Tin vắn thế giới ngày 27/8: Moderna kiện Pfizer/BioNTech vi phạm bằng sáng chế vaccine ngừa COVID-19

Chuyển động - Ngày đăng : 08:11, 27/08/2022

Moderna kiện Pfizer/BioNTech vi phạm bằng sáng chế vaccine ngừa COVID-19; Năm 2022 ghi nhận 1 triệu ca tử vong vì COVID-19; Lần đầu tiên Trung Quốc cử lục quân, hải quân, không quân cùng tập trận tại Nga… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Moderna kiện Pfizer/BioNTech vi phạm bằng sáng chế vaccine ngừa COVID-19

Công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ đang kiện Pfizer và đối tác BioNTech (Đức) của họ vi phạm bằng sáng chế trong quá trình phát triển vaccine ngừa COVID-19, cáo buộc các công ty này sao chép công nghệ mà Moderna đã phát triển từ nhiều năm trước khi đại dịch bùng phát.

Trong thông báo ngày 26/8, Moderna cho biết đã đệ đơn kiện Pfizer và BioNTech lên Tòa sơ thẩm liên bang ở bang Massachusetts (Mỹ) và Tòa án khu vực Dusseldorf (Đức). Theo Giám đốc điều hành Stephane Bancel, Moderna khởi kiện để bảo vệ quyền sở hữu công nghệ mRNA mà công ty này đã đầu tư hàng tỷ USD để phát triển và được cấp bằng sáng chế từ 10 năm trước khi xảy ra COVID-19.

moderna-1661527621-6838-1661527684.png
Một lọ vaccine Covid-19 của Moderna. Ảnh: Shutterstock

Indonesia sắp đưa vào sử dụng hai vaccine nội địa ngừa COVID-19

Ngày 26/8, người đứng đầu Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) - bà Penny Lukito cho biết nhiều khả năng 2 loại vaccine ngừa COVID-19 do nước này phát triển sẽ được cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) trong tháng 9 tới.

Phát biểu tại Hội thảo phát triển thuốc nội địa, bà Lukito nêu rõ 2 loại vaccine trên đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối và đã được Tổng thống Joko Widodo đặt tên là “Indovac” và “Inavec”.

WHO: Năm 2022 ghi nhận 1 triệu ca tử vong vì COVID-19

WHO ngày 25/8 công bố số liệu thống kê ghi nhận riêng trong năm 2022, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 1 triệu người, khẳng định đây là điều đáng tiếc khi mà các công cụ y tế đã được phát triển và đưa vào sử dụng để ngăn chặn nguy cơ tử vong do bệnh này.

Như vậy, kể từ khi virus gây bệnh COVID-19 lần đầu tiên được phát hiện tại Trung Quốc vào cuối năm 2019 đến nay, gần 6,45 triệu bệnh nhân COVID-19 đã tử vong trên toàn thế giới theo thống kê của WHO.

Anh: Cấp phép sử dụng vaccine phòng COVID-19 của Novavax cho thanh thiếu niên

Ngày 26/8, Cơ quan quản lý dược phẩm Anh (MHRA) đã cấp phép sử dụng vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Novavax cho nhóm từ 12-17 tuổi.

Giám đốc điều hành MHRA, Tiến sĩ June Raine, cho biết quyết định cấp phép sử dụng vaccine Nuvaxovid được MHRA đưa ra sau khi cơ quan trên đánh giá độ an toàn, chất lượng và hiệu quả của vaccine với độ tuổi từ 12-17 và dựa trên các ý kiến chuyên gia của cơ quan cố vấn độc lập của chính phủ. Ngoài ra, các loại vaccine mRNA của Moderna và Pfizer/BioNTech cũng đã được MHRA cấp phép sử dụng ở nhóm tuổi trên.

Mỹ: Giới chuyên gia nhận định dịch đậu mùa khỉ có thể đã đạt đỉnh

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 25/8 cho biết số ca mắc đậu mùa khỉ trên toàn cầu đã giảm 21% vào tuần trước, sau nhiều tháng ghi nhận xu hướng gia tăng, song số ca mắc ở Mỹ vẫn tiếp tục tăng cao.

Tuy nhiên, một số chuyên gia Mỹ cho rằng số ca mắc mới đang bắt đầu giảm do nhiều người đã có miễn dịch từ lần mắc trước đó và nâng cao ý thức phòng dịch.Các chuyên gia Mỹ lạc quan một cách thận trọng rằng dịch đậu mùa khỉ có thể đã đạt đỉnh ở những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Lần đầu tiên Trung Quốc cử lục quân, hải quân, không quân cùng tập trận tại Nga

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã cử ba lực lượng mặt đất, không quân và hải quân cùng tham gia chương trình tập trận Vostok-2022 sắp tới tại Nga. Các nhà quan sát cho biết đây là lần đầu tiên PLA cử cả 3 lực lượng tham gia một cuộc tập trận của Nga.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 25/8, Thượng tá Tan Kefei, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết dựa trên kế hoạch hợp tác quân sự Trung Quốc - Nga hàng năm và sự nhất trí của hai bên, PLA đã điều động một số binh sĩ đến Nga để tham gia cuộc tập trận Vostok-2022.

trungquoc-tap-tran-nga-vostok.jpg
Đội Trung Quốc tham gia cuộc thi xe tăng tại Army Games 2022. Ảnh: Reuters

Hàn Quốc xây nhà máy điện hạt nhân tại Ai Cập

Hàn Quốc ngày 25/8 thông báo đã đạt thỏa thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ai Cập. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc đạt thỏa thuận xây nhà máy điện hạt nhân ở nước ngoài trong 13 năm qua.

Theo thỏa thuận trị giá 3.000 tỷ won (2,25 tỷ USD), 1 công ty Hàn Quốc sẽ cung cấp thiết bị, trong khi 1 công ty của Nga sẽ xây các lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Ai Cập ở thành phố El Dabaa, miền Bắc nước này.

Nauy từ chối giảm giá khí đốt cho các nước châu Âu

Bộ Dầu khí Nauy sẽ không ép buộc các công ty nước này bán năng lượng theo hợp đồng giá cố định.

Nauy sẽ không yêu cầu các công ty năng lượng mở bán hợp đồng khí đốt giá cố định dài hạn để giảm bớt chi phí tăng cao cho các khách hàng châu Âu. Theo Reuters, đây là tuyên bố do Bộ trưởng Dầu khí Nauy Terje Aasland vừa đưa ra.

Hungary cho phép mở rộng nhà máy điện hạt nhân Paks

Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto cho biết dự án mở rộng đòi hỏi Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Rosatom của Nga phải xây mới 2 lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy Paks, cơ sở hạt nhân nằm cách thủ đô Budapest khoảng 120km về phía Đông.

Các chuyên gia Hungary và quốc tế đã kiểm tra dự án trong suốt 2 năm qua và quyết định cấp phép sẽ tạo điều kiện cho dự án nhà nước nói trên có thể chuyển từ trạng thái “chuẩn bị” sang trạng thái “xây dựng trên thực tế”.

Tập đoàn JERA của Nhật Bản ký hợp đồng mua LNG từ dự án Sakhalin-2

Ngày 26/8, người phát ngôn của JERA thông báo tập đoàn điện lực lớn nhất của Nhật Bản này đã ký hợp đồng với công ty điều hành dự án năng lượng Sakhalin-2 tại Nga nhằm duy trì việc cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong dài hạn.

Theo người phát ngôn của JERA, các điều kiện chính bao gồm khối lượng, giá cả và loại tiền thanh toán vẫn giống như hợp đồng trước. Các doanh nghiệp khác của Nhật Bản vẫn đang xem xét có tiếp tục mua LNG từ dự án này hay không.

Ba Lan, Slovakia khánh thành hệ thống đường ống dẫn khí đốt mới

Ba Lan và Slovakia ngày 26/8 đã tổ chức lễ khánh thành hệ thống đường ống dẫn khí đốt mới nối hai quốc gia trước sự chứng kiến của thủ tướng chính phủ hai bên.

Việc xây dựng hệ thống đường ống mới nói trên, với tổng chiều dài 164km và do Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ tài chính, được khởi công từ năm 2018 và ban đầu được dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2021.

Maroc triệu hồi Đại sứ tại Tunisia để phản đối vấn đề Tây Sahara

Ngày 26/8, Maroc đã triệu hồi Đại sứ của nước này tại Tunisia liên quan đến vấn đề Tây Sahara.

Lệnh triệu hồi được đưa ra sau khi Tổng thống Tunisia Kais Saied tiếp người đứng đầu phong trào Mặt trận Polisario, lực lượng đang đấu tranh đòi độc lập cho Tây Sahara, khu vực mà Maroc coi là lãnh thổ của mình.

Hàn Quốc phát triển máy bay không người lái tàng hình hỗ trợ tác chiến trên không

Phi đội máy bay không người lái tàng hình sẽ hạn chế rủi ro cho các phi công của Hàn Quốc cũng như giúp Seoul giành được ưu thế trong không phận của Triều Tiên.

Là một phần trong nỗ lực tăng cường khả năng quốc phòng của Hàn Quốc, Cơ quan Phát triển Quốc phòng (ADD) nước này đã chọn hãng hàng không Korean Air làm nhà thầu xây dựng phi đội máy bay không người lái (UAV) tàng hình cho lực lượng không quân.

2608-hanquoc.jpeg
Ứng viên sáng giá trở thành bạn đồng hành tác chiến với UAV tàng hình mới của Hàn Quốc có thể là KF-21 Boramae. Ảnh: Ngành Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc

Australia bắt giữ lượng ma túy lớn nhất trong lịch sử nước này

Cảnh sát bang New South Wales (NSW) của Australia đã thực hiện vụ bắt giữ ma túy lớn nhất đến nay với hơn 1.800 kg ma túy đá.

Chuyến ma túy đầu tiên đến cảng Botany ở Sydney trong một container từ Canada vào tháng 7. Cảnh sát ban đầu phát hiện 748 kg ma túy giấu trong một lô đá cẩm thạch. Ngày 26/8, cảnh sát thông báo bắt giữ thêm 1.060 kg ma túy được giấu theo cách tương tự.

Ấn Độ phá hủy 2 tòa nhà chọc trời xây trái phép

Hai tòa nhà chọc trời được xây dựng trái phép gần thủ đô New Delhi sẽ bị phá hủy vào cuối tuần này, trong bối cảnh nhà chức trách Ấn Độ mạnh tay ngăn chặn những nhà thầu xây dựng phớt lờ các quy định và lừa đảo người mua nhà.

Theo kế hoạch, 2 tòa nhà cao 100m ở ngoại ô thủ đô New Delhi sẽ bị phá hủy bằng một vụ nổ có kiểm soát.

Các công trình này được xây dựng bất hợp pháp với sự thông đồng của chính quyền địa phương. Ảnh: straitstimes.com

Pakistan ban bố tình trạng khẩn cấp do lũ lụt

Mưa lớn trút xuống nhiều khu vực của Pakistan ngày 26/8 trong bối cảnh chính phủ nước này ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó với lũ lụt đang ảnh hưởng đến hơn 4 triệu người.

Cùng ngày, Thủ tướng Pakistan Shahbaz Sharif đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ chống chọi với những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do lũ lụt gây ra ở quốc gia nghèo khó này.

Bạch Dương