Nhiều hoạt động nhân kỷ niệm Việt Nam - Lào, hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 09:12, 26/08/2022
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đánh giá đây là sự kiện chính trị, văn hóa rất có ý nghĩa, dấu mốc quan trọng, mở ra giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai tỉnh. Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, núi sông liền một dải, cùng uống chung dòng nước Mê-công, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ; nhân dân hai nước vốn tương đồng về văn hóa, giàu lòng nhân ái, bang giao hữu nghị, đã xây dựng mối quan hệ đoàn kết, thuỷ chung, trong sáng gắn bó lâu đời được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử. Mối quan hệ truyền thống tốt đẹp đó, ngày càng được mở rộng, phát triển, tỏa sáng mạnh mẽ và đạt tầm cao thời đại kể từ khi có Đảng Cộng sản Đông Dương và sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lãnh đạo.
Cùng cháy bỏng khát vọng độc lập, tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-Vi-Hản và Chủ tịch Xu-pha-nu-vông, cùng các nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối của hai Đảng, hai nước đã chung tay gây dựng, gìn giữ và dày công vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết gắn bó chặt chẽ và liên minh chiến đấu của cách mạng hai nước, như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từng khẳng định "Việt Lào hai nước chúng ta, Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long"; Chủ tịch Xu-pha-nu-vông so sánh "cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát hương thơm hơn bất cứ đoá hoa nào thơm nhất"; Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-Vi-Hản khắc họa "Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông".
Cách đây 60 năm, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1962 về Lào được ký kết, Việt Nam và Lào đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 05/9/1962. Đây là sự kiện trọng đại, mở ra thời kỳ phát triển mới trong quan hệ hai nước, khẳng định sự gắn bó vận mệnh của hai dân tộc trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong những năm tháng gian khó, gian khổ, nhưng đầy vinh quang, Quân đội và Nhân dân Việt Nam – Quân đội và Nhân Dân cách mạng Lào đã dành cho nhau sự chia sẻ sâu sắc và to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần, hai nửa Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây đã trở thành hình ảnh sinh động của mối quan hệ keo sơn “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”.
Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đã cử hàng vạn cán bộ, chiến sĩ sang phối hợp, giúp đỡ, sát cánh chiến đấu cùng Quân đội và Nhân dân Lào. Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào cũng đã hết lòng cưu mang, thương yêu bộ đội Việt Nam; tích cực hỗ trợ Việt Nam xây dựng “Đường Hồ Chí Minh”, trở thành sức mạnh vô song buộc “Trường Sơn xẻ dọc, cây xanh mở lối, núi ngả cúi đầu”..., góp phần đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc của hai đất nước đi đến thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975. Quan hệ Việt Nam - Lào bước sang trang sử mới, từ liên minh chiến đấu một chiến hào sang hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia có độc lập, chủ quyền. Ngay từ những ngày đầu, hai Đảng, hai Nhà nước đã hỗ trợ nhau, từng bước khôi phục kinh tế sau chiến tranh, đồng thời hình thành và phát triển mối quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.
Xuất phát từ nhu cầu hợp tác sâu rộng và cấp thiết giữa hai nước trong tình hình mới, ngày 18/7/1977, hai nước đã ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác. Trong suốt 45 năm qua, Hiệp ước đã trở thành cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý quan trọng, đưa quan hệ Việt Nam - Lào phát triển toàn diện, đóng góp vào quá trình đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước. Đặc biệt, từ tháng 02/2019, quan hệ chính trị “hữu nghị truyền thống” giữa hai nước đã được nâng tầm thành “quan hệ hữu nghị vĩ đại”, khẳng định mối quan hệ quốc tế mẫu mực, vô cùng trong sáng, hết mực thuỷ chung, hiếm có trên thế giới.
Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất hơn. Các hoạt động trao đổi, học tập kinh nghiệm, tổ chức hội đàm, ký kết thỏa thuận hợp tác được duy trì thường xuyên; quan hệ hợp tác kinh tế tiếp tục có bước phát triển, kim ngạch thương mại hai chiều Thanh Hóa - Hủa Phăn liên tục tăng trưởng. Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 đạt gần 74 triệu USD, tăng 18% so với giai đoạn 2011-2015; năm 2021 đạt 28,72 triệu USD, tăng gấp 2,6 lần so với năm 2016; 6 tháng đầu năm 2022 đạt gần 16 triệu USD. Tỉnh Thanh Hóa đã viện trợ cho tỉnh Hủa Phăn nhiều nguồn lực để đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng, thực hiện một số dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Thanh Hóa đã hỗ trợ Hủa Phăn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực về các lĩnh vực: Kinh tế, tài chính, sư phạm, nông nghiệp, y tế, ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, lý luận chính trị - hành chính… Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận 723 lưu học sinh tỉnh Hủa Phăn, tăng 105% so với giai đoạn trước, trong đó có 339 lưu học sinh trong diện được hỗ trợ kinh phí, cao gấp 2,1 lần so với giai đoạn trước. Công tác quản lý biên giới, phối hợp tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc được duy trì thường xuyên; 5 năm qua, với sự giúp đỡ của các lực lượng chức năng và Nhân dân tỉnh Hủa Phăn, Thanh Hóa đã đón được hơn 120 liệt sĩ về với đất mẹ.
Trong chặng đường phát triển sắp tới, để tăng cường hợp tác, đưa quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn lên tầm cao mới, tỉnh Thanh Hóa luôn mong muốn tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với tỉnh Hủa Phăn trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực hai bên có thế mạnh, xây dựng khu vực biên giới Thanh Hóa - Hủa Phăn hòa bình, ổn định và phát triển.
Trước đó, tối 24/8 tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức Lễ khai mạc triển lãm với chủ đề “Thắm tình hữu nghị Việt - Lào, Thanh Hóa - Hủa Phăn” và chương trình truyền hình trực tiếp giao lưu Việt Nam - Lào, Thanh Hóa – Hủa Phăn: Đoàn kết, hữu nghị, hướng tới tương lai.
Hơn 200 bức ảnh và hơn 500 ấn phẩm được trưng bày tại triển lãm “Thắm tình hữu nghị Việt Nam – Lào, Thanh Hóa – Hủa Phăn” chính là sự tái hiện sinh động về mối quan hệ mẫu mực, vô cùng trong sáng, hết mực thủy chung giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Lào mà điển hình là mối quan hệ giữa Thanh Hóa – Hủa Phăn. Thông qua triển lãm sẽ giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về quá trình hình thành và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào, Thanh Hóa – Hủa Phăn trong suốt chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước ngày nay. Qua đó khẳng định, dù “núi có thể mòn, sông có thể cạn”, song tình nghĩa Việt - Lào sẽ “mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”.