Luật sư đề nghị trả hồ sơ, điều tra bổ sung vụ thâu tóm "đất vàng"
Pháp đình - Ngày đăng : 20:42, 22/08/2022
Theo đó, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đại Dương, luật sư Đinh Anh Tuấn đưa ra quan điểm cho rằng, việc quy kết ông Nguyễn Văn Minh (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty SX-XNK Bình Dương) cấu kết với con rể Nguyễn Đại Dương ký hợp đồng liên doanh với động cơ vụ lợi là thiếu căn cứ và hàm oan cho các bị cáo.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng, Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương đang phải vay vốn để trả tiền đền bù GPMB, qua việc liên doanh với Công ty Âu Lạc, Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương chưa cần bỏ tiền vốn, bỏ công sức để thực hiện dự án 43ha nhưng đã có thể thu về đủ số tiền đã đầu tư và có lãi lớn.
Luật sư cho rằng, việc Tỉnh ủy Bình Dương phê duyệt chi tiết phương án sử dụng đất của Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương tại Công văn số 407-CV/TU ngày 29/7/2016 là chưa phù hợp với chủ trương ban đầu, buộc các doanh nghiệp phải đi đường vòng.
Theo Công văn 407, khu đất 43ha và 30% vốn góp của Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương tại Công ty Tân Phú sẽ được chuyển về cho Công ty Impco quản lý.
Nếu làm đúng thế, Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương sẽ phải chuyển giao khu đất 43ha cho Công ty Impco, sau đó Impco lại phải chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú.
Cơ quan điều tra và Cơ quan công tố cho rằng, làm như vậy là trái với Công văn 407. Tuy nhiên, tại phiên tòa, chính bị cáo Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương) cho rằng, việc chuyển các khu đất về cho Công ty Impco quản lý không đồng nghĩa với việc các khu đất này không được phép chuyển nhượng.
Trên thực tế, sau khi tiếp quản, Công ty Impco vẫn tiếp tục chuyển nhượng một số khu đất để thực hiện các dự án khác.
Theo quan điểm bào chữa của luật sư, ở phần luận tội, đại diện VKS cho rằng, trong cuộc họp HĐTV Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương để thống nhất chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú, các thành viên của HĐTV đã “nể nang” nên quyết theo ý chí của ông Nguyễn Văn Minh, mà ý chí của ông Minh là do có bị cáo Nguyễn Đại Dương đồng mưu góp sức, luật sư Tuấn nói: “Tôi cho rằng nhận định như vậy là thiếu căn cứ, nặng về suy đoán theo hướng có tội”.
Cho rằng tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ chưa đủ căn cứ để xác định bị cáo Nguyễn Đại Dương có hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí, luật sư Đinh Anh Tuấn đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Dương không phạm tội, trả tự do và khôi phục các quyền công dân cho bị cáo.
Đồng bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đại Dương, luật sư Lưu Văn Tám dành thời gian để chứng minh bị cáo Dương không hề góp vốn vào Công ty Âu Lạc như cáo buộc.
Theo luật sư, ông Dương Đình Tâm đứng tên cổ phần ở Âu Lạc thay cho người tên Quân chứ không phải đứng tên cổ phần thay bị cáo Nguyễn Đại Dương như cáo buộc và lời khai của ông Tâm tại tòa.
Bởi, trong toàn bộ các sao kê tiền rót vào Âu Lạc, không có khoản tiền nào của ông Dương, chỉ có bằng chứng chuyển tiền của ông Quân.
Vẫn theo quan điểm bào chữa của luật sư, năm 2016, ông Huỳnh Trung Nam (một trong những người góp vốn ở Âu Lạc) có lời khai, ông Quân là người tham gia góp vốn. Và vào thời điểm năm 2011, khi ông Tâm còn đang ở trong tù, ông từng khai đứng tên góp vốn thay ông Quân.
“Mấu chốt ở đây, ai là người góp vốn, chúng ta phải đánh giá chứng cứ trên cơ sở tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp. Lời khai của ông Tâm tại tòa không đảm bảo tính khách quan, không phù hợp với chứng cứ, các lời khai khác và không phù hợp với chính lời khai của ông Tâm trước đó”, luật sư Lưu Văn Tám trình bày phần bào chữa.
Kết thúc phần bào chữa, luật sư Lưu Văn Tám đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ thâu tóm "đất vàng" tại Bình Dương vì cho rằng, cần có nhiều thời gian để đánh giá lại chứng cứ của vụ án, để đảm bảo không hình sự hóa quan hệ kinh tế dân sự.
Cùng trong phần tranh luận trước đó, luật sư của nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương Phạm Văn Cành cho biết, thân chủ của mình vừa trải qua đợt điều trị loại bỏ khối u tại não và đang được điều trị tích cực.
Theo cáo buộc, quá trình cổ phần hóa Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương, với chức trách, nhiệm vụ được giao, ông Cành cùng các bị cáo Trần Văn Nam (Bí thư Tỉnh uỷ), Trần Thanh Liêm (Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương), là những người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc thống nhất chủ trương, quyết định và chỉ đạo Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương chuyển giao khu đất 43ha và 30% vốn góp của Tổng Công ty về cho Công ty Impco.
Tuy nhiên, tại cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy ngày 17/4/2017, khi biết Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương đã chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú trái với chủ trương, quyết định của Tỉnh ủy và trái với quy định pháp luật nhưng ông Cành không yêu cầu hủy bỏ hợp đồng để thực hiện theo đúng quyết định của chủ sở hữu.
Cáo buộc cho rằng, bị cáo Cành đã đồng ý theo ý kiến của bị cáo Trần Văn Nam cho Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương tiếp tục được chuyển nhượng 30% vốn góp tại liên doanh (Công ty Tân Phú) cho Công ty Âu Lạc.
Điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước thoát ly toàn bộ quyền quản lý tài sản tại Dự án khu đô thị - thương mại - dịch vụ Tân Phú trên khu đất 43ha, tạo điều kiện cho bị cáo Nguyễn Văn Minh (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty SX-XNK Bình Dương) và đồng phạm hoàn thành việc chuyển nhượng toàn bộ tài sản của Nhà nước sang Công ty tư nhân trái pháp luật.
Hành vi của bị cáo Phạm Văn Cành bị coi là liên đới cùng ông Trần Văn Nam, Nguyễn Văn Minh và các đồng phạm khác gây thất thoát cho Nhà nước hơn 984 tỷ đồng.
Bào chữa cho bị cáo Cành, luật sư cho rằng thân chủ của mình luôn thừa nhận hành vi sai phạm. Tại thời điểm xảy ra sai phạm, Thường trực Tỉnh ủy có làm mọi biện pháp cũng không ngăn chặn được việc xảy ra.
Bởi, để giải quyết vấn đề cần có sự hợp tác của các bên, cần phải giải quyết bởi cả vụ án.
“Các bị cáo vì uy tín của Tỉnh ủy mà dẫn đến hành vi sai phạm của các bị cáo ngày hôm nay”, lời bào chữa của luật sư.
Theo quan điểm bào chữa của luật sư, cáo buộc hành vi phạm tội của ông Cành liên quan đến thiệt hại hơn 900 tỷ đồng là chưa xác đáng, vì tại thời điểm thiệt hại phải được tính tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội.
Luật sư của bị cáo Cành cũng đưa ra các tình tiết giảm nhẹ mà theo luật sư có thể áp dụng đối với bị cáo, trong đó nhấn mạnh việc cựu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương vừa trải qua đợt điều trị loại bỏ khối u tại não.
Luật sư cũng đề nghị HĐXX cho bị cáo Phạm Văn Cành được áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt, cho bị cáo được miễn hình phạt, bởi ông Cành phạm tội lần đầu và có vai trò không đáng kể.
Tại phiên toà xét xử sơ thẩm này, bị cáo Phạm Văn Cành (nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương) đang phải điều trị tích cực, xin xét xử vắng mặt, bị cáo này bị đại diện VKS đề nghị 4-5 năm tù vì tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.