Bản quyền điện ảnh đang bị xâm phạm trên TikTok

Âm nhạc - Phim - Ngày đăng : 11:07, 22/08/2022

Các nhà sản xuất, chuyên gia về điện ảnh đang có cùng nhận định là bản quyền điện ảnh đang bị xâm phạm nghiêm trọng trên TikTok với video gắn mác "review phim". Xu hướng này đang gây những tác hại nghiêm trọng tới sự trải nghiệm của khán giả cũng như vi phạm về bản quyền của các tác phẩm đó.

Những năm trở lại đây, trào lưu xem phim 3-5 phút nở rộ trên mạng xã hội toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Chỉ cần dành ra vài phút để xem một đoạn video ngắn là khán giả đã có thể vừa nắm được toàn bộ nội dung, vừa thưởng thức được những phân cảnh đặc sắc nhất của một bộ phim điện ảnh đình đám.

Đây là hình thức giải trí mới được đăng tải phổ biến trên các trang mạng xã hội như: Youtube, Facebook, Tiktok… và được nhiều khán giả yêu thích.

ri.jpg
Giới làm phim cho rằng đạo diễn, nhà sản xuất là những người chịu thiệt hại đầu tiên vì vấn nạn review phim trên mạng xã hội.

“Review phim” là nêu lên cảm nhận, đánh giá chủ quan về bộ phim đã xem. Đây là hành vi bình thường trong cuộc sống và được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, hiện nay bản chất của các video review phim ở Việt Nam lại “biến tướng” trở thành tóm tắt nội dung phim, kèm theo các cảnh được cắt ra từ bộ phim.

Trong các video review phim, những người sáng tạo nội dung thường thuật lại chính bộ phim hay còn gọi là tóm tắt lại toàn bộ nội dung để người xem dễ dàng nắm bắt.

Đồng thời, lồng ghép vào một số đánh giá mang tính chủ quan của người đó, đôi lúc là ý kiến khen, chê, chỉ trích về cốt truyện, nội dung, hiệu ứng hình ảnh... của bộ phim.

Những kiểu clip tưởng chừng như là “vô thưởng vô phạt” này đang ảnh hưởng đến vấn đề bản quyền phim, đến những người làm review chân chính hoặc cái hại dễ dàng nhìn thấy trước mắt là có thể đem đến cho khán giả một cái nhìn sai lệch về phim,...

Thế nhưng, kỳ lạ thay những trang review vẫn liên tiếp được lập ra, sản xuất hàng chục clip mỗi ngày. Như một thói quen, chỉ cần bỏ ra 5-10 phút mỗi ngày mà chẳng mất một đồng phí nào bạn có thể trở thành “thần thông thái” đủ loại phim, đúng chất một mọt phim “xanh chín”.

Đây là mặt tích cực hiếm hoi hướng tới một bộ phận khán giả xem để cho biết, để giải trí tạm thời chứ không quá quan tâm đến trải nghiệm điện ảnh. 

review-phim-the-power-of-the-dog-3-16443337296491693620699.jpg
Tràn lan các video review phim vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ.

Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng có quan điểm: “Những clip này thực sự không tốt. Đây không phải là review mà chính xác là recap (tóm tắt bộ phim). Bên nước ngoài họ cũng làm kiểu clip thế này rất nhiều, nhưng họ rất hiểu nội dung phim nên họ làm rất kỹ và họ nói từ đầu là clip có spoil (cảnh báo sẽ tiết lộ những nội dung phim quan trọng), nhằm tạo ý thức cho khán giả về chuyện chúng tôi tiết lộ nội dung phim còn người xem thì phải chịu trách nhiệm về chuyện biết trước nội dung.

Còn ở Việt Nam lại làm rất “bừa”, từ giọng đọc voice, cách cắt ghép,... nó rất nghiệp dư. Bản thân việc tóm tắt này còn để cho khán giả có cái nhìn sai về phim.

Có những phim rất dở nhưng qua cách tóm tắt lại trở nên thú vị hấp dẫn, ngược lại, có những bộ phim rất hay thì qua những kiểu tóm tắt này lại làm mất hết những cái hay mà phim vốn có, đem lại cảm giác nhạt nhẽo và khiến khán giả không muốn xem.”

Có thể nói, dù ít hay nhiều, các video review phim đều tác động đến doanh thu của bộ phim. Bởi lẽ, nếu video có ý kiến chê bai, được khuyên không đáng xem thì sẽ để lại ấn tượng không tốt trong lòng khán giả và có thể vì đó mà khán giả sẽ không lựa chọn xem bộ phim đó nữa.

Ngược lại, dù video có khen hết lời, đánh giá rất tốt về bộ phim đi nữa thì cũng sẽ làm giảm lượng khán giả, vì khi đó, người xem đã biết trước được toàn bộ nội dung và diễn biến của bộ phim.

Nhiều khả năng người xem sẽ nghĩ rằng: “Mình đã biết được tất cả nội dung phim rồi, cần gì phải tốn thời gian, tiền bạc để xem nữa”. Thế nên, dù có được đánh giá như thế nào, nội dung truyền đạt lại có chuẩn xác hay không thì đều ảnh hưởng tiêu cực đến bộ phim.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xem những video tóm tắt phim trên TikTok khiến cho khán giả mất đi trải nghiệm điện ảnh tuyệt vời mà họ xứng đáng được nhận khi xem tại rạp, hoặc thông qua các nền tảng phim trực tuyến có tính phí.

Số lượng khách hàng bỏ tiền mua vé ra rạp sẽ sụt giảm sau khi theo dõi các video recap phim 5 phút, 10 phút hay 15 phút.

Tùy thuộc vào mức độ vi phạm, nhà sáng tạo nội dung của các video review phim có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định pháp luật.

phim6.jpg
Tùy thuộc vào mức độ vi phạm, nhà sáng tạo nội dung của các video review phim có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, nếu nhà sản xuất phim chứng minh được thiệt hại thực tế về doanh thu do video review phim gây ra đối với bộ phim của họ thì những người tạo ra video review về bộ phim đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Giới làm phim cũng hy vọng trong thời gian gần, các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý sẽ thắt chặt hơn nữa đối với việc kiểm duyệt các video review trên TikTok và nền tảng mạng xã hội thông qua thuật toán, nhằm hạn chế vấn đề vi phạm bản quyền lẫn ảnh hưởng đến trải nghiệm của khán giả.

Xuân Lan