ở Việt Nam, chưa chắc đã là đúng với thế giới. Ngược lại, những thứ rất bình thường ở phương Tây, có thể trở nên lố bịch khi đem về phương Đông. Thậm chí, ngay ở trong cùng một quốc gia thì văn hoá của từng tỉnh thành cũng khác nhau. Vì vậy, nếu thích nghi được với những môi trường khác nhau, học được cách tôn trọng những nền văn hoá khác nhau, thì điều đó sẽ giúp ích rất nhiều khi sau này làm việc trong một môi trường đông người, đặc biệt là môi trường quốc tế.
Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ, mình đã đi làm ở 2 công ty đa quốc gia, tại 2 đất nước khác nhau. Tại những công ty như vậy, mình thấy rõ sự khác biệt giữa nhiều nền văn hoá hoặc sự khó khăn bởi rào cản ngôn ngữ có thể cản trở công việc như thế nào! Thật may mắn là những trải nghiệm của mình sau nhiều năm sống ở nước ngoài đã giúp mình “mở khoá” nhiều tình huống khó.
PV: Anh có những chia sẻ gì với các bạn trẻ đang quan tâm đến việc đi du học không?
TS. Lê Quang Huy: Trong khoảng thời gian 1-2 năm trở lại đây, do đại dịch Covid-19, mình nhận thấy xu hướng đi du học và làm việc tại nước ngoài giảm mạnh. Suy cho cùng, học trong nước cũng tốt, ở nước ngoài cũng tốt. Việt Nam chúng ta cũng có nhiều trường đại học chất lượng với đội ngũ giáo viên giỏi. Tuy nhiên, nếu có cơ hội thì mình nghĩ các bạn trẻ nên đi du học dù chỉ là một khoảng thời gian ngắn, vì điều đó sẽ mở mang suy nghĩ và đem lại những giá trị vô hình vô cùng to lớn mà không thể đong đếm được bằng con số. Cũng cần xác định là khi đi du học thì ngoài việc học tập ở trường, việc tìm hiểu văn hóa, trải nghiệm cuộc sống cũng là rất cần thiết. Và một điều quan trọng nữa là các bạn trẻ khi đi du học và sống một mình ở nước ngoài, cần chuẩn bị tâm thế vững vàng, luôn sẵn sàng đối mặt với các khó khăn, thử thách, thậm chí là cả những biến cố của cuộc đời.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của anh.